Phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ

Sở Y tế và Sở GD-ĐT TPHCM vừa phát đi thông báo đến các trường học về việc phòng ngừa và xử trí để tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện dịch đau mắt đỏ đang lan rộng, do đó cần tăng cường công tác vệ sinh, cách ly, ngăn ngừa lây lan. Theo các chuyên gia mắt, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc thành dịch) có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
Phòng và điều trị bệnh đau mắt đỏ

Sở Y tế và Sở GD-ĐT TPHCM vừa phát đi thông báo đến các trường học về việc phòng ngừa và xử trí để tránh lây lan bệnh đau mắt đỏ. Theo Sở Y tế TPHCM, hiện dịch đau mắt đỏ đang lan rộng, do đó cần tăng cường công tác vệ sinh, cách ly, ngăn ngừa lây lan. Theo các chuyên gia mắt, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc thành dịch) có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Đặc điểm của dịch đau mắt đỏ: Bệnh do virus gây nên, lây lan tương đối nhanh. Đa số trường hợp tự hết sau 7 đến 14 ngày. Một số ít trường hợp có biến chứng giác mạc.

Bệnh đau mắt đỏ được biểu hiện bằng mắt đỏ và có ghèn. Thường đỏ một mắt trước, sau đó lan qua mắt thứ hai. Ghèn thường là nước trong hoặc ghèn vàng. Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc. Đôi khi có đau hạch sau tai, viêm họng, sốt nhẹ và mỏi mệt. Bệnh nhân đau mắt đỏ có cảm giác cộm, xốn tại mắt giống như có cát, mắt khó chịu, đau nhẹ và mờ thoáng qua.

Có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm vi trùng khi bị bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: T.L.

Có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm vi trùng khi bị bệnh đau mắt đỏ. Ảnh: T.L.

Cách điều trị: Bệnh nhân nên đeo kính râm; nhỏ dung dịch nước muối đẳng trương (NaCl 0,9%) hoặc nước mắt nhân tạo. Có thể dùng thuốc nhỏ kháng sinh ngừa bội nhiễm vi trùng. Chườm lạnh sẽ giúp giảm sưng và mang lại cảm giác dễ chịu. Dùng bông gòn sạch lau khô. Giữ gìn vệ sinh cá nhân. Rửa tay với xà phòng sát khuẩn thường xuyên giúp tránh lây lan.

Nguồn lây và phòng ngừa: Bệnh đau mắt đỏ không lây khi nhìn nhau. Hiện chưa có thuốc nhỏ ngừa bệnh. Trung gian truyền bệnh là nước mắt của bệnh nhân đau mắt đỏ (nước mắt có chứa virus). Bệnh đau mắt đỏ lây qua những hạt tiết tố nhỏ li ti, khi bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi; qua những vật dụng nhiễm nguồn bệnh (nắm tay cửa, điện thoại, khăn,…); qua nước bị nhiễm khuẩn (ví dụ như nước hồ bơi).

Để phòng bệnh nên tránh tiếp xúc những vật dụng dễ nhiễm nguồn bệnh (nước mắt có chứa virus của bệnh nhân). Rửa tay với xà phòng diệt khuẩn là một biện pháp phòng bệnh rất hữu hiệu. Không tự dùng thuốc nhỏ có chất “Dexa” hoặc những thuốc “cổ truyền” vì có thể sẽ dễ gây biến chứng tại mắt.

(Theo Bệnh viện Mắt TPHCM)

Tin cùng chuyên mục