Khu chế xuất đầu tiên - điểm sáng lan tỏa

Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, tạo tiền đề thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án đầu tư hầu hết tập trung vào dịch vụ, bởi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu - còn nhiều rào cản. Đến năm 1991, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, trong đó có chủ trương phát triển các thành phần kinh tế, mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác với nước ngoài làm hàng xuất khẩu... Nhằm thực hiện hướng đi mới này, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương thành lập khu chế xuất (KCX), và TPHCM được chọn để xây dựng mô hình thí điểm này.
Khu chế xuất đầu tiên - điểm sáng lan tỏa

Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, tạo tiền đề thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án đầu tư hầu hết tập trung vào dịch vụ, bởi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - nhất là công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu - còn nhiều rào cản. Đến năm 1991, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần VII của Đảng thông qua “Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000”, trong đó có chủ trương phát triển các thành phần kinh tế, mở rộng các hình thức liên doanh, hợp tác với nước ngoài làm hàng xuất khẩu... Nhằm thực hiện hướng đi mới này, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương thành lập khu chế xuất (KCX), và TPHCM được chọn để xây dựng mô hình thí điểm này.

Khu đô thị mới ở quận 7, hình thành sau khi có khu chế xuất Tân Thuận, được xây dựng trên một vùng đầm lầy trước đây, tạo nên bộ mặt mới của TPHCM hôm nay. Ảnh: THÁI BẰNG

Khởi đầu từ vùng đầm lầy

Thật ra, trước khi được Trung ương giao thực hiện thí điểm KCX, các đồng chí lãnh đạo thành phố cũng đã xác định đây là hướng phải làm để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, bắt tay thực hiện mô hình hoàn toàn mới, không có sách vở để áp dụng, chưa có văn bản pháp lý quy định là bài toán khó đối với TPHCM. Ông Phan Chánh Dưỡng - khi ấy là Giám đốc Công ty Cholimex - được Thành ủy TPHCM giao phụ trách đề án “Xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp”. Ông Dưỡng cùng các thành viên trong “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy” (thường được gọi một cách dễ nhớ là “Nhóm Thứ Sáu”, do các thành viên hay sinh hoạt cùng nhau vào chiều thứ sáu hàng tuần) nghiên cứu xây dựng đề án. Trong đó đặc biệt có sự đóng góp của ông Võ Hùng - người từng tham gia xây dựng khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa trước năm 1975, và ông Lê Văn Bỉnh - từng tham gia quản lý KCX ở nước ngoài. Đề án xây dựng KCX do nhóm phác thảo được lãnh đạo thành phố chấp thuận và cho triển khai.

Nhớ về những ngày đi tìm địa điểm xây dựng KCX, ông Phan Chánh Dưỡng kể: “Sau khi đi thực địa tại nhiều nơi, tôi chú ý đến vùng đất có diện tích 300ha trên bán đảo Tân Thuận Đông, huyện Nhà Bè - nay thuộc phường Tân Thuận Đông, quận 7. Tuy nơi đây là vùng đầm lầy nhưng có nhiều điều kiện thuận lợi như gần cảng Tân Thuận, gần nguồn lao động từ cư dân quận 4 và quận 8, cách trung tâm thành phố không xa. Hơn nữa, từ đây có thể thực hiện hàng loạt chương trình đầu tư để đưa TPHCM phát triển ra biển Đông. Lúc bấy giờ, cũng có những ý kiến đề nghị cân nhắc địa điểm vì nền đất ở vùng này yếu, nhưng tôi vẫn tin vào cách nhìn của mình. Bởi nếu các con đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi (quận 1) có thể từ vùng sình lầy ngày xưa phát triển thành khu đô thị, nhà cao tầng như ngày nay thì vùng đất Nhà Bè cũng có thể xây dựng KCX”.

Tin tưởng vào đề xuất của “Nhóm Thứ Sáu”, sau khi xem xét những lợi thế và hạn chế của vùng đất này, lãnh đạo thành phố chấp thuận địa điểm và ra quyết định thành lập “Chương trình xây dựng khu Tân Thuận”, bổ nhiệm ông Phan Chánh Dưỡng làm giám đốc. Viễn cảnh tươi sáng đầy khả thi của vùng đất đã thuyết phục được hai công ty Panviet và CT&D của Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư. Công ty Liên doanh Xây dựng và Kinh doanh Khu chế xuất Tân Thuận (tiền thân của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận) được thành lập, ông Dưỡng đại diện cho đối tác trong nước làm Phó Tổng Giám đốc, phía nước ngoài là hai công ty Panviet và CT&D (sau này chỉ Công ty CT&D thực hiện). Các chuyên gia kinh tế tham gia quá trình soạn thảo nội dung hợp đồng liên doanh, xây dựng phương án KCX Tân Thuận, quy chế điều hành, các điều kiện - chủ trương - chính sách cần thiết, kế hoạch xây dựng hạ tầng… để trình thành phố và Trung ương. Về phía Việt Nam, ông Dưỡng cùng 4 chuyên viên của “Nhóm Thứ Sáu” gồm các ông: Phan Thành Chánh, Trương Quang Sáng, Nguyễn Đình Khanh, Đỗ Hải Minh trực tiếp tham gia vào Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (doanh nghiệp nhà nước đại diện trong liên doanh). Ngày 25-11-1991, KCX Tân Thuận - KCX đầu tiên của cả nước - được thành lập theo Quyết định số 394/CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, mở ra cánh cửa lớn thu hút các nhà đầu tư Đài Loan đến Việt Nam, tạo nên làn sóng đầu tư nước ngoài vào TPHCM và các vùng lân cận.

