- TPHCM hỗ trợ Quảng Nam 1 tỷ đồng
(SGGP).- Sáng 20-11, đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã đi thị sát và thăm đồng bào vùng rốn lũ tỉnh Bình Định.
Đoàn đã đi thăm, động viên và tặng quà gia đình bà Văn Thị Két (78 tuổi), gia đình bà Nguyễn Thị Bảy (51 tuổi), cùng ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, nhà bị sập hoàn toàn trong đợt lũ vừa qua.
Tại huyện An Nhơn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đến thăm, động viên, chia buồn và tặng quà gia đình em Dương Thị Diễm (17 tuổi - ở thôn Thạnh Danh, Nhơn Hậu), bị lũ cuốn trôi tại đập Tháp Mão.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Báo cáo của UBND tỉnh Bình Định cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, mưa lũ đã làm 11 người chết, 6 người bị thương, 151 nhà bị sập, gần 4.000 tấn lúa giống bị cuốn trôi, hàng ngàn mét đê, kè, kênh mương, đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, thiệt hại khoảng 691 tỷ đồng. Tỉnh Bình Định đề nghị Chính phủ hỗ trợ trước mắt 3.000 tấn gạo, 5.000 bộ chăn mền, 2.000 bộ lọc nước, 2 triệu viên cloramin B, 2 tấn Cloramin bột, 200 cơ số thuốc phòng chống lụt bão… và 150 tỷ đồng.
* Ngày 20-11, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cùng đoàn công tác TPHCM đã đến vùng lũ Duy Vinh và Duy Thành (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) để thăm hỏi, động viên và tặng 200 suất quà hỗ trợ 200 hộ gia đình. Cùng ngày, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Nam và hỗ trợ 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả đợt lũ lụt vừa qua.
Ngày 19-11, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Xuân Huế đã ký quyết định hỗ trợ trên 347 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2010 giúp các chủ tàu và ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn, bị thiệt hại do bị tàu lạ đâm chìm, bị nước ngoài bắt giữ. Theo đó, hỗ trợ cho chủ tàu cá 333 triệu đồng và các ngư dân tham gia cứu hộ, cứu nạn 14,1 triệu đồng. Cùng ngày, tỉnh Quảng Ngãi cũng ban hành quyết định hỗ trợ 231 triệu đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2010 cho các chủ tàu cá bị thiệt hại do thiên tai gây ra
NHÓM PV
Tảng đá 1.500m³ bít đường Đà Lạt - Nha Trang
Chiều 20-11, ông Nguyễn Công Định, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết đang chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương nổ mìn phá tảng đá khổng lồ khoảng 1.500m³ chắn ngang đèo Hòn Giao (ảnh, đường mới Đà Lạt - Nha Trang).
Tảng đá trên đã bất ngờ đổ chắn ngang đường tại Km42 + 800, thuộc địa phận huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) vào 14 giờ ngày 19-11. Rất may thời điểm trên không có phương tiện nào lưu thông qua đoạn đường này, nguyên nhân có thể do trời mưa kéo dài gây lở núi. Hiện ngành chức năng đã mở một lối đi tránh bên đường để đảm bảo giao thông trên tuyến đường này. Vào đầu tháng 11, đèo Hòn Giao cũng bị sạt lở khiến giao thông chia cắt, làm hàng chục hành khách mắc kẹt 3 ngày.
Từ 7 giờ ngày 19 đến 7 giờ ngày 20-11, lượng mưa trung bình ở mức trên dưới 100mm, một số nơi như Vạn Ninh trên 250mm, Nha Trang 127mm, Ninh Hòa 145mm... gây ngập lụt. Huyện Ninh Hòa đã di dời 304 hộ dân với hơn 1.200 người ở vùng cửa sông Dinh thuộc xã Ninh Hà đến nơi an toàn. Tại thành phố Nha Trang và huyện Diên Khánh, mưa lớn đã làm một số tuyến đường, cầu tràn ngập cục bộ hoặc bị sạt lở. Hiện các đơn vị quản lý đã tiến hành xả nước để điều tiết tại hầu hết các hồ chứa nước và hồ thủy điện như: Đá Bàn, Suối Trầu, Láng Nhớt, Ea Krong Rou..., phòng nước lũ có khả năng về nhiều.
