Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

Lặng lẽ binh vận

Ẩn mình trong lòng địch, cán bộ binh vận phải hoạt động như binh lính. Khi chúng đi càn, nội tuyến nhiều lúc phải đối mặt với quân, dân địa phương. Thời khắc mặt đối mặt như thế, nội tuyến xoay xở ra sao để làm tròn hai vai: vừa hành động như một binh lính, lại vừa qua mắt địch, tránh làm thiệt hại tới đồng chí, đồng đội?

Trở súng

Nội tuyến Tống Viết Hiền tâm sự, khó khăn nhất với chiến sĩ nội tuyến là sợ đụng trận mà chưa móc ráp được với tổ chức. “Giải phóng bắn mình được chứ mình đâu bắn quân giải phóng được đâu”, anh Hiền trăn trở. Cuối năm 1961, anh Hiền nằm trong đại đội lính của đại đội trọng pháo trợ chiến thuộc Trung đoàn 11, Sư đoàn 7 ngụy đi càn vào Lộc Giang, Đức Hòa (Long An). Thấy một cái hầm bí mật nằm cạnh bụi tre trong vườn nhà dân, rất nhanh trí, anh đến gần hầm, ngụy trang đánh lạc hướng địch bằng cách làm bộ đi vệ sinh. Binh lính thấy vậy, tản ra lùng sục những nơi khác.

Không lâu sau, anh Hiền cùng anh Nguyễn Văn Ri, cơ sở cảm tình với cách mạng, lại nằm trong 2 trung đội ngụy đi mở đường tại lộ số 10 cầu Xáng, Đức Hòa. Phát hiện lực lượng ta đang phục kích, anh Hiền định cáo bệnh để trở lại. Nhưng còn anh Ri, không thể để anh ấy lại một mình, còn lấy cớ cùng ở lại thì địch lại nghi ngờ. “Thôi đành phó mặc cho định mệnh, đến đâu xử trí đến đó”, anh Hiền nghĩ.

Khi quân địch vừa đến cổng quẹo vào rừng tràm, đụng quân ta đón đánh quyết liệt. Anh Ri dũng cảm quay súng bắn xối xả vào đội hình lính ngụy và anh dũng hy sinh. Trong lúc địch rối loạn hàng ngũ, lợi dụng một hố lộ lở, anh Hiền nhảy xuống giấu mình và trở thành người sau chót trong đội hình ngụy. Có thế mai phục thuận lợi, anh Hiền bắn chết tên chỉ huy, 7 tên lính lân cận và hạ một hỏa lực đại liên. Trung đội ngụy nằm gọn ở giữa, phía trước là quân cách mạng, phía sau chót là anh Hiền; quân ta hai đầu tạo thế gọng kìm tiêu diệt địch.

Ông Nguyễn Văn Kiêm (Tư Kiêm, bìa trái) chia sẻ về vụ bảo vệ đồng đội, đồng bào trong thời gian làm nội tuyến.

Lúc quân ta ào lên tấn công, anh Hiền trá hàng. Trong phút đối mặt với quân cách mạng, anh tiết lộ mình là chiến sĩ nằm trong lòng địch, rồi trao cho quân ta 5 khẩu súng. Việc tiếp cận với quân ta chỉ diễn ra trong tích tắc, anh Hiền vẫn giữ được thế hợp pháp, ở lại hàng ngũ địch tiếp tục hoạt động với cao điểm là phối hợp nội công ngoại kích đánh tiêu diệt đồn Cả Đê ở Sài Gòn vào năm 1963.

Bảo vệ đồng đội từ xa

Trung úy Huỳnh Chí Thiện (Ba Thiện), cơ sở nội tuyến, đảng viên, người chỉ huy trận địa pháo Tầm Phương cho biết, với pháo binh, có nhiều cách để tránh thiệt hại cho quân mình khi hai bên đối mặt. Viên đạn đầu tiên trong pháo binh rất quan trọng, mang tính bất ngờ và có tác hại khôn lường. Bị yêu cầu phải giải quyết mục tiêu, nếu cần, anh bắn phát đạn đầu tiên nổ liền cũng được. Nhưng ngầm giúp cho quân ta có chút thời gian xoay xở, Ba Thiện lại tấn trước pháo khói vào mục tiêu; viên thứ hai mới là đạn. Hoặc lượt đầu bắn đạn pháo binh, Ba Thiện chủ động bắn đạn có tầm bay cao hơn mục tiêu. Nhờ đó, mục tiêu phía dưới tầm đạn vẫn an toàn.

Tương tự, trong đợt 1 chiến dịch Mậu Thân 1968, khi lực lượng vũ trang tiến công sân bay Lộ Tẻ (Cần Thơ), nội tuyến Trương Trung Truyền và 1 binh nhì là cơ sở của ta đã ôm đại liên, ngắm vô bộ đội bắn sạch 25 thùng đạn. Súng bắn đỏ rực cả nòng. Hơn 156.000 viên đạn (250 viên/thùng) vãi như chấu nhưng có điều đặc biệt là… đều ở tầm cao trên một thước. Dưới làn mưa đạn, bộ đội ta vẫn an toàn, áp sát tấn công sân bay.

