Bài 5: Xóa nhà tạm trên kênh rạch và khu đô thị kiểu mẫu

Trời sẩm tối, bà Nguyễn Thị Bông (nhà 18A/423 lô A chung cư Huỳnh Văn Chính 1, phường Phú Trung quận Tân Phú) bước ra lan can trước nhà ở lầu 4 hóng mát. Trong làn gió nhẹ thổi qua, bà không còn nghe mùi hôi đặc trưng của kênh rạch vốn ám ảnh bà nhiều năm trước…
Bài 5: Xóa nhà tạm trên kênh rạch và khu đô thị kiểu mẫu

Thành phố Hồ Chí Minh - 30 năm đổi mới và phát triển

Trời sẩm tối, bà Nguyễn Thị Bông (nhà 18A/423 lô A chung cư Huỳnh Văn Chính 1, phường Phú Trung quận Tân Phú) bước ra lan can trước nhà ở lầu 4 hóng mát. Trong làn gió nhẹ thổi qua, bà không còn nghe mùi hôi đặc trưng của kênh rạch vốn ám ảnh bà nhiều năm trước…

Bức tranh đẹp

Khoảng năm 1981, gia đình bà Bông gom góp được 3 chỉ vàng, mua một căn nhà bé xíu ở ven kênh Nhiêu Lộc, phường 12 quận 3. Gọi nhà cho sang, chứ trên nền nhà là mấy cái vách, mái ọp ẹp, xiêu vẹo của chủ cũ để lại, bà vào xưởng cưa mua thêm mấy thanh gỗ cơi nới ra thêm, rồi dùng lá buông, giấy dầu lợp vách. Đó là nơi che nắng che mưa của hai vợ chồng, 8 đứa con. Sống trên dòng kênh đen, gia đình bà chịu đựng riết thành quen với mùi hôi nồng nặc bốc lên mỗi ngày, rác rến, muỗi mòng nhiều vô kể. Nhưng đáng sợ nhất lúc nước lên, rắn rết theo nước bò vào nhà. Vậy nên khi thành phố ban hành chủ trương di dời các hộ dân sống ven kênh rạch, bà Bông chấp hành ngay với mong muốn được đổi đời.

Cầm tiền đền bù giải tỏa hơn 30 triệu đồng, năm 1996 bà đóng tiền mua căn hộ trị giá 72 triệu đồng ở chung cư Huỳnh Văn Chính 1, vợ chồng con cái đưa nhau về ở. Phần còn lại, bà trả góp đến cách đây 3 năm thì xong. “Lúc trước có mơ cũng không nghĩ sẽ được ở trong căn nhà đàng hoàng, chứ những tháng ngày sống tạm bợ ven kênh tôi ngán lắm rồi! Gần 70 tuổi đời, giờ tôi chỉ mong dành dụm đủ tiền để đóng thuế, lấy sổ hồng căn nhà về là mãn nguyện”, bà Bông tâm sự.

Giải tỏa nhà ở tạm bợ ven kênh, trả lại môi trường xanh cho dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đem lại cuộc sống mới cho nhân dân TPHCM. Ảnh: THÁI BẰNG

Nếu sống nửa đời người rồi bà Bông mới dọn về khu kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì ngay từ khi mới sinh ra, bà Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1958) đã sống cùng gia đình ở nơi này. Căn nhà cấp 4 của gia đình bà ở phường 3 quận Bình Thạnh cách cầu Bông 50m, bước ra trước nhà là đụng con kênh. “Năm 1996, Nhà nước giải tỏa nhà ven kênh Nhiêu Lộc là gia đình tôi dọn về căn hộ 305 lô H2 chung cư Chu Văn An phường 26 quận Bình Thạnh này. Giá căn hộ lúc đó khoảng 17,5 lượng vàng SJC, tôi dùng tiền đền bù 30 triệu đồng - gần 6 lượng vàng trả trước cho Nhà nước, phần còn lại trả góp tiếp trong vòng 10 năm thì xong. Nói thiệt, căn nhà cũ tuy rộng hơn căn hộ hiện giờ nhưng không khí ô nhiễm, không thoáng đãng và sạch sẽ, khang trang như bây giờ”, bà Dương kể.

Thỉnh thoảng, có dịp đi ngang khu nhà cũ, giờ đã thành đường Trường Sa - Hoàng Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc, bà Dương vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước sự “lột xác” của nơi này. Khu “nhà ổ chuột” đã biến thành một trong những tuyến đường ven kênh đẹp nhất của thành phố, không khí trong lành, dòng kênh đã chuyển thành màu xanh dịu mát.

Dù trong câu chuyện với chúng tôi vẫn còn những ưu tư, mong muốn cơ quan chức năng quan tâm hơn đến chất lượng xây dựng, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại các chung cư tái định cư và thành phố có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cuộc sống cho những trường hợp chấp hành di dời ngay từ đầu, nhưng tất cả người dân đều ủng hộ chủ trương xóa “nhà ổ chuột” trên kênh rạch của thành phố.

Không chỉ Nhiêu Lộc - Thị Nghè, ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé cũng từ “xóm nước đen” bao quanh bởi dãy nhà lụp xụp trở thành khu đô thị hiện đại với nhiều ngôi nhà cao tầng khi thành phố thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt); xóm nhà tạm bợ ở khu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, rạch Ụ Cây... cũng chỉ còn là hình ảnh dĩ vãng. Dòng kênh thông thoáng, xanh - sạch - đẹp là điểm nhấn thần kỳ cho bức tranh đô thị của TPHCM.

