* Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ
* Khánh Sơn – Khánh Hòa: Giao thông vẫn bị cô lập
* Đường mới Đà Lạt – Nha Trang vẫn chưa thể thông xe
Sáng 5-11, 3 nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’năng đã ngừng xả lũ; mực nước các sông hiện còn ở mức báo động cấp 1 và khả năng sẽ xuống tiếp.
18 người chết, 6 người mất tích Số lượng nhà bị ngập lụt 17.805 nhà, tăng 822 (Phú Yên 2.596, Khánh Hòa 9.195; Ninh Thuận 5.657). Nhà đổ, sập, trôi 618; nhà bị hư hại, tốc mái, siêu vẹo 1.411. Hơn 40.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập, đổ; gần 1.000 con trâu bò bị nước cuốn và gần 79.000 m đường giao thông bị hư hại... |
Hơn 1.000 hộ dân di dời trong đợt lũ nay hầu hết đã về nhà an toàn, nhưng gia súc vẫn tiếp tục nuôi ở gò cao hoặc trên núi. Ngành Giao thông vận tải Phú Yên đang tập kết phương tiện thu dọn hơn 70.000m³ đất đá bị sạt lở, bồi lấp mặt đường; khôi phục tạm thời lại các các cầu trên các tỉnh lộ nối vùng đồng bằng với miền núi để nhân dân đi lại.
Trung tâm Y tế dự phòng các huyện cùng chính quyền địa phương tổ chức xử lý các giếng nước bằng thuốc Cloramin B. Những trường hợp người chết đều đã được chính quyền thăm hỏi, động viên và hỗ trợ mỗi trường hợp 5 triệu đồng….
Thống kê của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, đợt lũ lụt đã làm 5 người chết, 2 người bị thương; gần 960 ha lúa mùa đang trong giai đoạn trỗ bông bị ngập úng, nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất hoặc mất trắng và hơn 1500 ha mía, sắn bị ngã đổ.
Hiện nhiều tuyến giao thông nông thôn vẫn còn ngập, riêng các khu dân cư ở xóm 5 thuộc Thị trấn La Hai, thôn Tân Hòa (xã Xuân Sơn Nam) và xã Xuân Sơn Bắc (huyện miền núi Đồng Xuân) vẫn còn bị chia cắt, người dân tiếp tục sử dụng thuyền nan để đi lại…. Tổng thiệt hại ước tính gần 100 tỷ đồng.
Tỉnh Phú Yên đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương và cơ quan chức năng dồn sức khắc phục hậu quả lũ lụt để sớm ổn định đời sống nhân dân.
Tin áp thấp nhiệt đới gần bờ Hồi 16 giờ ngày 5-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,2 đến 14,2 độ Vĩ Bắc; 109,8 đến 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển Bình Định – Khánh Hòa khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. |
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương
Khánh Sơn – Khánh Hòa: Giao thông vẫn bị cô lập
Tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), giao thông lên huyện (qua tỉnh lộ 9) bị chia cắt cả tuần nay vẫn chưa được lưu thông. Trong sáng nay (5-11), báo cáo của huyện Khánh Sơn cho biết: Hiện chỉ có xe máy là lưu thông đến xã, nhưng phải qua nhiều chuyến tăng bo. Các phương tiện cơ giới khác vẫn chưa tiếp cận được với huyện, do đó Khánh Sơn vẫn bị cô lập tuyến giao thông liên huyện.
Theo phản ánh, hiện nay lương thực, thực phẩm tại huyện thiếu trầm trọng, nhất kà rau xanh, gạo và xăng dầu; trong 2 ngày qua, các điểm bán xăng dầu trên địa bàn đã thông báo hết, hiện Khánh Sơn chỉ trông chờ vào nguồn hàng duy nhất từ miền xuôi lên khi đã thông đường.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch huyện cho biết, trên địa bàn huyện có một cán bộ huyện đoàn mất tích do mưa lũ, hiện chưa tìm thấy. Lãnh đạo huyện đang chỉ đạo các lực lượng tập trung tìm kiếm.
Trong hai ngày qua, chính quyền và nhân dân Khánh Hòa tích cực trong việc khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống, sản xuất và phòng tránh đợt lũ kép.
Tính đến thời điểm hiện tại, ước tích thiệt hại của Khánh Hòa khoảng 300 tỷ đồng. Trong đó sập hoàn toàn 161 căn nhà, hư hỏng 1.400 căn nhà, ngập hơn 9.100 căn nhà, hư hại hoa màu gần 7.400 ha, trôi hơn 23.000 con gia cầm, hơn 800 ha diện tích nuôi thủy sản bị ngập, nhiều tuyến đường huyết mách tắc nghẽn do sạt lở…
Trong ngày 4 và 5-11, lượng mưa trên địa bàn Khánh Hòa giảm khoảng 80%, nước ở các con sông tại TP. Nha Trang đã xuống dưới báo động I, riêng sông Dinh – Ninh Hòa xuống chậm và còn ở mức xấp xỉ báo động III. Nguyên nhân là do hồ Đá Bàn trên địa bàn huyện Ninh Hòa vẫn tiếp tục xã lũ.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm thăm, tặng quà đồng bào bị lũ lụt ở tỉnh Khánh Hòa
Ngày 5-11, đồng chí Huỳnh Đảm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã vào thăm và tặng quà vùng lũ lụt ở tỉnh Khánh Hòa.
