Những cây cầu nối bờ vui

Sáng sớm, chúng tôi có mặt tại nhà anh Tư (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) nằm cạnh con đường nhỏ gần chợ Tân Định. Biết anh Tư đã lâu, từ đầu thập kỷ 80, khi anh còn công tác tại TPHCM, nhưng chưa lần nào tôi đến thăm anh tại nhà riêng. Bởi lẽ phần vì anh “làm lớn”, phần tôi cũng có dịp gặp anh trong các sự kiện, các đợt sinh hoạt chính trị của thành phố và đất nước. Nay, cũng như bao nhiêu người khác, đến lúc anh về nghỉ hưu. Anh Tư vẫn chọn căn nhà mấy chục mét vuông do Nhà nước cấp từ hồi còn làm giám đốc nông trường ở ngoại vi thành phố để an vị tuổi già.
Những cây cầu nối bờ vui

Sáng sớm, chúng tôi có mặt tại nhà anh Tư (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) nằm cạnh con đường nhỏ gần chợ Tân Định. Biết anh Tư đã lâu, từ đầu thập kỷ 80, khi anh còn công tác tại TPHCM, nhưng chưa lần nào tôi đến thăm anh tại nhà riêng. Bởi lẽ phần vì anh “làm lớn”, phần tôi cũng có dịp gặp anh trong các sự kiện, các đợt sinh hoạt chính trị của thành phố và đất nước. Nay, cũng như bao nhiêu người khác, đến lúc anh về nghỉ hưu. Anh Tư vẫn chọn căn nhà mấy chục mét vuông do Nhà nước cấp từ hồi còn làm giám đốc nông trường ở ngoại vi thành phố để an vị tuổi già.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ hai từ phải sang) tại lễ phát động chương trình Cầu Nông Thôn

Trở lại chiến trường xưa

Xe chúng tôi bỏ lại sau lưng những con đường còn vắng người qua lại theo quốc lộ 22 xuôi về miền hạ. Qua Hóc Môn, Củ Chi, chúng tôi đi dọc Hậu Nghĩa để về Đức Huệ.

Đây là chiến trường cũ của chúng tôi. Lúc đó anh Tư là cán bộ Đoàn của huyện Đức Hòa, còn tôi là lính chiến thuộc Trung đoàn 174 (Công trường 5). Tại Đức Huệ, đơn vị tôi đã mấy lần “quần nhau với giặc”. Hàng ngàn đồng đội đã nằm lại nơi đây. Tôi hỏi một cán bộ địa phương về Gò Da, nơi Tiểu đoàn 6 của tôi gần như bị xóa sổ hồi đầu năm 1973. Anh Phó bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết, Gò Da bây giờ đã trở thành khu dân cư trù phú. Tôi ước dịp sau trở lại Đức Huệ, sẽ đến thắp hương tưởng nhớ những người đồng đội đã nằm lại nơi này.

Cách đây 8 năm, chúng tôi công tác tại Báo Sài Gòn Giải Phóng, lúc ấy anh Tư làm Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng. Cùng với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, anh Tư là người quyết liệt ủng hộ chúng tôi thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn. Tôi nhớ một lần, tôi cùng nhà báo Nguyễn Đức, lúc ấy là Trưởng ban Chính trị - Xây dựng Đảng của Báo SGGP - một cựu chiến binh đã từng vượt Trường Sơn trong những năm chống Mỹ đến gặp anh Tư. Nghe chúng tôi trình bày ý tưởng thực hiện chương trình nghĩa tình đồng đội này, anh Tư nói ngay:

- Ủng hộ các bạn. Làm đi, làm ngay đi. Đó vừa là trách nhiệm và tình cảm của những người làm báo Đảng, vừa là cái tâm của những người lính Cụ Hồ với đồng đội.

Anh Tư chỉ cho chúng tôi cách làm, vận động các doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội.

Và, đúng như lời anh Tư dặn, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo SGGP đã vận động được gần 150 tỷ đồng, xây và tặng các gia đình chính sách gần 1.500 căn nhà tình nghĩa, 20 bệnh xá quân dân y kết hợp, hàng chục công trình dân sinh như trường học, cầu đường, nhà văn hóa; nhiều đền đài thờ cúng, tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và những người có công với nước.

Đền thờ liệt sĩ tại Long Khốt trên vùng biên giới Tây Nam này cũng là một địa chỉ quen thuộc do Báo SGGP tổ chức.