Miền Trung mưa lũ, Bắc - Nam đại hạn
Trong khi các tỉnh miền Trung đang chìm trong các trận mưa lũ xảy ra dồn dập thì theo thông tin mới nhất từ cuộc họp trực tuyến do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại Hà Nội với các địa phương, hiện ở miền Bắc và miền Nam lại đang bước vào một mùa đại hạn. Trong đó, miền Bắc đã 4-5 tháng không mưa còn miền Nam gần như không có lũ.
- Miền Bắc, miền Trung: Mất 300.000 tấn lúa
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đánh giá, hầu như trong cả năm 2010, nông dân miền Bắc phải nai lưng làm ruộng trong cảnh trời đại hạn, các trận mưa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Lẽ ra tháng 7-8 phải có mưa ngâu nhưng chỉ có vài ba trận, nước không đủ tích cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Từ tháng 9 tới 11, hầu như không có một trận mưa đáng kể nào.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng dự báo khí tượng hạn vừa và dài thuộc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, riêng trong tháng 10 vừa qua, lượng mưa ở miền Bắc đã thiếu hụt tới 60%-80% so với trung bình nhiều năm. Từ đầu tháng 11 đến nay, toàn miền Bắc không có trận mưa nào.
Do vậy, ở các địa phương thuộc Đông Bắc bộ và Tây Bắc bộ hiện đã bước vào tình trạng khô hạn nặng, người dân vùng cao bắt đầu khát nước sinh hoạt (trong khi mọi năm phải đến tận tháng 1-2, giáp tết mới xảy ra). Còn ở đồng bằng, các dòng sông, lòng hồ bắt đầu cạn dần, phơi ra những lòng máng khô. Mực nước về các sông lớn ở Bắc bộ như sông Hồng, sông Thao, sông Lô, sông Thái Bình… bắt đầu hụt giảm tới 40%-60%. Theo nhận định, mực nước sông Hồng hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào lượng nước xả của nhà máy thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang, còn nước lũ, nước mưa không hề có.
Tại cuộc họp, ông Phạm Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết do lượng mưa năm nay hụt nghiêm trọng nên từ đầu năm tới nay, sản lượng và diện tích lúa liên tục bị ảnh hưởng. Chỉ riêng trong vụ lúa mùa hiện nay, hạn hán đã làm thiệt hại gần 100.000ha lúa. Tính chung cả năm 2010, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ bị mất khoảng 300.000 tấn lúa do hạn hán, thiên tai. Miền Bắc đang bước vào trồng cây vụ đông, tuy nhiên hạn hán có thể xóa sổ khoảng 23.000ha cây vụ đông trong các tháng 11, 12 và tháng 1, 2 năm 2011. Tình hình còn khốc liệt hơn khi bước vào vụ đông-xuân sắp tới.
- Miền Nam: Hạn nặng
Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, vụ lúa đông-xuân tại khu vực phía Nam, đặc biệt ở ĐBSCL đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nước ngọt nghiêm trọng, hiện nay hạn hán khá nặng và mặn đang xâm nhập sâu vào nội đồng. Trong khi lũ ở thượng nguồn các sông Cửu Long vẫn chưa về. Do đó, sản xuất lúa vụ đông-xuân sẽ bị ảnh hưởng.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, tình hình hạn hán trong thời gian tới sẽ còn khốc liệt hơn so với năm ngoái. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, mặc dù hiện nay ở Nam Trung bộ đang có lũ và khoảng 2-3 tháng nay, lũ liên tục ở miền Trung nhưng trong 3-4 tháng tới, tâm điểm của hạn hán sẽ xảy ra ở khu vực Bắc Trung bộ, gồm các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị…
Do vậy, Bộ NN-PTNT cho rằng, các địa phương cần phải chủ động điều tiết nguồn nước hợp lý. Ở nơi đã và đang bị khô hạn cần tìm mọi cách tích trữ nước vào trong hồ. Còn ở nơi đang có mưa lũ phải chủ động tích xả nước nhịp nhàng hơn, tránh để lãng phí nguồn nước tưới giữa mùa khô.
V.PHÚC