Nha Phu - qua rồi thời “đầm vàng”

Cùng với nhiều đầm phá nổi tiếng khác trong nước như đầm Ô Loan, Thị Nại hay phá Tam Giang, đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được người dân nơi đây xem là “đầm vàng” đem đến miếng cơm no cho biết bao thế hệ. Nhưng nay, Nha Phu đã không yên bình như trước đây nữa.
Nha Phu - qua rồi thời “đầm vàng”

Cùng với nhiều đầm phá nổi tiếng khác trong nước như đầm Ô Loan, Thị Nại hay phá Tam Giang, đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được người dân nơi đây xem là “đầm vàng” đem đến miếng cơm no cho biết bao thế hệ. Nhưng nay, Nha Phu đã không yên bình như trước đây nữa.

Người nuôi thu gom cá chết để làm sạch lồng nuôi

Liêu xiêu mùa cá bớp 

Tôi trở lại Nha Phu vào một ngày cuối tháng 8. Nha Phu hiện ra trước mắt thật tẻ nhạt, ảm đạm lạ thường như thiếu sức sống. Trên gương mặt của những ngư dân nơi đây lộ ra nỗi buồn cắt ruột. Gắng gượng trò chuyện với tôi, anh Phan Hữu Khá, ngư dân xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, cho biết anh đang thu gom đống đồ lộn xộn vào bờ, đó là những vật dụng dùng nuôi cá bớp bấy lâu nay vốn rất thịnh hành. Chuyện là vụ cá năm nay, anh Khá thả nuôi hơn 1.000 con cá bớp giống, với hy vọng thu hàng trăm triệu đồng trong vụ nuôi này. Hơn 5 tháng đầu cá lớn nhanh, phát triển ổn định, nhưng sang tháng thứ 6, thứ 7, khi cá nuôi đang đến điểm chạy đua với thời gian để đạt kích cỡ xuất bán thì bỗng biếng ăn, rồi chết hết. Vậy là bao nhiêu tiền giống, tiền thức ăn và hàng trăm đêm trời chăm sóc đàn cá đã tan theo bọt nước.

Chia tay bè cá anh Khá, chúng tôi tìm đến vùng biển Hòn Thị, cũng thuộc đầm Nha Phu. Nơi đây có khoảng 60 bè nuôi cá bớp nhưng nay trên các bè thưa bóng người. Anh Huỳnh Văn Bằng ở thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích đang thu dọn đồ đạc chuẩn bị vào bờ. Hơn 1 tháng nay, anh Bằng cứ ngẩn ngơ như người mất hồn khi cá bớp nuôi trong bè của gia đình cứ bỏ ăn. Trong số 5.000 con cá bớp được thả nuôi trong 8 lồng, trọng lượng đã đạt 3kg/con, nhưng nay hơn 40% cá đã chết trong vòng 1 tháng qua. Mới đây, gia đình anh Bằng quyết định bán toàn bộ cá thương phẩm để gỡ gạc lại ít vốn. Nhưng nhẩm tính sơ bộ, số tiền thua lỗ lên đến 700 triệu đồng trong vụ mùa năm nay. Cách bè nuôi cá của anh Bằng chừng một cây số là trại nuôi cá của gia đình ông Nguyễn Nhật Bổn, một ngư dân có kinh nghiệm nuôi cá bớp tại Hòn Thị. Ngồi bó gối nhìn sóng vỗ vào bè cá, ông Bổn chỉ tay xuống lồng cá đang có những con cá bớp vùng vẫy trong yếu ớt. Ông trải lòng, nếu giờ này cá không bị bệnh, chỉ nghe tiếng người nói là chúng nhảy tung lên vì tưởng cho ăn. Nhưng cảm giác đó nay đã không còn, người nuôi cá tại Hòn Thị đầy ắp nỗi buồn. Theo ông Bổn, vụ nuôi này gia đình ông thả 1.500 con cá bớp giống. Cá nuôi đến tháng thứ 9 thì đột nhiên bị bệnh, cá chậm lớn rồi chết dần. Vốn là người tinh tường về giống cá này, ông Bổn tìm mua đủ các loại thuốc trị bệnh cho cá, nhưng đều không ăn thua. Cá vẫn chết dần từ mấy tháng nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguy cơ trắng tay vụ nuôi này đang đến gần.