Tôi còn nhớ đêm Gala kết thúc chương trình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trực tiếp đến trao Huân chương Lao động cho Báo SGGP, nhà báo Nguyễn Đức và những người thực hiện Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn.

Không còn vướng bận công việc của Đảng của Nhà nước, anh Tư dành thời gian thăm lại chiến trường xưa, nơi biên giới hẻo lánh, xa xôi. Đầu tháng 9 năm 2016, anh Tư đi khảo sát chương trình xây dựng nông thôn mới ở hai huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng thuộc tỉnh Long An. Thấu hiểu những khó khăn của bà con vùng biên giới, anh Tư gợi ý nhà báo Nguyễn Đức (nay là Tổng Biên tập tạp chí Nông thôn Việt):

- Tại sao không tiếp tục làm chương trình tình nghĩa? Nếu Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn lo cho đồng đội, thì Chương trình xây dựng Cầu Nông Thôn lo cho đồng bào. Cũng là việc rất đáng làm của những người lính Cụ Hồ.

Từ gợi ý của anh Tư, nhà báo Nguyễn Đức, một trong những “kiến trúc sư” của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn (Báo SGGP) với kinh nghiệm sẵn có đã nhanh chóng vận động các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế.

Và, chưa đầy một tháng, sau gợi ý của anh Tư, chương trình Cầu Nông Thôn do tạp chí Nông thôn Việt (thuộc Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã khởi động.

Chung tay bắc những nhịp cầu

Chúng tôi đến xã Mỹ Thạnh Đông khi nắng vừa lên. Nắng ở miền hạ này đối với chúng tôi đã quá quen thuộc. Nắng gay gắt như dội lửa. Mặc dù vậy bà con dường như đã đợi chúng tôi từ lâu. Nét mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi. Chủ tịch xã Nguyễn Thị Nhiều là một phụ nữ trẻ, mặc áo dài màu hồng mời anh Tư và đoàn đến nơi tổ chức phát động chương trình Cầu Nông Thôn và khởi công cây cầu đầu tiên của chương trình. Chủ tịch xã cho biết, xã còn phải nhựa hoặc bê tông hóa tuyến đường từ sông Vàm Cỏ Đông tại các ấp 3, 4, 6 với tổng chiều dài 7km mới có thể đạt tiêu chí giao thông của xã nông thôn mới. Ấy là chưa kể 5 cầu và 18 cống cần có để đảm bảo lưu thông liên xã.

Việc này đã có nhà tài trợ. Nhà báo Nguyễn Đức cho tôi biết Công ty CP Phúc Khang do bà Lưu Thị Thanh Mẫu làm giám đốc đã đăng ký hạng mục trên.

Tôi đã biết nữ giám đốc trẻ tuổi, năng động này. Với hai bàn tay trắng từ quê hương Nam Định vào lập nghiệp, chỉ hơn chục năm nay, vợ chồng bà Mẫu đã xây dựng nên thương hiệu Phúc Khang với nhiều dòng sản phẩm ấn tượng không chỉ ở TPHCM mà của cả nước và khu vực. Dự án Làng Sen Việt Nam là một ví dụ. Tháp tùng nguyên Chủ tịch nước đến Đức Huệ, bà Mẫu cùng chồng cam kết sẽ hoàn thành công trình đúng kế hoạch để tặng bà con vùng chiến trường xưa còn đang nghèo khó.

Lễ phát động chương trình Cầu Nông Thôn diễn ra ngay trận địa xưa chưa xóa mờ. Anh Tư dẫn tôi ra xem một hố bom thời chống Mỹ nay bà con sử dụng làm nơi nuôi cá.
 
Khi các doanh nghiệp lần lượt lên ký kết với tạp chí Nông thôn Việt về việc làm cầu, cống, tôi bỗng nhớ đến ngày khởi đầu của chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cách đây 8 năm.

Hồi ấy, tại nhà hát Hòa Bình (TPHCM) ngay đêm gala đầu tiên phát động, chương trình đã nhận được trên 50 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng cổ phần Thương mại Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) đăng ký ủng hộ trên 40 tỷ đồng.

Mỗi giai đoạn mỗi khác, trong lúc nền kinh tế đang gặp khó khăn như hôm nay mà chương trình Cầu Nông Thôn khởi động đã có hàng chục doanh nghiệp đăng ký với số lượng trên 50 cây cầu, dự kiến khoảng 30 tỷ đồng là một tín hiệu đáng mừng.