Động viên bà con vùng lũ và một số gia đình có người bị chết, mất tích do lũ lụt gây ra tại các xã Vĩnh Hiệp, Vĩnh Ngọc (thành phố Nha Trang); các xã Diên Thạnh, Diên Phú (huyện Diên Khánh), Chủ tịch Huỳnh Đảm đã chia sẻ mất mát, khó khăn với bà con và mong muốn bà con phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận địa phương tiếp tục bám sát cơ sở, giúp dân khắc phục hậu quả, cứu trợ kịp thời.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, sau khi nghe đồng chí Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo về công tác chỉ đạo của tỉnh trước, trong và sau lũ lụt, tình hình thiệt hại, công tác giúp dân phòng chống lũ lụt và sau lũ lụt...
Chủ tịch Huỳnh Đảm đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, MTTQ, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Khánh Hòa trong việc đối phó với mưa lũ, nhờ đó hạn chế được thiệt hại về người và tài sản.
Chủ tịch Huỳnh Đảm hoan nghênh và tin tưởng các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tiếp tục có những giải pháp đồng bộ giúp nhân dân khắc phục khó khăn, đặc biệt không để dân đói, và dịch bệnh; sớm khôi phục học tập, sinh hoạt, sản xuất, ăn ở cho đồng bào...
Chủ tịch Huỳnh Đảm cho biết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã quyết định chuyển 500 triệu đồng từ Quỹ cứu trợ Trung ương cho tỉnh Khánh Hòa góp phần giúp đỡ bà con bị thiệt hại do lũ lụt gây ra sớm ổn định cuộc sống.
Ngày 6-11, Chủ tịch Huỳnh Đảm sẽ tiếp tục đi thăm, tặng quà cho bà con ở một số huyện của tỉnh Khánh Hòa và vào thăm, tặng quà cho bà con bị thiệt hại do lũ lụt gây ra ở tỉnh Ninh Thuận.
*****
Công đoàn Viên chức TPHCM - Gần 1,5 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung * Tặng 85 suất quà cho các gia đình công đoàn viên bị thiệt hại Ngày 5-11, đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng TP và đồng chí Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức TPHCM đã đến thăm hỏi, động viên các CB-CNV Báo SGGP có gia đình bị thiệt hại trong đợt lũ lịch sử tại các tỉnh miền Trung. Đồng chí Nguyễn Văn Rảnh cho biết, đợt lũ vừa qua tại các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ TPHCM, với tinh thần tương thân tương ái, CB-CNV khối Dân - Chính - Đảng TP đã đóng góp được gần 1,5 tỷ đồng để chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung. Được sự chấp thuận của UBMTTQ TPHCM, Công đoàn Viên chức TP đã trích 255 triệu đồng để hỗ trợ 85 công đoàn viên có gia đình bị thiệt hại nặng trong đợt lũ để khắc phục hậu quả. Dịp này, Công đoàn Viên chức TP cũng đã trao 5 suất quà (3 triệu đồng/suất) và gửi thư động viên chia sẻ đến những gia đình CB-CNV Báo SGGP nằm trong vùng lũ. Thay mặt Đảng ủy, Ban Biên tập Báo SGGP, đồng chí Nguyễn Tấn Phong, Thành ủy viên, Phó Tổng biên tập Báo SGGP chân thành cảm ơn Đảng ủy khối Dân - Chính - Đảng và Công đoàn Viên chức TPHCM đã quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ các công đoàn viên Báo SGGP. Ngoài nhiệm vụ thông tin về những thiệt hại cũng như công tác khắc phục hậu quả lũ lụt, Báo SGGP cũng đã quyên góp từ bạn đọc và đang tập trung vận chuyển hàng hóa, tiền cứu trợ của bạn đọc đến với người dân vùng lũ. H.Thu
Ngày 5-11, Đại sứ quán Italia tại Hà Nội cho biết, Chính phủ Italia đã quyết định tài trợ 124.000 USD nhằm ủng hộ nhân dân khắc phục thiệt hại nặng nề về người và cơ sở hạ tầng do đợt lũ lịch sử vừa qua gây ra tại miền Trung Việt Nam. Chính phủ Italia hy vọng khoản tài trợ này sẽ cung cấp hàng hóa cứu tế và vật dụng cần thiết cho những nạn nhân của đợt lũ vừa qua, đồng thời góp phần nhanh chóng khôi phục các trung tâm y tế, trường học cũng như các hệ thống cung cấp nước sạch. V.Xuân |
- Ninh Thuận: Một người dân vùng lũ bị điện giật chết
Khoảng 14 giờ ngày 5-11, thi thể của anh Trần Văn Mùi (sinh 1979) ở thôn An Thạnh 2, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bị điện giật chết, được người dân tìm thấy dưới vũng nước lũ còn tồn đọng và được chuyển đến gia đình để lo tang lễ.
Theo lời kể của người nhà nạn nhân: vào sáng 5-11, một số anh em làm rẫy tại địa phương có nhờ anh Mùi đến phụ giúp dựng lại giàn nho bị nghiêng ngả do lũ lụt gây ra. Vào thời điểm đó, trên đường đến giúp anh em làm rẫy, anh Mùi bước vào vũng nước do nước lũ chưa rút hết thì bị điện giật chết tại chỗ.
Ông Trương Mai Lĩnh, Bí thư Đảng ủy xã An Hải, huyện Ninh Phước cho biết: Những ngày qua, do lũ lụt nghiêm trọng nên tại một số nơi ở địa bàn xã An Hải, nhiều dây điện và trụ điện bị đổ xuống nước nên cắt điện. Mãi đến ngày 5-11, điện mới có trở lại.
TTX - Văn Ngọc - Nam Viên