Về Miệt Thứ - Bài 1: Sương khuya ướt đẫm giàn bầu…

Dẫu hiện nay Miệt Thứ đã thay da đổi thịt, nhưng Miệt Thứ của một thời nắng giải mưa dầm, một thời của nước mắt lưng tròng vì nhớ mẹ, nhớ nhà, vẫn không phai mờ với những nàng dâu Miệt Thứ.
Về Miệt Thứ - Bài 1: Sương khuya ướt đẫm giàn bầu…

Dẫu hiện nay Miệt Thứ đã thay da đổi thịt, nhưng Miệt Thứ của một thời nắng giải mưa dầm, một thời của nước mắt lưng tròng vì nhớ mẹ, nhớ nhà, vẫn không phai mờ với những nàng dâu Miệt Thứ.

  • Về xứ “Thập Câu”

Tôi về Miệt Thứ trên chuyến xe khuya và đến phà Tắc Cậu lúc gần nửa đêm. Bến phà vắng hoe, các quán sá buôn bán xung quanh đã tắt đèn. Sông Cái Bé đang lúc nước lớn, lục bình trôi tản mạn trên mặt sông đầy, sương mù giăng giăng trắng xóa, gió thổi lồng lộng lạnh buốt.

Từ bên kia sông đầu vàm kênh Xẻo Rô, ánh đèn pha chói lọi của chuyến phà đêm từ bên Miệt Thứ đang chầm chậm lướt sóng chạy qua, hú còi inh ỏi báo hiệu vượt sông, âm vang lan dài rồi tan vào không gian vắng ngắt.

Tôi đứng lặng trên bến phà đêm, mặc cho từng cơn gió lùa rối tung mái tóc, lòng nôn nao bồi hồi khi nghỉ rằng chút nữa thôi, mình sẽ sang đến vùng đất mang tên Miệt Thứ. Một nơi mà từ lâu, nhiều người nghĩ rằng đó là một vùng đất xa xôi, hẻo lánh với thiên nhiên khắc nghiệt, đời sống người dân hết sức cùng cực, quanh năm làm bạn với rừng thiêng nước độc, với “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh”.

Miệt Thứ ngày xưa gian nan vô vàn như vậy đó, là nơi hội tụ của những người cùng khổ, vì hoàn cảnh phải bỏ xứ về đây dung thân. Ngược lại, Miệt Thứ rất hào sảng, giang tay đón nhận những người đã về với Miệt Thứ lập nghiệp, ban tặng cho họ vô số cá tôm, rắn rùa, chỉ cần quậy tay một cái thì đừng nói bắt cá để ăn, mà phải nói là đem làm khô, làm mắm. Những con cá lóc cân nặng 3 - 4kg là chuyện bình thường, cá rô 2 - 3 con/kg cũng không phải chuyện lạ. Còn mật ong nhiều vô kể, mới bước vào bìa rừng tràm, tổ ong treo la liệt, tha hồ ăn ong đến say khướt, rồi nằm ngủ một giấc ngon lành giữa rừng già mênh mông.

Cá rừng U Minh. Ảnh: Trung Hưng

Cá rừng U Minh. Ảnh: Trung Hưng

Ngày xưa, phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa ở vùng miền Tây sông nước chủ yếu bằng ghe thuyền, lúc đó đường bộ chưa mở thông thoáng. Để tiện việc đi lại, thời đó đã đào một con kênh dài 35km, kênh Xèo Rô, nối Cà Mau – Rạch Giá gần hơn. Và để rừng U Minh không bị ngập úng, người ta còn đào thêm 10 con kênh thoát nước cách đều và song song với nhau, từ rừng tràm U Minh đổ ra kênh Xẻo Rô. Do vậy, người ta còn gọi Miệt Thứ là xứ “Thập Câu”, tức nơi có 10 con kênh. Vì Xẻo Rô được xem là kênh thứ nhất, nên 10 con kênh còn lại, để phân biệt rõ ràng, người ta gọi từ thứ 2 cho đến thứ 11. Chính vì vậy, nơi đây mới có tên Miệt Thứ, thuộc hai huyện An Biên và An Minh tỉnh Kiên Giang. Tại các đầu kênh, đều có họp chợ, buôn bán nhộn nhịp. Những chợ sầm uất, trên bến dưới thuyền có thể kể đến chợ Thứ 3 ở trung tâm huyện An Biên, chợ Thứ 7 ở trung tâm xã Đông Thái, chợ Thứ 9 ở trung tâm xã Đông Hưng, chợ Thứ 11 ở trung tâm huyện An Minh.

Nơi đây, bà con phân biệt rất rạch ròi, ngoài những con kênh được gọi bằng thứ, còn nhiều xẻo, nhỏ hơn kênh được đặt tên: Xẻo Vẹc, Xẻo Ngát, Xẻo Lá, Xẻo Bần, Xẻo Dừa…

  • Mỏi mòn chim sáo

Phà từ từ rời bến, băng ngang sông Cái Bé mênh mông rồi chạy dọc theo kênh Xẻo Rô thêm gần 2km, lại tiếp tục vượt sông Cái Lớn mới đến vùng đất Miệt Thứ. Bởi vậy, phà Tắc Cậu có thể nói có lộ trình dài nhất nước mà cũng đặc biệt nhất, không chỉ băng ngang một con sông như những bến phà khác, mà còn đóng vai trò vừa là đò ngang cũng lại vừa đò dọc.

