Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng diễn ra ở Hà Nội mới đây, một lần nữa Ban Bí thư Trung ương Đảng đã khẳng định, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực nhưng hiện nay tệ tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và là mối quan tâm lớn của Đảng cũng như toàn xã hội.
Chính vì thế, theo đồng chí Trương Tấn Sang, Thường trực Ban Bí thư, trong nhiệm kỳ tới, tham nhũng tiếp tục vẫn là một trong những thách thức lớn, là một trong những nguy cơ mà Đảng luôn cảnh báo. Đây là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cũng theo đồng chí Trương Tấn Sang, cuộc đấu tranh PCTN chỉ thành công khi biết dựa vào dân, phát huy cao độ vai trò của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các cấp dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Theo kế hoạch, chỉ còn ít ngày nữa Đại hội lần thứ XI của Đảng sẽ diễn ra. Theo các ý kiến thảo luận tại hội nghị nói trên, với việc tổng kết nhiệm kỳ, tại đại hội này cũng như hoạt động của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong nhiệm kỳ tới, công tác PCTN sẽ được đẩy mạnh hơn, làm tốt hơn ở một tầm mức mới, để từ “chủ yếu phòng ngừa” sang “chủ động đấu tranh” một cách hiệu quả, tích cực nhất. Bởi hầu như ai cũng nhìn thấy, tình trạng tham nhũng hiện nay vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Đây là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, liên quan đến lòng tin vào chế độ, là vấn đề hệ trọng trong đời sống chính trị đất nước. Việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, chính là góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính; đồng thời củng cố lòng tin của nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội đất nước phát triển.
Có 3 vấn đề trọng tâm được xem là rất quan trọng và cơ bản để có thể đẩy mạnh, thực hiện tốt hơn nữa công cuộc PCTN hiện nay. Đó là: Hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập và minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng và sớm ban hành quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền các cấp để xảy ra tham nhũng trong tổ chức mình phụ trách; thực hiện quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng.
Cả 3 vấn đề này đều đã được bàn thảo khá nhiều nhưng hiện nay vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ để thực hiện. Đặc biệt, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, quy chế khen thưởng và bảo vệ người tố cáo tham nhũng cần sớm được xây dựng và ban hành. Có như vậy, người dân mới có thể yên tâm, tin tưởng vào bộ máy Nhà nước khi thực hiện tố cáo tham nhũng.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng là đấu tranh ngay trong mỗi con người, ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tham nhũng hiện đã xảy ra trên diện rộng, ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, công tác phòng chống tham nhũng phải trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Mỗi một cán bộ, đảng viên hay một người dân bình thường, trước pháp luật đều là công dân. Người công dân đó dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng khi ý thức công dân, lòng tin vào chế độ vào sự lãnh đạo của Đảng được đặt lên hàng đầu.
Để có được điều đó, dựa vào dân chưa đủ mà cần những quy định pháp lý, những chính sách phù hợp để khuyến khích, bảo vệ người dân khi họ tiến hành đấu tranh chống tham nhũng.
Trần Lưu