Mặt trái của thế giới ảo - Bài 3: Những chiêu thức của bọn khủng bố

Mua chuộc, lôi kéo qua mạng
Mặt trái của thế giới ảo - Bài 3: Những chiêu thức của bọn khủng bố

Không chỉ phức tạp về vấn đề trật tự xã hội, thế giới ảo - một thế giới không biên giới - cũng là mảnh đất màu mỡ cho các đối tượng xấu lợi dụng để tìm cách chống phá Nhà nước. Các thế lực thù địch những tưởng lợi dụng internet để hoạt động chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam thì sẽ không để lại dấu vết, qua mặt được cơ quan chức năng…

Mua chuộc, lôi kéo qua mạng

Mặt trái của thế giới ảo - Bài 3: Những chiêu thức của bọn khủng bố ảnh 1

Trần Huỳnh Duy Thức, người đã lập 3 blog để tuyên truyền chống phá Nhà nước

Thông qua mạng internet nhằm lôi kéo một số đối tượng vô công rỗi nghề; gửi truyền đơn và tiền về để mua chuộc, các đối tượng này kích động quần chúng, tìm cách rải truyền đơn chống phá Nhà nước là chiêu bài được các tổ chức khủng bố hải ngoại thường xuyên sử dụng nhất. Điển hình gần đây nhất là vụ việc diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 vừa qua. Lợi dụng việc hàng ngàn công nhân đang bức xúc về lương, thưởng tết, các đối tượng Đoàn Huy C., Đỗ Thị M. H., Nguyễn Hoàng Q. H. tổ chức kích động công nhân khiếu kiện, biểu tình, đồng thời tìm cách rải truyền đơn chống phá chính quyền.

Mặc dù việc mâu thuẫn của công nhân với chủ doanh nghiệp là vấn đề sẵn có, C. và đồng bọn vẫn rêu rao cho bọn phản động nước ngoài biết như là một “chiến công” của bọn chúng trong việc kích động công nhân biểu tình. Chỉ với một vài công nhân bị lôi kéo, bọn chúng đã phóng đại lên với bọn khủng bố hải ngoại như là cả chục ngàn công nhân đã bị lôi kéo tham gia!

Theo điều tra của cơ quan công an, Đoàn Huy C. (SN 1985) có một tiền án, vừa được ra tù đã lên mạng trò chuyện, gặp gỡ một nhóm có danh xưng Ủy ban bảo vệ Người lao động VN (nhóm này lợi dụng danh nghĩa tổ chức hội đoàn giúp đỡ công nhân, hoạt động trá hình, thực chất là chống Nhà nước VN) của Trần Ngọc Thành (đối tượng đi xuất khẩu lao động, trốn ở lại Ba Lan).

Từ đây, thông qua trò chuyện trên mạng, C. đã nhận thực hiện các “công tác” kích động nhân dân đình công, biểu tình. Đổi lại, C. nhận được từ tay chân của Thành khoảng 2.000 USD. Để thực hiện nhiệm vụ, C. tiếp nhận các truyền đơn từ bên ngoài gửi về qua internet để phát tán trong nước; nhận các câu trả lời sẵn để trả lời phỏng vấn cho các “loa” ủng hộ các tổ chức khủng bố trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại như: RFA, Chân Trời Mới (Việt Tân)… với nội dung xuyên tạc sự thật về chế độ giam giữ, cải tạo phạm nhân của Nhà nước ta cũng như công khai tư tưởng chống đối. Tuy nhiên, “kẻ cắp gặp bà già”, trong khi bọn khủng bố nước ngoài lợi dụng C. để tuyên truyền, xin tài trợ từ cộng đồng chống phá, thì C. lại in truyền đơn ra, tự đọc, tự chụp hình rồi gửi cho các tổ chức khủng bố, nói là đã rải được truyền đơn ra các nơi công cộng, nhà sách…

Tương tự là vụ Lê Văn Yên (SN 1953) đã bị TAND TPHCM xử phạt mức án 2 năm tù giam về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Từ năm 2004, lợi dụng việc Nhà nước cho phép dân chủ trong tự do ngôn luận, Lê Văn Yên tham gia vào diễn đàn của một tổ chức phản động ở nước ngoài. Lúc 24 giờ ngày 14-4-2006, khi đang rải 90 tờ truyền đơn có nội dung chống phá Nhà nước tại lô 9 cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Yên bị quần chúng phát hiện, bắt giữ, giao cho cơ quan công an. Tại tòa án, Yên khai rằng vì muốn có tiền nên mới phạm tội, chứ không phải vì bất mãn chế độ như lời “quảng cáo” của các thế lực thù địch.

