Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Lặng lẽ binh vận

Ngay từ những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, việc “cấy” cán bộ, đảng viên ta vào lòng địch đã được thực hiện. Đơn thân nằm trong lòng địch, tìm cách chiếm được lòng tin của địch, cơ sở nội tuyến còn luôn phải giữ được sự tin tưởng của cách mạng, vượt qua nhiều thử thách của cấp trên đặt ra.

Đồng chí là… chén thuốc độc ấy!

Chia sẻ về con đường đến với công tác binh vận, ông Trương Nhật Quang (Tư Quang, 78 tuổi, quê Bến Tre, thường trú TPHCM) nhớ lại, năm 1960, chàng trai trẻ Tư Quang bị địch động viên vào Trường võ bị sĩ quan bộ binh Thủ Đức (Sài Gòn). Trước đó, Tư Quang đã thoát ly tham gia cách mạng, làm công tác trí vận ở thị xã Mỹ Tho (Tiền Giang).

Việc địch động viên được báo cáo với tổ chức và đồng chí Mười Kiên, Thường vụ Thị xã ủy Mỹ Tho dẫn Tư Quang gặp một người tên là Sáu. Đồng chí Sáu chỉ đạo Tư Quang: “Địch lúc này thiếu quân, thiếu quan như người giữa sa mạc thiếu nước. Thay vì bưng nước cho nó uống, ta bưng chén thuốc độc cho nó. Chính đồng chí là chén thuốc độc ấy”. Tư Quang đồng ý ngay. Nhiệm vụ cụ thể của người chiến sĩ nội tuyến mà Tư Quang được giao là chui sâu trèo cao, phát triển thực lực phục vụ cho khởi nghĩa sau này; phá rã về tư tưởng cũng như tổ chức ngụy quân ngụy quyền, làm hao mòn về nhân lực cũng như tài lực ngụy càng nhiều càng tốt; bằng mọi cách nắm cho được tin tức tình báo chiến thuật cũng như chiến lược phục vụ yêu cầu chung cho cách mạng.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trương Nhật Quang.

Về điều kiện trở thành cán bộ nội tuyến, ông Đỗ Hữu Kỉnh (tức Đỗ Trung Dũng, Tư Dũng, quê Tiền Giang), người từ cuối năm 1968 có nhiệm vụ khai thác và xây dựng chiến sĩ nội tuyến đưa vào ngụy quân cho biết, đó phải là thanh niên có tinh thần yêu nước, có tham gia chiến đấu, có học thức. Trước khi được chọn vô binh vận, cán bộ cơ sở đã được thử thách nhiều về ý thức chấp hành kỷ luật, về bản lĩnh không ngại khó ngại khổ, chịu hy sinh. Nhất là thanh niên có ham gái, hám tiền không. “Công tác binh vận mà có 1 trong 2 cái ham đó, tào lao, búa xua, quơ quào tùm lum là hư chuyện”, Tư Dũng chia sẻ.

Việc thuyết phục cũng không đơn giản. Tư Dũng vừa phải thuyết phục địa phương đồng ý “nhả” người, vừa phải thuyết phục đối tượng tự nguyện. Thông thường, thanh niên muốn đi bộ đội, chứ ít người chịu đăng lính ngụy. Cũng hiếm cha mẹ nào chịu cho con đăng lính, chui vào hoạt động bí mật trong lòng địch dù nhiệm vụ có vinh quang song trước mắt bị miệng thế cười chê, gia đình tủi khổ, mất mặt.

Thử thách

Nay đã bước sang tuổi 71 mà những lo toan vất vả đời sống hàng ngày vẫn đeo đuổi cựu chiến sĩ nội tuyến Trương Trung Truyền (tức Mười Truyền, ngụ Trà Vinh). Gợi nhắc đến giai đoạn làm binh vận, kỷ niệm cũ ùa về. Ông Truyền kể: Mình bị thử nhiều lắm và nhiều khi chẳng biết đang bị thử nữa. Lúc ông đóng ở đồn Hàng Bàng (thị xã Cần Thơ), năm 1967, mật giao truyền chỉ thị “đêm vô đánh”. Nghe “đánh” là mừng, bao nhiêu năm nằm trong lòng địch, Mười Truyền không ngày nào không trông mong đến ngày nổ súng để về với nhân dân, về với cách mạng.