Mô hình nhân rộng cả nước

Thành công của KCX Tân Thuận đã mở đường cho TPHCM tiếp tục thành lập nhiều KCX khác. Các KCX của TPHCM được hình thành nhằm thực hiện 5 mục tiêu kinh tế của Chính phủ: Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; giải quyết việc làm; du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành. Quá trình mở rộng và phát triển các KCX đã góp phần đáng kể vào chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển từ vùng đầm lầy, năng suất nông nghiệp thấp thành vùng công nghiệp, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội... với Khu đô thị mới Nam Sài Gòn hiện đại, mở ra đô thị cảng Hiệp Phước. Từ sự thành công này, thành phố đã xây dựng và phát triển các KCN vùng ven, tạo mô hình phát triển các KCN ở các tỉnh, thành cả nước. Đến nay TPHCM đã xây dựng thành công 16 KCX, KCN. Dự kiến đến năm 2020, TPHCM sẽ có tổng cộng 24 KCX, KCN tập trung với tổng diện tích 6.141,97ha.

Với việc xây dựng thành công mô hình KCX, TPHCM là đầu tàu cho các tỉnh, thành khác học tập
kinh nghiệm. Cả nước hiện đã có 288 KCN và KCX được thành lập phân bổ rộng trên các vùng cả nước, phù hợp với điều kiện cụ thể và lợi thế phát triển kinh tế của từng vùng. Quá trình phát triển KCX, KCN là quá trình không ngừng tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về cơ chế và chính sách. Hàng loạt các bộ luật như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Đất đai, Luật Lao động... và các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện được ban hành, tạo khung pháp lý cho hoạt động của KCX - KCN từng bước được hoàn thiện. Qua đó tạo điều kiện thu hút đầu tư trong, ngoài nước và thúc đẩy các hoạt động kinh tế phát triển bền vững.

Nhằm tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, các KCX và KCN của TPHCM cũng mạnh dạn thực hiện cải cách hành chính trong thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp tại các KCX, KCN. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, TPHCM là nơi đầu tiên áp dụng cơ chế “một cửa, tại chỗ”, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính của các dự án đầu tư trong KCX, KCN chỉ bằng 1/3 so với thực hiện ngoài KCX, KCN. Mô hình này được nhân rộng áp dụng cho các Ban Quản lý KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ngày 01 tháng 11 năm 2001

Thân mến gửi: Anh em trong “Nhóm Thứ Sáu”

Tôi luôn quý trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả những ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi.

Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn.

(Trích thư đồng chí Võ Văn Kiệt)

Ngày 23 tháng 10 năm 2001

Mười lăm năm qua, nhóm anh em “Thứ Sáu” đã đóng góp được nhiều ý kiến cho lãnh đạo, cho Nhà nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế, góp phần hình thành các chính sách, luật lệ cụ thể trong công cuộc đổi mới vừa qua. Các đề án kinh tế cụ thể đã được thực hiện hiện như khu chế xuất, khu công nghiệp, ngân hàng cổ phần, v.v... Anh em xuất thân từ những người làm kinh tế cụ thể và từ thực tiễn rút ra những kết luận những nhận xét và đề xuất ra những ý kiến cho lãnh đạo, nhiều ý kiến rất có giá trị đã bổ sung cho các cơ quan kinh tế của Nhà nước ta, nhất là trên phạm vi kinh tế vi mô.

Giờ đây tuy đã thoát khỏi thời kỳ hiểm nghèo của 15 năm trước, nhưng bước đường đi lên của nền kinh tế Việt Nam trước bối cảnh của thế giới đầy biến động như hiện nay, không lẽ kinh tế đất nước này không còn gì trắc trở nữa? Và ngay khi có thời cơ, chưa chắc gì chúng ta tận dụng và khai thác hết được. Vì vậy, tôi nghĩ rằng kỷ niệm 15 năm đáng ghi nhớ của “Nhóm nghiên cứu không tên gọi” thì những tấm lòng tâm huyết đối với đất nước sẽ tiếp tục hiến dâng, tiếp tục tự nguyện với tinh thần kẻ sĩ trước mọi thời đại lịch sử, chớ không phải là chấm hết.

(Trích thư đồng chí Võ Trần Chí gửi “Nhóm Thứ Sáu”)

ÁI CHÂN - HOÀI NAM

>> Bài 3: Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần

Tin cùng chuyên mục