Mãi lộ lên núi - Bài 2: Trạm kiểm dịch… làm luật!

Trong thời buổi mà dịch cúm gia cầm tái đi phát lại như 2 năm gần đây thì các trạm, chốt kiểm dịch động vật có vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát, ngăn chặn gia cầm mang virus gây bệnh từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nhưng thật bất ngờ, cả 2 trạm kiểm dịch trên quốc lộ 27 cũng tham gia thu "mãi lộ phí" giùm CSGT, còn nếu vắng vắng thì trực tiếp ăn tiền của giới xe tải (!).
Mãi lộ lên núi - Bài 2: Trạm kiểm dịch… làm luật!

Trong thời buổi mà dịch cúm gia cầm tái đi phát lại như 2 năm gần đây thì các trạm, chốt kiểm dịch động vật có vai trò hết sức quan trọng trong kiểm soát, ngăn chặn gia cầm mang virus gây bệnh từ tỉnh này sang tỉnh khác. Nhưng thật bất ngờ, cả 2 trạm kiểm dịch trên quốc lộ 27 cũng tham gia thu "mãi lộ phí" giùm CSGT, còn nếu vắng vắng thì trực tiếp ăn tiền của giới xe tải (!). 

  • Kiểm tiền, khỏi... kiểm dịch! 
Mãi lộ lên núi - Bài 2: Trạm kiểm dịch… làm luật! ảnh 1

Trưa ngày 24-2-2008, chúng tôi có mặt gần chốt kiểm dịch động vật dưới chân đèo Ngoạn Mục nằm ngay trước cổng Đội Tuần tra kiểm soát giao thông số 1 trên quốc lộ 27. Tấm bảng sắt dựng ven đường ghi: "Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Ninh Thuận, Chốt kiểm dịch động vật liên ngành". Có mặt tại chốt là một CSGT mang hàm thượng úy và một nhân viên mặc sắc phục lực lượng thú y áo trắng, quần xanh có trang bị bình xịt thuốc.

Phía trong trạm còn có một nhân viên thú y khác. Khi CSGT ra hiệu cho một chiếc xe tải BKS 54N - 4264 dừng. Xe vừa tấp vào lề đường, tài xế nhảy xuống đưa giấy cho người CSGT rồi lập tức lên xe đi ngay. Khoảng vài phút sau, một xe tải BKS 85T-1891 từ phía Phan Rang lên dừng lại, tài xế cũng chạy đến chỗ người CSGT đang ngồi và được chỉ vào phía trong chốt kiểm dịch động vật, tài xế đi vào và 30 giây sau thì đi ra. Nhân viên kiểm dịch vác bình xịt qua loa vài cái bên hông xe tải, rồi trở lại chốt.

Trong vòng 1 giờ đồng hồ có hơn 10 xe tải biển số 49H-7204, 49X-2583, 49H-5256… đều được hiệu lệnh dừng xe. CSGT và nhân viên kiểm dịch không cần kiểm tra xe chở gì mà chỉ đợi tài xế hoặc phụ xe nhảy xuống trình "giấy" (gồm cả giấy đăng kiểm, bằng lái… và tiền) trong vòng vài giây rồi đi. Chỉ có 2 xe là được xịt thuốc khi tài xế hoặc phụ xe bước vào trong chốt "làm việc". Việc xịt thuốc dường như chỉ để ngụy trang, đối phó với người dân xung quanh và người qua đường, vì nhân viên kiểm dịch không hề lên xe kiểm tra coi có chở gia súc, gia cầm gì hay không, mà chỉ xịt cho có lệ quanh bánh xe.

 Chiều ngày 4-3, chúng tôi đến Trạm kiểm dịch (TKD) Eo Gió nằm ngay phía trên đầu đèo Ngoạn Mục, thuộc địa phận thôn Phú Thuận, thị trấn Dran (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Ở đây, mọi việc diễn ra có vẻ… công khai. Trong vòng 30 phút, có 5 xe tải đi qua bị chặn lại. Phụ xe 49H-4940 chạy vào trạm và rút tiền trong túi quăng vào bàn làm việc của nhân viên TKD rồi lấy giấy phóng lên xe đi, nhân viên của TKD không có một động thái chuyên môn nào. Lát sau, phụ xe 49H-3101 cũng chạy vào trạm nhá giấy, đưa tiền rồi trở ra xe.
 
Sáng ngày 8-3, chúng tôi trở lại tiếp tục "phục kích" ở TKD Eo Gió và cũng chứng kiến cảnh tượng không lấy gì vui vẻ. Trong vòng 1 giờ đồng hồ, có 5 xe tải mang biển số 49 chở phân từ hướng Phan Rang lên, đều bị nhân viên TKD chặn lại và tài xế chỉ cần vào trạm đưa tiền để đổi lấy giấy kiểm dịch. Bác tài xe 49X-2XXX chở đầy hàng nhanh nhảu chạy vào trình "giấy" rồi quay ra ngay. Thấy chúng tôi thắc mắc, bác ta cười cười: "Đâu có cần biết xe tui chở gì. Có gà, vịt nhiễm cúm A H5N1 hay chết rồi cũng qua truông… Làm gì có chuyện kiểm dịch? Kiểm tiền thì có(!?)".  