Đêm đó, binh nhì Truyền canh gác từ 21 giờ. Nhiều lần ra ám hiệu nhưng không bắt được tín hiệu bên ngoài. Lòng sinh lo sợ, sợ lực lượng bên ngoài trở ngại gì, vô không được. Hoặc bên ngoài vô trễ, anh không còn trực, sẽ khó tiếp ứng. Đến 3 giờ sáng hôm sau vẫn không thấy động tĩnh gì, trước khi chuyển giao ca trực cho người khác, anh Truyền cầm súng bắn ào ào rồi hô lên “Việt cộng! Việt cộng!”. Thấy động, binh lính trong đồn chạy ào ra truy hỏi: “Việt cộng đâu, Việt cộng đâu?”. “Bắn vậy để bộ đội bên ngoài biết tôi không còn gác nữa. Chỉ sợ bộ đội không biết, vô thì sao”, Mười Truyền chầm chậm kể lại. Hôm sau, anh nghe mật giao nói lại, lực lượng bên ngoài đã biết anh báo hiệu không còn trực nữa. Lý do không đánh là “đêm đó kẹt”. Nhưng anh Truyền biết, thật ra cách mạng đang thử thách anh. Thử xem anh tuân thủ mệnh lệnh thế nào và xoay xở tình thế ra sao.

Chiều 1-2-1968, chỉ còn 3 tiếng giờ nữa theo kế hoạch hiệp đồng sẽ diễn ra trận đánh Chi đoàn 3/9 thuộc Thiết đoàn 9 Thiết giáp M113 ở căn cứ Cả Bảo (ấp Cái Tắc, Cần Thơ) thì chi đoàn được lệnh xuất xe đi cứu viện ở Kiên Lương (Rạch Giá). Cơ sở nội tuyến, thượng sĩ Nguyễn Văn Kiêm (quê Trà Vinh) vô cùng bối rối: “Kế hoạch phối hợp tấn công đã bàn hết rồi. Nếu đi Rạch Giá theo lệnh của chúng, tôi sẽ mất cơ hội làm nội ứng, cùng đồng đội nổ súng. Liệu Đảng có tin mình nữa không?”.

Chợt một ý nghĩ lóe lên. Anh Kiêm lẻn lấy một ít bông gòn nhét sâu vô ống dẫn xăng của xe thiết giáp M113 mình cầm lái. Xe hỏng. Địch kiểm tra, chiếc xe “sặc lên sặc xuống”, không nổ máy. Đến giờ xuất xe, đội hình 13 chiếc M113 lao đi cứu viện, bỏ lại chiếc xe hư không kịp sửa chữa. Không ai biết, có một thượng sĩ chỉ mong như thế để được ở lại với giờ G của ta.

Cựu mật giao của Ban Binh vận Khu Tây Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam - Trần Hồng Vân (bí danh Mười Vân, ngụ TP Vĩnh Long) kể, ngoài nhiệm vụ mang ý kiến chỉ đạo tới cơ sở, bà còn nắm tình hình công tác của cơ sở báo lại cho cơ quan. Đặc biệt, những mật giao như bà còn có nhiệm vụ theo dõi tình hình thực tế xem cơ sở mình phụ trách liên lạc có gì thay đổi không. Theo dõi thường xuyên, càng gần ngày nổ súng càng phải để ý nội tuyến có cứng rắn, dám dẫn bộ đội vào tấn công hay không? Lo nhất là phản vận, tức cơ sở của binh vận lại kêu tụi ác ôn bắt cán bộ; hoặc nội tuyến kết hợp với lực lượng vũ trang chuẩn bị cho trận đánh nhưng rồi đến giờ G lại đưa tụi lính chặn đường, chĩa súng bắn hết trơn bộ đội đang áp sát mục tiêu.

Cựu nội tuyến Mười Truyền khẳng định, biết mình bị thử nhưng anh không buồn, thậm chí, còn đáng mừng. Mừng ở chỗ, việc thử thách là nguyên tắc. Mình nằm trong lòng địch, biết ngày nào còn giữ được mình, nhỡ chao đảo thì sao? Còn thử thách là Đảng còn tin mình, còn cần mình.

Chịu sự thử thách của ta và của địch vẫn chưa phải là tất cả. Cơ sở nội tuyến còn gặp thử thách ngay trong gia đình, quê hương mình.

Binh vận thực chất là dân vận, có đối tượng đặc biệt là quần chúng mặc áo lính trong hàng ngũ ngụy quân, ngụy quyền. Đảng ta đã đặt rõ vận động cách mạng binh sĩ ngụy là cơ bản và có chính sách vận động xuyên suốt, nhất quán trong toàn bộ quá trình kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Công tác binh vận dựa trên cơ sở đoàn kết nhân dân, phát động thành phong trào quần chúng và gia đình binh sĩ đứng lên cùng với nhân dân làm cách mạng. Tổ chức cơ sở nội tuyến là khâu then chốt của công tác binh vận. Binh vận gắn trong 3 mũi giáp công (chính trị - binh vận - quân sự); 3 mũi giáp công mở ra hình thái công, nông, binh liên hiệp và đây là sáng tạo độc đáo của Đảng ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

ĐƯỜNG LOAN

>> Bài 9: Thế chấp mạng sống

>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

>> Bài 4: Thoát chết gang tấc

>> Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

Tin cùng chuyên mục