Phú Mỹ Hưng - khu đô thị kiểu mẫu cả nước

 

Đến nay, thành phố đã thực hiện di dời 10.470 hộ dân thuộc 26 dự án trên địa bàn các quận: 4, 5, 6, 7, 8, 11, 12, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và huyện Bình Chánh (đạt gần 70%). Theo kế hoạch, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện giải tỏa, tái định cư cho khoảng 4.400 hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch trong khu vực phải giải tỏa, di dời như kênh Hàng Bàng (giai đoạn 2, 3), kênh Tẻ, kênh Đôi, rạch Nhảy - Ruột Ngựa, rạch Bàu Trâu...

 

Trước Tết Ất Mùi 2015, một người bạn gọi điện thoại hồ hởi khoe: “Dành dụm nhiều năm, vợ chồng mình vừa mua được căn hộ ở khu Hưng Vượng - Phú Mỹ Hưng quận 7. Chờ đợi lâu nay, giờ có thể hưởng thụ cuộc sống thoải mái, chất lượng cao cấp”. Mơ ước được vào sống ở Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng không chỉ của riêng bạn tôi mà còn của nhiều người; trong khi hơn 20 năm trước, không ai có thể hình dung vùng đầm lầy xa xôi, heo hút, cơ sở hạ tầng gần như là con số không, cư dân thưa thớt đó, nay đã trở thành “khu đại gia”.

Là người tham gia đề án xây dựng Khu đô thị mới Nam TPHCM ngay từ đầu và đại diện phía Việt Nam ký hợp đồng liên doanh trong Công ty Phú Mỹ Hưng, ông Phan Chánh Dưỡng - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh xây dựng và kinh doanh Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, vẫn nhớ rất rõ quá trình ra đời và phát triển của khu đô thị này. Theo lời ông kể, liên doanh giữa Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận và Tập đoàn CT&D được thành lập lần nữa dưới tên gọi Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, hình thức góp vốn theo tỷ lệ 70% từ phía nhà đầu tư nước ngoài và 30% của chính quyền thành phố. Theo hợp đồng, phía Việt Nam góp vốn bằng đất. Khu đô thị Nam Sài Gòn rộng 2.600ha được quy hoạch thành 21 phân khu chức năng khác nhau, trong đó chức năng giao thông là tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã chiếm 210ha. Phần đất còn lại cho 20 phân khu chức năng khác. Liên doanh Phú Mỹ Hưng chịu trách nhiệm xây dựng 5 phân khu chức năng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các khu đất dành để xây dựng bệnh viện, trường học, văn phòng quản lý hành chính, khu vui chơi giải trí, công viên... Trong đó khu A có diện tích lớn nhất - 409ha được xây dựng đầu tiên, đến nay đã khang trang hiện đại và được gọi là Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

Giờ đây, nhắc đến Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng là nói đến sự hiện đại, văn minh và cảnh quan môi trường sạch đẹp. Nhờ phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, Phú Mỹ Hưng đã trở thành một trong các đô thị kiểu mẫu của thành phố và sau này được công nhận đô thị kiểu mẫu của cả nước - được coi là đô thị đáng sống bậc nhất ở Việt Nam. Không chỉ vậy, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng còn có một cảnh quan du lịch, thể hiện cho thành tích đổi mới đáng tự hào của TPHCM. Bức tranh đô thị văn minh, hiện đại này đã định hình ra 6 tiêu chí mang tính quy phạm pháp luật trong đánh giá, công nhận khu đô thị mới kiểu mẫu trên toàn quốc. Trong đó các yếu tố về tuân thủ pháp luật, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng xã hội đầy đủ; xây dựng các công trình kiến trúc phù hợp quy hoạch, hài hòa cảnh quan; quản lý xây dựng và bảo trì công trình; môi trường văn hóa đô thị lành mạnh, thân thiện; quản lý, khai thác sử dụng khu đô thị mới vì lợi ích công cộng, xã hội được đặt lên hàng đầu.

Đúc kết kinh nghiệm từ xây dựng thành công khu đô thị đáng mơ ước này, ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng đó là sự kết hợp vai trò nhà nước với doanh nghiệp, cùng đề ra mục tiêu công năng đúng yêu cầu phát triển kinh tế của một vùng đất, chọn được công ty thiết kế quy hoạch có ý tưởng sáng tạo, có kinh nghiệm thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận xét: “Trong chặng đường 20 năm phát triển, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đạt được những thành quả rất đáng tự hào và được chính quyền và nhân dân đánh giá rất cao. Điều đáng nói, việc đánh giá này không chỉ ở vai trò kinh tế mà còn ở góc độ văn hóa đô thị. Trong quá trình hình thành và xây dựng, những bài học về phát triển đô thị, luật pháp... ở Phú Mỹ Hưng đang được nghiên cứu để áp dụng vào các khu đô thị khác”. Thành công của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng không những tác động đến sự phát triển không gian đô thị TPHCM về phía Nam, mà còn đánh thức vùng đất hoang sơ, nghèo nàn phía Nam thành phố trở thành một vùng phát triển thịnh vượng, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa TPHCM theo hướng bền vững.

- Bài 6: Nền kinh tế thị trường sơ khai

ÁI CHÂN - HOÀI NAM

- Thông tin liên quan:

>> Khu chế xuất đầu tiên - điểm sáng lan tỏa

Tin cùng chuyên mục