  • Thuần thục như đã "rèn luyện" 

Tưởng đồng nghiệp mới vào nghề chạy tuyến đường mới, nhà xe chạy tuyến Nha Trang - Bảo Lộc cho chúng tôi biết "luật đi đường": "Riêng ở Ninh Sơn thì gặp CSGT ở đâu thì chung đó, mỗi lần 50.000 đồng, thấy hiệu lệnh phải tự động dừng lại, đừng thắc mắc đúng sai". "Còn với trạm kiểm dịch thì sao?"- "Thường thì tiền tươi trao tay từng chuyến. Chỉ riêng TKD Eo Gió thì đưa nhân viên kiểm dịch theo hình thức "chung tháng" 500.000 đồng. Đưa tiền thì nhớ ghi số xe gửi cán bộ trạm kiểm dịch là ok, lần sau chỉ cần trình số xe là… bay" - anh ta cười hô hố, làm như rành "luật" dữ lắm. 

Mãi lộ lên núi - Bài 2: Trạm kiểm dịch… làm luật! ảnh 2
Ảnh trích từ máy quay phim, cảnh lái xe vào trạm chung chi tại chốt kiểm dịch Ninh Sơn và trạm kiểm dịch Eo Gió (Lâm Đồng).

Cố bám theo xe tải BKS 49H - XXXX, chúng tôi được anh C. (tài xế) bật mí: Xe tải Lâm Đồng xuống khi về chủ yếu chở phân, có khi chở bò và "hầu hết các xe chở phân từ Nha Trang, Phan Rang về qua đây đều phải chung, mỗi lần chung là 50.000 đồng và xe nào không chung thì lần sau đừng hòng qua đây…". Qua quan sát tại chỗ thì thời điểm sáng sớm hoặc từ chiều tối trở về đêm, những lúc nhân viên TKD Eo Gió làm việc… căng nhất vì đường vắng, ít người qua lại mà trên đường lại nhộn nhịp xe tải.
 
Đêm đến, nạn mãi lộ diễn ra càng trắng trợn. Camera của chúng tôi đã quay trọn cảnh làm luật ở trạm này. Từ lúc 20 giờ đến 23 giờ tối hôm đó, có khoảng 15 xe tải chở đầy hàng, chủ yếu chở phân bón, rau, cà phê. Nhiều xe nghiêng hẳn một bên vì quá tải, đều phải vào trạm để chung. Khác với ban ngày, vào ban đêm, nhân viên TKD dùng đèn pin "nhá" cho xe dừng lại. Tài xế một xe tải Hyundai loại 2,5 tấn, BKS 49H -0312 chạy thẳng vào trạm, giả vờ rút thuốc hút rồi luồn tiền từ túi sau ra "bồi dưỡng" cho nhân viên trạm. Tài xế không quên đảo mắt một vòng, rồi ra bên ngoài và đứng che cho nhân viên TKD bỏ tiền vào ngăn kéo. Mọi việc diễn ra rất nhanh, thuần thục như đã "rèn luyện" hàng ngày.

 Có đứng ở đây mới thấy chung chi cũng có nhiều… kỹ thuật. Có tài xế vội đến nỗi chỉ cần chạy vào, quăng tiền qua ô cửa sổ, nơi có nhân viên kiểm dịch ngồi sau bàn rồi quay đi; có tài xế thì len lén dúi tiền ngay hành lang. Tài xế khác thì trình giấy, lân la hỏi thăm sức khỏe nhân viên thú y rồi móc tiền trong túi ra lì xì nhân viên của trạm và được anh ta ghi lại số xe.
 
Bởi vậy, giữa thời buổi dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát mạnh, lây lan từ tỉnh này sang tỉnh khác, các biện pháp phòng chống dịch dường như vô nghĩa ở các trạm gác này. Đâu chỉ có CSGT biết tận dụng "lợi thế" của mình trên các tuyến quốc lộ, mà giờ đây nhân viên thú y, kiểm dịch thực phẩm, gia súc, gia cầm cũng… tranh thủ kiếm thêm bằng trách nhiệm được giao. Đồng tiền "làm luật" dần dần che mờ đạo đức, ý thức nghề nghiệp của những người "gác cổng sức khỏe" nhân dân, phá đi nỗ lực Chính phủ, chính quyền địa phương trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm  

Tổ PVĐT

Thông tin liên quan

 - Mãi lộ lên núi - Bài 1: Ngoạn mục - Ngày và đêm

Tin cùng chuyên mục