Hồi ức của một thuyền trưởng

Trong chiều dài lịch sử 50 năm của Lữ đoàn 171 (ngày 9-7-1966 - 9-7-2016), có một chiến công vang dội làm nên diện mạo của những người lính tàu săn ngầm. Đó là chiến dịch tiêu diệt bọn Pol Pot-Ieng Sary góp phần giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer đỏ.
Hồi ức của một thuyền trưởng

Trong chiều dài lịch sử 50 năm của Lữ đoàn 171 (ngày 9-7-1966 - 9-7-2016), có một chiến công vang dội làm nên diện mạo của những người lính tàu săn ngầm. Đó là chiến dịch tiêu diệt bọn Pol Pot-Ieng Sary góp phần giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Khmer đỏ.

Tình hình chiến sự 

Cho đến bây giờ, sau 38 năm, Trung tá, thuyền trưởng tàu HQ-07 Nguyễn Viết Chức vẫn nhớ như in ngày ông và đồng đội một sống một chết với bọn Pol Pot-Ieng Sary trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. “Trong cuộc đời lính biển của tôi, có thêm một niềm tự hào, đó là giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, góp phần đem lại tự do cho người dân, ổn định chính trị cho nước bạn”, ông Chức chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên Thuyền trưởng tàu HQ-07

Năm 1977, tập đoàn Pol Pot bên trong đẩy mạnh thanh trừng nội bộ, bên ngoài thì hô hào kích động hằn thù dân tộc với Việt Nam, tăng cường lấn chiếm lãnh thổ nước ta. Cuối năm 1978, chúng liều lĩnh huy động tới 23 sư đoàn tấn công đại quy mô vào Việt Nam. Không kể người Campuchia hay người Việt, chúng đi đến đâu, tàn sát bắn giết ngư dân đến đó. Trên bộ, bọn Khmer đỏ trà trộn vào dân thường chém giết, treo cổ dân thường vô tội. Chúng thực hiện chiến dịch “tận diệt” bất kể già, trẻ - gái, trai. Trước tình hình chính trị hỗn loạn, Chính phủ Hoàng gia Campuchia lúc đó đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin đã yêu cầu Việt Nam giúp đỡ về mặt quân sự để thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary.

Trước nỗi đau của người dân nước bạn, và trước yêu cầu của Chủ tịch Heng Samrin, hàng ngàn lính tình nguyện Việt Nam đã lên đường sang Campuchia chiến đấu, trong đó có Lữ đoàn 171 Hải quân.

Trận mở màn chiến dịch

Có lẽ trong nhiều cựu binh trở về từ chiến trường biên giới Tây Nam năm 1979, cựu binh Nguyễn Viết Chức là một trong những thuyền trưởng điển hình về tác chiến đánh địch trên chiến trường sông biển. Bởi vậy, khi nói đến chiến dịch đánh bọn Pol Pot Ieng Sary, ông Chức kể vanh vách, lưu loát từng chi tiết. Ông bảo: “Nếu lúc đó, Việt Nam không giúp nước bạn tiêu diệt bọn Pol Pot-Ieng Sary thì đất nước Campuchia sẽ không thể độc lập, nền chính trị của nước này sẽ đi một hướng khác, bọn Khmer đỏ sẽ thống trị”.

Tàu chiến đấu của biên đội 1 bắn chế áp cho các lực lượng đổ bộ giải phóng đảo Cô Koong ngày 16 - 1 - 1979 (ảnh tư liệu).

Trong nhiều lực lượng tình nguyện sang Campuchia, Lữ đoàn 171 lúc đó mang phiên hiệu Hạm đội 171, điều động 9 tàu HQ-501, HQ-01, HQ-03, HQ-05, HQ-07, HQ-197, HQ-199, HQ-205, HQ-215. Tất cả các tàu trên được tập kết ở cảng Cam Ranh và chia thành hai biên đội. Tàu HQ-501 làm tổng chỉ huy. Trước khi ra trận, các biên đội tàu tổ chức phát động thi đua quyết tâm chiến đấu. Trong niềm vui ra trận, có cả những trăn trở lo toan. Những người lính trẻ tuổi mười tám đôi mươi lần đầu tiên bước chân xuống tàu đi chiến đấu. Họ đã khóc vì nhớ quê hương, người thân, gia đình. Nhiều tân binh viết thư về cho gia đình chia tay lần cuối. Thuyền trưởng Nguyễn Viết Chức cũng ra đi trong niềm tự hào và trăn trở ấy.

 Sau khi rời cảng Cam Ranh, hai biên đội chia làm hai nhóm tàu. Nhóm biệt kích 1 gồm các tàu HQ-01, HQ-03, HQ-197, HQ-205 do thuyền trưởng Đỗ Xuân Công chỉ huy đi trên tàu HQ-01. Nhóm này có nhiệm vụ dùng pháo lớn bắn từ xa và đánh chặn địch trên vùng biển Kampong Som và cảng Ream (Campuchia). Nhóm 2 gồm các tàu HQ-05, HQ-07, HQ-613, HQ-199, HQ-203, HQ-215 và các tàu của Vùng 5 Hải quân do đại úy Nguyễn Tư Tường chỉ huy. Đây là nhóm đột kích vào cảng Ream, bảo vệ cạnh sườn bên trái cho lực lượng đặc công nước 126 đổ bộ đánh chiếm đầu cầu. Khi phát hiện lực lượng tàu ta trinh sát, bọn Pol Pot - Ieng Sary đã cho tàu có trọng tải 100 đến 200 tấn do Trung Quốc viện trợ và cố vấn chỉ huy quân sự ra đánh chặn và tấn công tàu ta. Trước tình hình đó, Hạm đội 171 lệnh cho nhóm đột kích 2 vào vị trí chiến đấu, đánh chi viện cho tàu trinh sát HQ-613 và HQ-199. Trận chiến đấu đánh sáp lá cà chỉ diễn ra 20 phút, một tàu địch bị tiêu diệt hoàn toàn, một tàu khác của địch bị hỏng nặng. Thấy ta tấn công mãnh liệt, bọn Pol Pot - Ieng Sary đã lùi lại co cụm về cảng Ream, sau đó vòng sườn, lừa đánh phía sau các tàu của ta. Nhưng ta phát hiện đánh phủ đầu và tiêu diệt 2/3 số tàu địch. Số còn lại thấy yếu thế lùi vào cảng Ream củng cố lực lượng. Trận mở màn chiến dịch hoàn toàn thắng lợi.

Nước mắt thuyền trưởng

38 năm trước, ông Chức ôm xác đồng đội trên tay giữa cabin tàu gào khóc và chính tay ông đã đưa thi thể đồng đội vào bao lạnh dưới hầm tàu. 38 năm sau, nước mắt ông Chức lại trào ra, phần vì quá khứ ám ảnh, phần vì cảm xúc khi hồi ức những ngày gian khổ ùa về. Những đồng đội cũ đã anh dũng hy sinh trên tàu HQ-07 ngày ấy cũng được ông Chức nhắc đến trong câu chuyện kể. Đó là chiến sĩ hàng hải Tô Duy Hải, quê gốc Nam Định, bị quả pháo 57 ly xuyên trúng ngực qua bốn lớp vách ngăn khi đang cầm vô lăng điều khiển tàu chiến đấu; chiến sĩ ngành pháo tàu HQ-07 Trần Văn Hòa (quê ở Vĩnh Phú) trúng đạn địch vào hai chân, chỉ còn xương trơ trọi, máu chảy ròng ròng. Trước lúc tắt thở, anh Hòa còn hô lớn: “Anh em hãy chiến đấu trả thù cho đồng bào, đồng chí, đồng đội”.

Năm nay ông Chức gần tuổi 60, vị thuyền trưởng tàu săn ngầm HQ-07 một thời hoa lửa, tóc đã bạc hơn phân nửa. Đời ông gắn liền với biển đảo, bộ não ông như một “tư liệu lịch sử”, mà trong đó là những trận đánh trên biển, những tên tuổi đồng đội đã hy sinh và cao hơn tất cả là niềm tự hào của người lính không bao giờ vơi cạn.

 Lữ đoàn 171 Vùng 2 Hải quân ra đời ngày 9-7-1966 giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta ở giai đoạn quyết liệt. Qua 50 năm ra đời chiến đấu và trưởng thành, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống giữa lòng sông, cửa biển, trên những con tàu hải trình ra biển, đảo để dệt nên truyền thống “chiến đấu anh dũng, khắc phục khó khăn, liên tục bám biển, quyết chiến quyết thắng”. Lữ đoàn 171 ngày càng lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ; vũ khí hiện đại, đủ sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Mai Thắng

Tin cùng chuyên mục