Tôi đã có dịp trò chuyện với các doanh nhân tâm huyết ấy. Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Hưng Lâm Đạo Hưng chia sẻ:

- Nghe tin chú Tư gợi ý và tạp chí Nông thôn Việt phát động chương trình này, chúng tôi ủng hộ ngay. Tôi phải lùi chuyến đi Hàn Quốc để đến đây dự lễ phát động và đăng ký tài trợ 8 cây cầu tặng bà con.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Các cụ ta dạy thế, bà con nơi đây còn nghèo khó, có những cây cầu như thế thật là thiết thực, đáng quý biết bao.

Đi bên cạnh anh Tư, tôi thấy nét mặt anh thật vui. Về với bà con nông dân, anh không mang giày mà bằng đôi dép mộc mạc. Do vậy khi chỉ cho chúng tôi xem hố bom còn sót lại, chân anh Tư lấm đầy bùn. Bình dị như một lão nông thực thụ.

Không phải bây giờ anh Tư mới khởi xướng, vận động các chương trình từ thiện, hướng về dân nghèo. Khi còn làm Chủ tịch nước, anh đã phát động nhiều chương trình tình nghĩa với hiệu quả cao. Chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới” là một ví dụ. Với sự tài trợ của Tập đoàn Viettel (Bộ Quốc phòng), dự kiến trong 2 năm, chương trình sẽ tặng 24.000 con bò giống cho bà con vùng biên giới. Anh Tư đã trực tiếp đến các vùng xa xôi ở Hà Giang, Cao Bằng... tặng bò cho bà con.

Giờ đây như một người lính chiến, anh Tư lại tiếp tục “hành quân” tới các vùng biên giới sẻ chia khó khăn với những người nghèo khó.

Trong buổi lễ phát động chương trình Cầu Nông Thôn, anh Tư tâm sự: Hãy chung tay bắc những nhịp cầu, cải thiện đời sống bà con, góp phần xây dựng nông thôn mới. Hãy làm cho chương trình Cầu Nông Thôn lan tỏa, chia sẻ với bà con không chỉ ở đồng bằng sông Cửu Long mà của cả nước.

Anh Tư còn thay mặt bà con vùng chiến trường xưa mời các doanh nghiệp và mọi người Tết Đinh Dậu này trở lại Đức Huệ cùng ăn tết. Tất cả mọi người hưởng ứng. Bà Ba Huân (Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân), người phụ nữ được anh Tư đùa vui là “người đàn bà nhiều trứng nhất thế giới” đăng ký, tết này về Đức Huệ, bà sẽ tặng cho mỗi gia đình một phần quà, trong đó không thể thiếu... trứng!

Chúng tôi trở về thành phố khi mặt trời đứng bóng. Ngồi cùng xe, tôi thấy nhà báo Nguyễn Đức, Tổng Biên tập tạp chí Nông thôn Việt và ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT rất vui. Dẫu vậy, tất cả còn đang ở phía trước. Bao khó khăn còn phải vượt qua mới có thể đạt mục tiêu tặng những cây cầu cho bà con vùng xa vùng sâu được.

Song, tôi tin ở ý chí và tấm lòng của cựu chiến binh - nhà báo Nguyễn Đức và ê kíp của anh, gồm những người tâm huyết, giàu lòng nhân ái. Nhất định các anh chị sẽ tổ chức thành công Chương trình Cầu Nông Thôn như Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn đã thành công trong những năm gần đây.

Đang tâm trạng mừng lo xen kẽ, từ xe đi phía trước, anh Tư gọi cho tôi:

-  Vạn sự khởi đầu như thế là được rồi. Bây giờ các ông phải ráng lên nhé?

Giọng anh thật vui:
 
- Ông phải nhắc Nguyễn Đức làm nhanh, nhanh hơn nữa. Từ giờ đến cuối năm phải đưa vào sử dụng “mẻ” cầu đầu tiên. Phải quyết liệt, khẩn trương như tác phong của người lính...

Anh Tư cũng nóng ruột như chúng tôi về tiến độ chương trình.

Chúng tôi thầm hứa với anh Tư - nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sẽ làm hết sức mình để góp phần bắc những “nhịp cầu nối bờ vui” nơi vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

TP Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2016

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục