Phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa

Phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa

Bệnh sốt xuất huyết còn được gọi là sốt Dengue hay sốt xuất huyết Dengue. Bệnh do virus Dengue gây ra, chúng lây truyền thông qua muỗi Aedes. Bệnh sốt xuất huyết gây dịch hàng năm, nhất là các tỉnh phía nam khi mùa mưa đến.

Bệnh chủ yếu xảy ra trên đối tượng trẻ em, nếu xuất hiện dịch thì tỷ lệ tử vong khá cao (năm 1998 dịch sốt xuất huyết xảy ra tại các tỉnh phía Nam với 124.000 người mắc - trong đó có gần 350 ca tử vong

  • Sốt cao đột ngột, kéo dài

Y như tên gọi của bệnh là sốt xuất huyết, khi trẻ có triệu chứng sốt và xuất huyết thì phải nghĩ đến bệnh. Virus thông qua muỗi sẽ truyền vào người bệnh qua vết đốt, sau quá trình ủ bệnh sẽ có những biểu hiện của tình trạng nhiễm siêu vi -trong đó thường gặp là sốt. Ở bệnh sốt xuất huyết sẽ có sốt cao đột ngột kéo dài liên tục từ 2 đến 7 ngày.

Phòng bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa ảnh 1

Virus Dengue.

Trẻ được dùng thuốc hạ sốt thì đỡ nhưng khi hết thuốc thì sốt lại. Kèm theo sốt là xuất huyết. Từ những chấm xuất huyết ngoài da đến chảy máu cam, chảy máu nướu răng (tự nhiên hoặc có va chạm nhẹ). Nặng hơn có thể xuất huyết từng mảng bầm dưới da hoặc xuất huyết nội tạng.

Xuất huyết và thoát huyết tương từ lòng mạch ra ngoài sẽ làm giảm thể tích của máu lưu thông đưa đến sốc. Ngoài ra còn có thể bị rối loạn đông máu làm cho tình trạng xuất huyết nặng nề hơn.

  • Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện

Khi có triệu chứng sốt và xuất huyết thì nên đưa trẻ đến bác sĩ hoặc cơ sở y tế để khám và được hướng dẫn chăm sóc tại nhà. Nhiều trường hợp bệnh sẽ ổn dần và khỏi mà không có biến chứng nào.

Nhưng khi gặp những triệu chứng sau thì phải nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất để được xử lý: Trẻ vật vã, li bì, tri giác thay đổi. Tay chân lạnh. Trẻ đột nhiên đau bụng nhiều. Ói mửa. Đi tiêu ra máu hoặc phân đen. Nước tiểu đỏ (tiểu ra máu). Trẻ co giật.

Khi trẻ bị biến chứng thì rất nguy hiểm nếu không được giải quyết kịp thời, vì thế không được chủ quan do bệnh diễn biến xấu rất nhanh.

  • Chăm sóc tại nhà khi trẻ bị sốt

Dùng nước ấm lau mát cho trẻ (lau và đắp mát ở trán, cổ, nách, bẹn, …), lau liên tục cho đến khi trẻ hạ sốt. Trong trường hợp sốt nhiều, có thể dùng paracetamol nhét hậu môn, tuyệt đối không được dùng aspirin. Cung cấp đủ nước cho trẻ: nước nấu chín hoặc nước trái cây.

Trẻ còn bú phải cho bú bình thường, uống sữa như cũ. Khi trẻ hết sốt có thể cho ăn nhẹ với cháo hoặc súp. Vì trẻ dễ bị chảy máu do rối loạn đông máu nên tuyệt đối không được cạo, cắt, lể cho trẻ. Điều này rất nguy hiểm, sẽ làm chảy máu nhiều hơn, rối loạn đông máu nhiều hơn.

  • Quan trọng hơn hết là biết phòng bệnh

Giống như các bệnh do virus khác, sốt xuất huyết Dengue không có thuốc điều trị đặc hiệu và cũng không hề có vaccine nên việc điều trị bệnh rất hạn chế. Điều trị chính hiện nay vẫn là theo dõi và chữa triệu chứng, biến chứng.

Quan trọng nhất là nên phòng ngừa bệnh, mọi người phải có ý thức diệt loăng quăng (bọ gậy) và muỗi khi mùa mưa đến. Phải cọ rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước và đậy kín để muỗi không vào đẻ trứng. Thả cá để chúng ăn loăng quăng, bỏ muối hoặc dầu vào các chén đựng nước chống kiến ở chân tủ.

Khi mùa mưa đến nên tổng vệ sinh môi trường xung quanh và nhà ở. Không để các vật không cần thiết có thể chứa nước xung quanh nhà (chai lọ, mảnh lu khạp bể, gáo dừa, lon, hộp,…) Nhà cửa dọn gọn gàng sạch sẽ không treo quá nhiều quần áo làm chỗ trú của muỗi. Ngủ phải có mùng (màn).

Trẻ nên mặc áo dài tay khi ngủ. Dùng các dụng cụ diệt muỗi thường xuyên: bình xịt muỗi, nhang trừ muỗi, các máy phát âm thanh xua muỗi… Phối hợp với cơ quan y tế vệ sinh môi trường và phun xịt muỗi. 

BS BÙI MINH TRẠNG

Tin cùng chuyên mục