- Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Lũ đang lên nhanh
(SGGPO).- Chiều 2-11, các hồ thủy điện trên sông Ba đã xả lũ đạt lưu lượng 6.000m³/giây. Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho biết, đến khoảng 19 giờ tối nay, mực nước sông Ba tại Tuy Hòa sẽ vượt mức báo động 3 và thành phố Tuy Hòa bị ngập lụt.
Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Tuy Hòa đã họp và triển khai ngay các phương án hỗ trợ người dân neo đậu tàu thuyền an toàn, chuẩn bị sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi bị lũ uy hiếp.
Hàng ngàn người dân thành phố Tuy Hòa đã chuẩn bị ứng phó với lũ lụt, các vật dụng trong nhà lên cao đồng thời theo dõi sát tình hình mưa lũ. Tư thương tại các chợ cũng chủ động kê cao hàng hóa, vật dụng và sẵn sàng chạy hàng hóa đến nơi an toàn. Lượng tiêu thụ dầu hỏa tại các điểm mua bán xăng dầu tăng vọt vì người dân chuẩn bị ứng phó với sự cố mất điện trên diện rộng.
Huyện Tây Hòa là địa phương sớm nhất trực tiếp chịu ảnh hưởng của việc xả lũ. Đến chiều nay, mực nước sông Ba trên địa bàn huyện Tây Hòa ở mức báo động 2. Ông Nguyễn Hữu Pháp, Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tây Hòa cho biết: Nếu thông báo xả lũ đạt mức 10.000m3/giây. Huyện sẽ thực hiện các phương án di dời dân tại các vùng xung yếu thuộc xã Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây và Hòa Phong.
Huyện Đồng Xuân đã di dời 51 hộ ở thôn Thạnh Đức (Xuân Quang 3) và 61 hộ ở thôn Gò Cốc (Xuân Quang 20) và tiếp tục vận động di dời dân ở hai thôn Gò Bông và Gò Lan (xã Xuân Phước) đến nơi an toàn.
Trong khi đó, tại huyện Tuy An, 5 xã trên địa bàn huyện đã bị nước lũ chia cắt và gây ngập. Tuyến đường bộ từ Tuy An lên huyện miền núi Đồng Xuân (ĐT 641) cũng bị ngập, các loại xe không qua lại được. Huyện Tuy An đã phải di dời 39 hộ dân với 102 nhân khẩu thuộc thị trấn Chí Thạnh, các xã An Dân và An Ninh Đông đến nơi an toàn. Phó trưởng BCH PCLB và TKCN huyện Tuy An ông Nguyễn Vũ Hành cho biết: Huyện đang tổ chức lực lượng ứng cứu túc trực 24/24 sẵn sàng chỗ ở, phương tiện để di dời 977 hộ với 3.280 nhân khẩu vùng xung yếu khi nước lũ tiếp tục dâng cao.
Trước đó, theo Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Phú Yên, mực nước đo được lúc 6 giờ ngày 2-11 tại sông Ba tại Củng Sơn là 30.51 m trên mức báo động I là 1 m, sông Đà Rằng tại Phú Lâm là 1,52 m dưới mức báo động I là 0, 1m, sông Kỳ Lộ tạ Hà Bằng là 9,31 m dưới mức báo động III là 0,19m, sông Bàn Thạch tại Hòa Mỹ Tây là 10,12 m trên mức báo động II.
Theo dự báo, từ 12 đến 24 giờ tới, mực nước trên các sông ở Phú Yên tiếp tục lên, các sông có lũ ở mức báo động II- III, riêng sông Kỹ Lộ vượt trên báo động III. Sông Ba tại Củng Sơn là 34 m dưới mức báo động III là 0,5m. Sông Đà Rằng tại Phú Lâm là 3.20m trên mức báo động II là 0,5m, sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng là 1,5m trên mức báo động III là 1m, sông Bàn Thạch tại Hòa Mỹ Tây là 11 m trên báo động III.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu trong những tình huống khẩn cấp. Hiện đang duy trì các kíp trực với 100 cán bộ chiến sĩ, 5 ô tô, 5 tàu và ca nô cứu hộ, sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu.
Đáng ngại nhất là tại Phú Yên có 6.700 ha lúa vụ mùa đang trổ hoặc đang chuẩn bị thu hoạch những rất nhiều trong số đó đã bị ngập nước, ngã đổ. Trong sáng ngày 2-11, nông dân tiếp tục thu hoạch những diện tích lúa vụ mùa đã chín để “chạy lũ”.
Tại các đầm Ô Loan (huyện Tuy An), đầm Cù Mông (huyện Sông Cầu), nhiều ao hồ, lồng nuôi tôm, cá mú của ngư dân đã bi ngập trong nước do triều cường dâng cao. Tại huyện Đông Hòa có khoảng 40ha nuôi tôm, trong đó có 10ha ở vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch bị lũ lụt uy hiếp và có diện tích bị ngập bờ. Hiện người nuôi tại các địa phương nay đang dùng lưới bao quanh khu vực hồ nuôi hoặc thu hoạch để tránh lũ.
Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương và nhân dân triển khai các phương án phòng chống lũ, vùng ngập lụt. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở các vùng trũng thấp; thông báo cho nhân dân biết để chủ động phòng tránh, tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn ở bến bãi hạ lưu các sông, chống bừa neo, trôi dạt. Các đơn vị đang thi công trên các sông, suối, vùng trũng thấp, nhất là các công trình đang thi công trên sông Ba cần di dời, sơ tán người và thiết bị, vật tư đến nơi an toàn. Nghiêm cấm đi lại trong vùng nước chảy xiết, không được chủ quan khi đi lại trong vùng ngập lụt. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và thường xuyên liên lạc về UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
|
Lâm Đồng: Hồ thuỷ điện Đa Nhim xả lũ mạnh, trên 1.000ha rau bị ngập
* Di dời trên 100 hộ dân đến nơi an toàn.
Sáng nay, 2-11, tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lâm Đồng cho biết, do nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên hồ thuỷ điện Đa Nhim (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã nâng mức xả lũ lên 500m³/giây.
Ông Đinh Ngọc Hùng, Phó chủ tịch UBND huyện Đơn Dương cho biết, lượng nước khổng lồ này đổ xuống sông Đa Nhim đã làm ngập hơn 1.000ha rau của người dân ở khu vực hai bên bờ sông (thuộc 6 xã và 2 thị trấn của huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Lâm Đồng cũng đã có cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ lớn tại hai huyện thuộc hạ lưu sông Đa Nhim là Đơn Dương và Đức Trọng.
Trong khi đó, mực nước trên các hệ thống sông suối ở phía Bắc và Đông Bắc tỉnh Lâm Đồng đang ở mức cao. Mực nước đo được tại trạm bơm Thanh Bình trên suối Cam Ly lúc 7 giờ sáng nay là 832,63m, trên báo động III là 0,63m; tại trạm bơm Đại Nga trên sông La Ngà là 738m. Do trời tiếp tục có mưa vừa, mưa to nên mực nước trên các sông có khả năng tiếp tục lên mạnh.
Còn tại huyện Đức Trọng, đến sáng nay, cầu Bà Bóng trên tuyến đường từ Đà Loan đi Tà Năng đã ngập sâu ngập 2m nên người dân phải đi lại bằng ghe. Trên 100 hộ dân tại thôn Chợ, xã Đà Loan đã được di dời đến nơi an toàn. Mưa lũ cũng đã làm ngập 200ha cà phê đang thu hoạch tại xã Đà Loan; cuốn trôi gần 30ha rau tại xã Hiệp An và thị trấn Liên Nghĩa.
Tại huyện Đơn Dương, ngoài diện tích hoa màu bị ngập do xả lũ hồ thuỷ điện Đa Nhim, nhiều hạng mục của công trình thuỷ lợi Próh cũng bị hư hỏng nặng.
Bình Định: Nước lũ trên các sông dâng cao
(SGGPO).- Sáng nay, nước lũ trên các sông tại Bình Định đã bắt đầu dâng nhanh. Một số khu dân cư ở huyện Tuy Phước và các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú của TP Quy Nhơn bắt đầu bị nước lũ chia cắt.
Đến 10 giờ sáng nay, tràn Huỳnh Mai trên tuyến tỉnh lộ ĐT 640 nối các xã Khu đông như Phước Hoà, Phước Thắng, Phước Sơn… với thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước) đã bị ngập sâu hơn 0,5 mét.
Sáng cùng ngày, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Tuy Phước đã cấp 35 áo phao, 10.000 bao tải cho các xã thường xuyện xảy ra ngập lũ và sạt lở, đồng thời yêu cầu các địa phương trong huyện tổ chức trực ban 24/24 và triển khai chống lũ theo phương án “tại chỗ”.
Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết, tàu BĐ 30426 TS (do ông Lê Văn Tiến ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định, làm thuyền trưởng), có 6 ngư dân, bị nạn gần đảo Côn Sơn (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã được kéo vào cảng La Gi-Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 2-11.
Trước đó, ngày 29-10, tàu cá BĐ 30426 gặp nạn do bị gãy chân vịt và trôi dạt trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu và những ngày sau đó đều không liên lạc được với chủ tàu cùng thuyền viên trên tàu.
Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực 3 tại Vũng Tàu đã đề nghị ngành chức năng TP.HCM phát radio liên lạc đồng thời phối hợp với Công ty quản lý mỏ Bạch Hổ xác minh thông tin, sau đó đã liên lạc được với chủ tàu và đã thuê phương tiện ra cứu hộ, cứu nạn.
XUÂN QUANG-HOÀNG TRỌNG - HÀ THANH – NAM VIÊN
- Thông tin liên quan:
>> Các tỉnh Nam Trung bộ đối mặt với đợt lũ đặc biệt lớn
>> Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận còn kéo dài nhiều ngày