Nội tuyến Chi đoàn 3/9 thuộc Thiết đoàn 9 Thiết giáp đóng tại căn cứ Cả Bảo (Cần Thơ) Nguyễn Văn Kiêm chia sẻ, nằm trong lòng địch nên việc âm thầm giúp cách mạng phải hết sức khôn khéo, được ngụy trang tự nhiên để chúng không nghi ngờ.

Trong một lần lái xe thiết giáp bánh xích M113 dẫn đầu đội hình hành quân theo hình quả trám nhằm bảo vệ tuyến vòng cung của Cần Thơ, thượng sĩ Kiêm phát hiện gần đó có bộ đội đang ẩn nấp. Đang hành quân, tự nhiên chiếc xe M113 đi đầu của thượng sĩ Kiệm lại… mắc lầy. Mất một lát, xe mới vượt qua bãi sình và đội hình xe mới trở lại ổn định, tiếp tục tiếp cận mục tiêu. Chừng đó thời gian là đủ để bộ đội ta di chuyển an toàn về nơi trú ẩn. “Có những cách tự nhiên vậy thôi. Không một giáo trình binh vận nào chỉ dạy, chúng tôi hành động theo con tim rực lửa của mình”, anh Kiêm chia sẻ.

Một buổi sáng vào năm 1967, binh lính đồn Hàng Bàng (thị xã Cần Thơ) bắt được một người của ta tên gọi Ba Đỏ, từng hoạt động cơ sở ở vùng ven Cần Thơ. Nội tuyến Trương Trung Truyền (Mười Truyền) đứng nghe ké buổi xét hỏi Ba Đỏ, dù bữa đó không phải nhiệm vụ của anh. Chứng kiến Ba Đỏ khai tuồn tuột quân ta ém sát nách địch ở đồn Hàng Bàng, tài liệu cũng ở hầm bí mật gần đó, Mười Truyền chịu hết nổi.

Tỏ ra xông xáo, trung thành với “nền cộng hòa”, Mười Truyền nhào vô tra tấn Ba Đỏ, vừa đánh vừa vặn hỏi: “Vừa rồi mày nói Việt Cộng ở đâu, mày nói lại tao nghe coi”. Ba Đỏ mấp môi, chưa kịp nói lại địa điểm, Mười Truyền đã quay điện. Ba Đỏ bị điện giật, người cứng đờ, té lên té xuống, nói câu được câu mất. Lấy cớ Ba Đỏ khai trong trạng thái hoảng loạn, chưa đáng tin cậy, cần kiểm tra lại, Mười Truyền lặp lại quay điện vào mỗi lúc Ba Đỏ định khai. Buổi xét hỏi vì thế kéo dài hơn 1 buổi, đúng như mục đích “câu giờ” của Mười Truyền mà cũng không thêm thông tin gì rõ ràng.

Chiều cùng ngày, Ba Đỏ bị áp giải về địa điểm mà hắn đã khai lúc đầu đặng bắt người, thu tài liệu của ta. Nhưng quá muộn. Người và tài liệu đều không còn; tổ chức đã kịp di chuyển ngay trước đó.

Khi đối mặt với sự an nguy của đồng đội, đồng bào, nhiều cán bộ binh vận sẵn sàng lao vào nguy hiểm. Đêm 15-2-1968, tổ nội tuyến 3 người, gồm hai anh em Trương Trung Hiện (Chín Hiện), Trương Trung Truyền (Mười Truyền) và một cơ sở đã kết hợp với lực lượng vũ trang tiến công sân bay Lộ Tẻ (Cần Thơ). Sau khi bắn cháy kho xăng, kho đạn, phá hủy 15 xe bọc thép và 41 máy bay phần lớn là trực thăng, diệt gọn đại đội bảo an, tổ nội tuyến được lệnh thoát ly ra vùng giải phóng. Nhưng là nội tuyến nhiều năm, Chín Hiện biết bên kia lộ, địch vừa lập một trại giam, giam giữ hàng trăm tù binh mà chúng bắt được trong đợt 1 Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Đây là vấn đề phát sinh ngoài phương án tác chiến ban đầu. Nhưng vì tính mạng của anh em đồng chí đang nằm trong tay địch, một nhóm bộ đội theo sự hướng dẫn của Chín Hiện đã vượt lộ, giải cứu tù binh. Công việc vừa xong cũng vào lúc pháo địch từ trực thăng chi viện bắn cấp tập nhằm hủy diệt trận địa. Chín Hiện đã anh dũng hy sinh.

ĐƯỜNG LOAN

>> Bài 9: Thế chấp mạng sống

>> Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>> Bài 4: Thoát chết gang tấc

- Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Tin cùng chuyên mục