Từ chỗ cá bớp nuôi của vài hộ bị chết, nay đã lan ra hàng chục hộ nuôi khác trên vùng nuôi cá đầm Nha Phu và các vùng biển lân cận. Để cứu vãn tình hình dịch bệnh lây lan, nhiều người dân đã chọn phương án di dời lồng bè đến nơi khác với hy vọng tránh được dịch bệnh. Thế nhưng, con đường “chạy dịch” của họ vẫn lắm chông gai. Anh Mạnh, một hộ nuôi cho biết, anh có 6 lồng nuôi cá bớp và 3 lồng cá chim. Sau khi nghe có dịch bệnh trên cá, anh nhanh chân thuê người ngày đêm di dời lồng ra cách xa vùng cá chết hơn 2km. Cứ tưởng tới nơi mới yên bình, nào ngờ chỉ 2 tuần sau, các bè nuôi cá của anh lần lượt xuất hiện cá chết. “Nếu cá cứ chết như những ngày qua, tôi lo chỉ 3 - 4 tuần nữa chẳng có con nào sống được. Đã thuê nhân công di chuyển bè nuôi cá tốn không ít tiền rồi, nay cá chết thì thiệt hại đủ đường”, anh Mạnh trầm ngâm.

Cần câu trả lời căn nguyên

Đầm Nha Phu lặng sóng và kín gió, môi trường sạch, đa dạng hệ sinh thái... Từ bao đời nay, cư dân sống ven đầm này đều có cuộc sống ổn định nhờ tài nguyên biển phong phú. Đầm Nha Phu cũng được xem là cái nôi của các loài hải sản sinh ra từ đây rồi “ngao du” ra các vùng biển lân cận, tạo nguồn lợi cho biển. Nói đến đầm Nha Phu, người ta biết đến nhiều nhất là nghề nuôi vẹm xanh. Có thời, nghề nuôi vẹm nơi đây thịnh hành, người dân trở nên giàu có. Ông Nguyễn Ngọc Toàn, sống ven đầm Nha Phu, cho biết, nghề nuôi vẹm trước đây bằng mười nuôi tôm, nuôi cá. Vậy nên có thời điểm nhà nào sống gần đầm Nha Phu đều nuôi vẹm xanh. Hưng thịnh rồi cũng có lúc suy. Năm 2009, người dân nuôi vẹm trên đầm Nha Phu bị khủng hoảng khi vẹm chết đầy đầm. Hàng trăm tấn vẹm xanh chỉ còn trơ lại vỏ, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Sau khi sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa xác định nguyên nhân do nguồn nước bị ô nhiễm, trong đó ngoài trầm tích bùn lắng tại vùng nuôi còn có phần tác động từ các công ty, cơ sở nuôi cá sấu gần đó. Thế rồi, nghề nuôi vẹm ngưng trệ sau nhiều năm thất bát và gần như mất hẳn cho đến nay. Sau đó người dân chuyển hướng nuôi ốc hương nhưng vài năm sau ốc hương cũng chết, rồi nay lại đến cá bớp chết trên đầm Nha Phu…

Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, có 43 hộ nuôi cá bớp, cá chim ở khu vực Hòn Thị bị thiệt hại, sản lượng lên đến gần 130 tấn, ước giá trị thiệt hại gần 6 tỷ đồng. Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết cá bớp nuôi tại khu vực Hòn Thị bị nhiễm khuẩn Vibrio alginolyticus (một loại vi khuẩn kỵ khí). Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhiễm độc do sứa bi, độ nhớt cao trong lúc vệ sinh lồng bè kém, gây ra hiện tượng thiếu ôxy cục bộ trong lồng nuôi, cùng với thời tiết nắng nóng dẫn đến cá bị… choáng và chết hàng loạt.

Tuy nhiên, các hộ nuôi cá tại đầm Nha Phu lại cho rằng cá chết còn do nhiều nguyên nhân khác. Ông Nguyễn Nhật Bổn phân tích, cá nuôi chết không hiếm, nhưng năm nay tình trạng cá chết sớm và chết hàng loạt thì mới xảy ra. Mọi năm, cá chết chỉ khi có mưa to, nước bạc do mưa nguồn làm đục vùng nuôi. Ngoài ra, hàng đêm đầm Nha Phu có hàng chục ghe cào sò, xới tung đáy đầm, nước bùn đục ngầu. Ông Phạm Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Ích, xác nhận việc các ghe cào sò ở khu vực đầm Nha Phu gây ảnh hưởng là có. Song, để khẳng định cá chết đợt này do việc cào sò là chưa có cơ sở, có thể cá bị chết bởi các nguyên nhân dịch bệnh khác do môi trường nước ở đây đã ô nhiễm nặng. Điều đó được khẳng định sau các năm người nuôi vẹm trắng tay. Bây giờ cần có những đánh giá môi trường chính xác, khuyến cáo rõ ràng của ngành chức năng.

Sau vẹm xanh, ốc hương lại đến cá bớp nuôi cũng chết khiến người dân sống nhờ đầm Nha Phu đang rất thấp thỏm. Còn cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa thì cho biết đang thống kê, kiểm đếm để lên danh sách đề nghị tỉnh hỗ trợ. Đó chỉ là phần ngọn. Cái dân cần là giải pháp căn cơ, giải quyết từ gốc. Đừng để dân sống bằng “hỗ trợ” khi chuyện đã rồi.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục