Cần nghiên cứu giải pháp thật căn cơ về giáo trình, về phương pháp dạy ngoại ngữ
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, cần nghiên cứu giải pháp thật căn cơ về giáo trình, về phương pháp dạy ngoại ngữ để 10, 15 năm tới, người Việt Nam phải nói được tiếng Anh. “Chứ như hiện nay, dạy ngoại ngữ không căn bản, đồng bộ thì dù có đề án quốc gia cũng không hiệu quả dù tỉnh Hải Dương đã đầu tư 300 tỷ đồng cho dạy tiếng Anh”, ông Hiển cho biết. Đồng thời, việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) phổ thông mới phải làm khẩn trương, chất lượng, thẩm định của Bộ phải khách quan, bảo đảm có những bộ SGK tốt nhất. Nên miễn giảm thuế cho những nhà xuất bản in SGK.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng phát biểu, hiện vẫn chưa giải quyết được bài toán thừa thiếu giáo viên, đòi hỏi công tác đào tạo phải được làm bài bản hơn. Phải có sự rà soát, kết nối giữa nhu cầu của các địa phương và các trường sư phạm để giải quyết điều này. Cùng với đó, cần chấn chỉnh tình trạng vi phạm của đội ngũ cán bộ giáo dục và nhà giáo. Giải quyết vấn đề chính sách cho nhà giáo, nhất là vấn đề thang bảng lương. Việc tuyển dụng giáo viên của các địa phương cần làm đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng cao. Hiện nay, tình trạng sử dụng giáo viên hợp đồng, tuyển dụng giáo viên còn bất cập ở một số địa phương.
GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nêu quan điểm, vấn đề thừa thiếu giáo viên cần được giải quyết bài bản, thận trọng. Việc sắp xếp các trường ĐH-CĐ là cần thiết nhưng không được máy móc, nhiều trường yếu kém nhưng phải tìm rõ nguyên nhân, là do yếu kém nội tại của trường đó hay do vấn đề cơ chế chính sách, không nên máy móc, thậm chí ép giải thể, sáp nhập. “Số trường ĐH-CĐ của chúng ta không nhiều so với dân số. Số sinh viên bình quân trên vạn dân còn thấp. Việc quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH là hợp lý; nhưng không nên nghĩ chúng ta thừa mà ép số lượng xuống”, GS Trần Hồng Quân nói. Mặt khác, phải đầu tư, quan tâm, thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách, muốn giáo dục là quốc sách thì phải đầu tư, quan tâm thật sự. “Nói Sở GD-ĐT có thể nhập vào Sở khác là không hợp lý. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, tổ chức Sở GD-ĐT tất yếu phải có ở địa phương”, GS Trần Hồng Quân nêu quan điểm.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: tương lai của mọi người, của dân tộc đều phụ thuộc vào giáo dục, nhất là trong bối cảnh hiện nay, vị thế của đất nước ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. “Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà. Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận, chung tay của xã hội nhưng hiếm có chính sách nào nhận được sự đồng thuận 100%. Nhận định điều này để chúng ta kiên định mục tiêu, lý tưởng mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành giáo dục đã xác định”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, mọi đổi mới phải có lộ trình, không thể nóng vội và cần sự chung tay của toàn xã hội. Một mặt là phát huy giá trị dân tộc, nhưng cũng cần tiếp cận tiên tiến của thế giới. Đối với giáo dục phổ thông, cần bảo đảm đủ giáo viên, đủ lớp học và trường học gần nhà để học sinh được học 2 buổi/ngày. Nhà nước lo chung, còn giáo dục chất lượng cao cần xã hội hóa, không nên cào bằng. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trường học phổ thông không chỉ là thiết chế đơn thuần mà là thiết chế cộng đồng. Chúng ta cần nhìn nhận đúng và tin tưởng vào Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.
Năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, ngành giáo dục cần quan tâm đến các vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục quan tâm đến dạy người. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho HS-SV. Thứ hai, giảm áp lực hành chính cho giáo viên, xem lại các chuẩn, tiêu chuẩn giáo viên. Thứ ba, đổi mới sinh hoạt Đoàn - Đội, giáo dục đạo đức cho học sinh.
Đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ những việc nhỏ, từ từng thầy cô, cán bộ giáo dục. Đổi mới phải lấy học sinh làm trung tâm, quan tâm đến việc dạy làm người. Thầy cô phải làm gương cho học sinh. “Nhiều trường để vườn trường rêu mọc như để hoang, tại sao thầy cô không tổ chức, cùng học sinh lao động, làm đẹp trường lớp. Nhiều giáo viên bị bệnh chây ỳ, không đổi mới, sáng tạo, không tự học thuộc giáo án. Nhiều giáo viên hô hào học sinh học vi tính, ngoại ngữ nhưng bản thân mình không biết”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó Thủ tướng, trong giờ học nào cũng có thể nói chuyện đạo đức và giáo viên phải làm gương. Không cần giáo dục những điều cao xa mà người tốt việc tốt xung quanh ta. Thầy cô, học sinh cùng nhân lên những điều tốt đẹp xung quanh mình. “Tăng cường nhà trường, gia đình, xã hội vào giáo dục đạo đức lối sống. Tránh tình trạng “khoán gọn” cho nhà trường”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ. Cùng với đó, ngành giáo dục phải tiếp tục rà lại các thủ tục hành chính, sổ sách để giảm thiểu cho thầy cô, kiên quyết dẹp bỏ nạn chạy theo thành tích.
Bên cạnh đó, giải quyết bài toán về giáo viên và đào tạo sư phạm. Nghị quyết của Trung ương là phải giảm biên chế giáo viên, tức là giảm những người hưởng lương từ ngân sách. Vì thế sẽ phải đẩy mạnh tự chủ, để nhiều trường chất lượng cao có thể từ học phí lo được lương cho giáo viên, dành lương từ ngân sách để lo cho giáo viên ở những vùng khác. Cùng với đó là cân đối số giáo viên về hưu và đào tạo, hiện nay số giáo viên về hưu mỗi năm khoảng 20% nhưng số đào tạo mới lên tới 50%, đào tạo sư phạm thì Nhà nước bao cấp nên đào tạo tràn lan, chất lượng kém. Bây giờ chúng ta đã thống kê được nhu cầu giáo viên thì bắt buộc phải thực hiện việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng, trường sư phạm nào tốt sẽ được địa phương đặt hàng đào tạo. Song song đó, phải bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo. Như vậy, sắp xếp các trường sư phạm phải theo hướng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo cả trong đào tạo, bồi dưỡng.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng cho rằng, phải thực hiện tự chủ đại học thực sự.