Xuống phà, xe chạy qua những địa danh Ngã tư Công Sự, Miệt Thứ Cây Bàn, Thứ Ba Bàu Môn hay Xẻo Rô U Minh Thượng, tôi không khỏi bùi ngùi với những tên đất, tên làng đã gắn liền với những chiến công lẫy lừng, vinh quang lẫn đau thương mất mát. Có nhiều bà mẹ đã hy sinh đến người con thứ chín, thứ mười trong suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập cho quê hương, xứ sở. Hình ảnh cao đẹp ấy là tấm gương sáng ngời của người Miệt Thứ trong tâm trí tôi. Trong đó có những người phụ nữ từ phương xa về làm dâu Miệt Thứ, dù nhọc nhằn cực khổ, một nắng hai sương vẫn thủy chung son sắt, một lòng với Miệt Thứ.

Qua phà Tắc Cậu. Ảnh: Ngân Ninh

Qua phà Tắc Cậu. Ảnh: Ngân Ninh

Một người bạn đồng hành ngồi cạnh tôi, chợt lên tiếng: “Đường về Miệt Thứ đẹp thế này, vậy mà trong một bài hát có câu về Miệt Thứ là về với chim kêu vượn hú biết nhà má đâu…”. Tôi giải thích cho anh nghe đó là chuyện ngày xưa, rõ ràng Miệt Thứ buồn như vậy đó. Con đường chúng ta đang ngồi xe bon bon lướt nhanh, trước đây là con đường làng nắng bụi mưa lầy, bùn sình trơn trợt, rộng có 3m, chỉ cần một cơn mưa giáng xuống là trở thành lầy lội, xe đạp cũng không đi được.

Do đường cách trở như vậy, nên ít ai về Miệt Thứ, thậm chí có nhiều người ở Rạch Giá cũng chưa hề bước chân đến Miệt Thứ bao giờ. Con đường gian nan ngày xưa đó, nay thành quốc lộ 63 rộng hơn 6m, trải nhựa phẳng lì, nối An Biên đến U Minh Thượng rồi Vĩnh Thuận để đến Thới Bình, Cà Mau. Đoạn đường này có tới 30 chiếc cầu, đã được xây dựng mới với kinh phí hơn 126 tỷ đồng. Miệt Thứ đã thay da đổi thịt, khác xưa lắm rồi.

Xe dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ còn sáng ánh đèn, gần đầu kênh Thứ 7. Quanh cái bàn tròn bằng đá trước thềm nhà, có mấy chị đang ngồi với dáng vẻ chờ đợi mỏi mòn. Tôi xúc động không nói nên lời, không ngờ các chị vẫn còn chờ tôi đến tận đêm khuya.

Sáng nay, tôi có báo với chị Hai Nhạn mà tôi biết cách đây hơn 5 năm khi có dịp đi công tác tại Cà Mau, rằng lúc nào đi ngang qua Miệt Thứ sẽ ghé thăm các chị. Khuya quá, tôi ngỡ các chị đã ngủ hết rồi, nào dè… Nhìn thấy tôi bước xuống xe, ai nấy đều mừng rỡ mời vào ngồi. Chị hai Nhạn nhanh nhẩu lên tiếng: “Giờ này chắc tụi bây đói lắm rồi, để tao đi hái bầu luộc cho tụi bây chấm chao ăn cơm cho chắc bụng rồi hãy làm vài ba ly cho ấm bụng”. Chị trở vào với trái bầu trên tay và hai vai áo đã ướt đẫm vì sương thấm. Chị hai Nhạn chậc lưỡi vuốt áo, giọng ẩn chứa nỗi buồn thầm lặng: “Đúng là sương khuya ướt đẫm giàn bầu…”. Nghe chị nói tôi không khỏi chạnh lòng cho người phụ nữ Miệt Thứ, một lòng son sắt thủy chung, dù cho mưa tạt sương rơi, vẫn cảnh góa bụa cơ hàn nuôi con.

Đêm dần về sáng, ly rượu đế chuyền tay nhau ấm lòng khách phương xa, cùng sự sẻ chia thân phận với người làm dâu Miệt Thứ. Uống rượu là thú vui còn lại của những người phụ nữ góa bụa nơi này, khi một thời cay đắng làm dâu, mong ngóng chồng đi làm ăn xứ xa vì nghèo quá, nhưng chồng đã đi rồi ít khi trở lại, vì đã có người phụ nữ khác nơi xứ lạ. Biết tâm sự cùng ai, chỉ biết tìm quên bên ly rượu với những người cùng cảnh ngộ.

Con chim sáo vẫn đậu ở hiên nhà mỏi mòn theo tháng năm.

Bài 2: Làm dâu xứ Miệt
 

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục