Phòng chống tai nạn giao thông - Cần sự đồng bộ giữa ý thức và phương tiện

Phòng tránh tai nạn cho các em
Phòng chống tai nạn giao thông - Cần sự đồng bộ giữa ý thức và phương tiện

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra ngày 13-6-2011 trên đường cao tốc TPHCM – Trung Lương có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ tựu trung (nguyên nhân bên trong và sâu xa) ở chỗ chưa có sự thích ứng đồng bộ giữa ý thức phòng tránh tai nạn của người tham gia giao thông với điều kiện cơ sở hạ tầng (đường) và điều kiện phương tiện (xe). Đó là:

- Cho xe lưu thông ở đường cao tốc trong khi chưa đảm bảo hoàn toàn độ an toàn (độ bám của của vỏ xe, độ ma sát của phanh…). Điều này chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông, bởi chính họ phải đảm bảo an toàn cho mình; nhưng nếu vì lý do “tiết kiệm” hoặc bất cẩn thì lỗi này không phải lúc nào cũng bị xử lý.

- Khoảng cách chưa an toàn. Theo quy định là khoảng cách tối thiểu phải là 70m; còn trong trường hợp này, các xe đã thực sự đảm bảo khoảng cách này chưa? Trên thực tế, khoảng cách an toàn là điều các lái xe hay vi phạm nhưng ít khi bị xử lý.

- Tốc độ không an toàn. Thông thường, trong điều kiện đường tốt và ít xe, các tài xế có xu hướng vượt quá tốc độ cho phép và ít lường trước sự rủi ro khi có sự cố bất ngờ (như xe trước bất ngờ lạc tay lái, có người hoặc vật bất ngờ băng qua đường, cột điện đổ, xe nổ bánh…).

- Thiếu sự tập trung cao độ và thường xuyên khi lưu thông ở đường cao tốc. Khi lưu thông ở tốc độ cao, người lái xe phải có sự chú ý cao độ và giữ trạng thái đó liên tục thì mới tránh được tai nạn, nhất là vào giờ khuya hoặc khi đã cầm vô lăng quá lâu.

- Thiếu nhạy bén trong xử lý tình huống. Nghề lái xe đòi hỏi con người phải có sự nhạy bén, phản xạ nhanh hơn những nghề khác. Nếu bản thân không có được điều này hoặc đã mất đi do tuổi tác, do bệnh tật, do tâm lý… thì không nên tiếp tục làm nghề này nữa.

- Ngoài ra còn có thể kể các yếu tố khác như độ sáng (hoặc chói) của đèn xe, độ sáng của đèn đường, độ bám của mặt đường… gây ra tai nạn.

Như vậy, ngoài yếu tố kỹ thuật và rủi ro thì yếu tố ý thức của người điều khiển phương tiện (đặt trong điều kiện của phương tiện mình điều khiển với loại đường lưu thông mình đang đi) chưa được đề cao đúng mức. Có không ít người cho xe phóng ào ào ở đường cao tốc nhưng mang ý thức, tâm lý về phòng tránh tai nạn của một người đi xe đạp trên đường làng. Đó là sự thiếu “đồng bộ”. Vì vậy, tai nạn là điều khó tránh khỏi.

Khắc phục tình trạng này, một mặt phải tăng cường công tác tuyên truyền về hiểm họa TNGT đối với toàn dân, đặc biệt là những người tham gia giao thông, mặt khác phải đảm bảo an toàn ở các đường giao thông. Bản thân người tham gia giao thông phải tự kiểm tra độ an toàn của phương tiện mình sắp điều khiển để xử lý kịp thời những sự cố có thể xảy ra, nhất là với phanh, cần ga, cần số… Phải tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt các hành vi vi phạm về an toàn giao thông, nhất là với các loại phương tiện tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao và mức độ thiệt hại lớn khi có tai nạn.

Nguyễn Minh Hải (quận 3)


Phòng tránh tai nạn cho các em

Huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận có nhiều trường tiểu học (TH), THCS nằm dọc quốc lộ 1A, như trường TH Hàm Minh, TH Hàm Minh 2, TH Hàm Cường, TH Hàm Cường 2… Có dịp công tác qua những ngôi trường này chúng tôi lấy làm lo lắng về tình hình an toàn giao thông của học sinh (HS) khi đến trường và về nhà, đặc biệt là với các em bậc tiểu học.

Vào giờ đến trường cũng như lúc ra về, hàng tốp HS nhỏ không người lớn dẫn đường vô tư cùng nhau băng qua quốc lộ 1A nườm nượp xe qua lại. Đó là chưa kể các em còn đùa giỡn, rượt đuổi nhau ngay mép quốc lộ rất nguy hiểm, trong khi trên tuyến đường này xe khách liên tỉnh, xe tải phóng nhanh vượt ẩu, lấn tuyến gây tai nạn nghiêm trọng thường xuyên (ảnh). Nơi đây người dân phần lớn vẫn chưa thật sự khá giả, bận lo làm ăn nên ít điều kiện đưa rước con mà để các em tự đi học bằng xe đạp hay đi bộ.

Em Trần Phương Mai, HS Trường TH Hàm Cường 2, nói: “Nhà con cách trường 4km, con phải lội bộ đi học. Thường thì tụi con đi về chung một nhóm với nhau, mỗi khi qua đường về nhà nếu có người lớn thì tụi con nhờ họ dẫn qua, không thì đứng đợi hết xe thì chạy ù qua”. Anh Nguyễn Trọng Khang, phụ huynh một HS Trường TH Hàm Minh 2, cho biết nếu được nhà trường tổ chức đưa đón HS bằng phương tiện chuyên chở công cộng thì anh và nhiều người cũng sẽ cố gắng cho các cháu đi học bằng xe, vì để các cháu đi học như thế này nguy hiểm lắm.

Để bảo đảm an toàn giao thông cho các cháu, sự mong mỏi từ phía phụ huynh, rất mong những trường TH, THCS có địa phận tiếp giáp với quốc lộ 1A ở Hàm Thuận Nam có kế hoạch đưa đón HS bằng xe buýt. Một là tránh rủi ro và những tai nạn đáng tiếc cho các em trên đường đi học, hai là giúp đỡ các em trong việc đến trường được thuận lợi hơn. Đừng để đến khi những tai nạn đáng tiếc xảy ra rồi mới ngồi tìm giải pháp, lúc đó e rằng đã muộn.

Anh Tú

Tin cùng chuyên mục