Tìm cách mua chuộc giới trẻ

Riêng với học sinh - sinh viên (HS-SV), các đối tượng chống đối trong cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại lại tiếp cận bằng cách cho tiền dưới danh nghĩa học bổng, sau đó mời ra nước ngoài gặp gỡ rồi tổ chức huấn luyện để họ hoạt động trong nước. Đổi lại, chúng sẽ thu gom các thông tin cá nhân, bảng thành tích học tập của HS-SV để phô trương lực lượng. Cụ thể, ban đầu bọn chúng tổ chức những cuộc thi vô thưởng vô phạt, các diễn đàn về những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng như các cuộc thi về môi trường, diễn đàn về những vấn đề nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận như Trường Sa, beauxite Tây Nguyên…

Theo các cán bộ, chiến sĩ an ninh mạng (Bộ Công an), những sinh viên đoạt giải được mời ra nước ngoài nhận giải thưởng (gần như tất cả các bài viết tham dự đều được trao giải) sẽ dần bị trói vào hoạt động của bọn chúng. Và một số bạn trẻ đã phải trở thành tay sai cho bọn khủng bố.

Một trong những trường hợp “sa chân” như vậy là Đặng Thị Phong Lan (SN 1987, SV của một trường đại học tại TPHCM) cùng chồng là Hoàng Huy Khương (SN 1984). Vợ chồng Khương, Lan đã tham gia vào tổ chức khủng bố Việt Tân, nhận tiền của tổ chức này để in, phát tán truyền đơn tại nhiều nhà sách, trường đại học tại TPHCM. Tháng 3-2009, Khương, Lan nhận được chỉ đạo sang Thái Lan du lịch, nhưng thực chất là đi học phương pháp đấu tranh bất bạo động, kích động người dân, công nhân biểu tình… Tuy nhiên, hành vi của cả hai đã bị tố giác với cơ quan điều tra.

Thủ đoạn tinh vi, xuyên tạc sự thật

Đến bây giờ, nhiều thủ đoạn mà Nguyễn Quốc Quân (tiến sĩ CNTT, hoạt động trong tổ chức khủng bố Việt Tân, đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam trục xuất sau khi mãn hạn tù) sử dụng trong việc liên lạc với Liêu Thị Quý Thảo hoạt động chống phá Nhà nước vẫn chưa được công luận biết đến. Khi bị bắt, Quân khai nhận đã gửi hàng chục tấm hình phong cảnh dưới hình thức thiệp chúc mừng Giáng sinh, chúc mừng năm mới cho Thảo vào năm 2007. Ít ai ngờ, các tấm hình vô thưởng vô phạt trên thiệp đều đã được mã hóa. Khi nhận thiệp, Thảo dùng phần mềm “mã hóa bói Kiều”, một phần mềm do Quân nghiên cứu phát triển, để đọc các tài liệu phản động (mỗi bức hình nén khoảng 10 trang tài liệu).

Các đối tượng chống đối trong cộng đồng người VN ở hải ngoại cũng lợi dụng mạng Internet để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; bôi xấu, làm giảm uy tín của các cán bộ lãnh đạo Đảng, Chính phủ… Các lực lượng thù địch trong và ngoài nước đã lập hàng trăm website, blog, diễn đàn đưa thông tin không chính xác, không kiểm chứng về các chính sách phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước.

Riêng Trần Huỳnh Duy Thức (SN 1966, ngụ quận Tân Bình, TPHCM, vừa bị xử mức án 16 năm tù về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân) đã lập tới 3 blog “Trần Đông Chấn”, “Psonkhanh” và “Change we need” để đăng tải, phát tán nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống đối sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Chính phủ; nói xấu gây chia rẽ nội bộ giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Có thể nói, thông qua diễn đàn mạng, việc lôi kéo, tập hợp lực lượng của các đối tượng khủng bố nước ngoài đã không bị ngăn cách bởi chủ quyền biên giới. Nhờ việc từ nước ngoài vẫn trực tiếp liên lạc được với nhiều người dân trong nước qua mạng, chúng đã thu nạp được một số đối tượng vô công rỗi nghề, một số người nhẹ dạ cả tin, lầm đường lạc lối… Đặc biệt, việc có thể trở thành đồng bọn của nhau, trợ giúp đắc lực cho nhau trong khi… chưa hề biết mặt nhau phần nào đã tạo cho bọn chúng cảm giác an toàn để dễ bề hoạt động.

M.TÚ – A.CHÂN – Đ.LOAN

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Lạc vào xứ... bệnh

>> Bài 2: Mảnh đất nhiều “ma”

Tin cùng chuyên mục