Festival Huế 2006

Phục dựng lễ hội tôn vinh nhân tài đất nước

Phục dựng lễ hội tôn vinh nhân tài đất nước

Truyền lô là lễ xướng tên những người đỗ tiến sĩ sau kỳ thi Hội. Ở nước ta, lễ Truyền lô xuất hiện từ đời vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Thời Nguyễn (1802 - 1945), lễ Truyền lô được tổ chức lần đầu tiên vào năm Minh Mạng thứ ba (1822), sau khoa thi Hội đầu tiên của triều Nguyễn. Lễ hội Truyền lô và Vinh quy bái tổ được tổ chức trong Festival 2006 nhằm giáo dục, đề cao việc học, tuyên dương những người tài, thi cử đỗ đạt để ra giúp nước và đặc biệt là góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha ta để lại, nhất lại là ở Huế, nơi mệnh danh là vùng đất học.

  • Lễ hội Truyền lô...

Phục dựng lễ hội tôn vinh nhân tài đất nước ảnh 1

Các quan coi thi tại kỳ thi Hương năm 1897.

Từ thời Nguyễn, lễ hội Truyền lô được tổ chức sau mỗi kỳ thi với sự hiện diện của nhà vua. Triều Nguyễn trong quá trình tồn tại, đã tổ chức 39 kỳ thi tuyển chọn được 293 vị tiến sĩ thì cũng có 39 lần lễ Truyền lô diễn ra. Đó là chưa kể đến các kỳ thi Hội lấy đỗ tiến sĩ võ ban vào các năm 1865, 1868, 1869 dưới triều Tự Đức (1848 - 1883).

Thời Nguyễn, lễ Truyền lô dưới thường diễn ra tại điện Thái Hòa, nhưng trong những năm có đại tang thì tổ chức tại Ngọ Môn và sẽ không có sự hiện diện của nhà vua mà chỉ thiết một án thờ để làm lễ.

Cuộc lễ Truyền lô có những trình thức, quy định khá chặt chẽ. Đến giờ làm lễ, nhà vua xuất hiện từ phía sau điện Thái Hòa và ngự trên ngai vàng, các quan quỳ lạy. Sau đó, viên thị vệ tâu xin làm lễ Truyền lô, khi nhận được khẩu dụ của nhà vua, viên này xướng lên: “Truyền lô”.

Bấy giờ, quan Giám thí (xem thi) và quan Độc quyển (chấm bài) trao cho mỗi vị tân tiến sĩ một bộ mũ áo. Các vị ấy đón nhận, mặc vào và đứng đợi nghi thức tiếp theo. Tiếp đó, một vị quan bộ Lễ xướng: “Truyền lô”, quan Truyền lô theo thứ tự đọc tên các vị tân tiến sĩ. Sau khi xướng tên xong, nhà vua hồi cung, các viên quan cùng các vị tân tiến sĩ, quân lính sẽ tổ chức rước Hoàng bảng (bảng vàng ghi danh sách các vị tiến sĩ) ra niêm yết tại Phu Văn Lâu (bảng này sẽ được niêm yết tại đấy trong vòng ba ngày).

Sau lễ Truyền lô, các vị tiến sĩ được ở lại Kinh đô một thời gian. Họ sẽ được vua ban các đặc ân như dự yến tiệc trong Hoàng Thành, cưỡi ngựa dạo phố xung quanh Kinh Thành để dân chúng chiêm ngưỡng người tài và để dâng biểu tạ ơn vua. Sau đó, các vị tiến sĩ được vua ban cho một tấm biển sơn son thếp vàng trên có khắc hàng chữ: Ân tứ vinh quy và ban cấp cho một số người lính theo hầu để vinh quy bái tổ tại quê nhà. Cùng với các kỳ thi Hội, lễ Truyền lô và Vinh quy bái tổ thời Nguyễn thể hiện sự trọng dụng, đãi ngộ nhân tài và khuyến học của người xưa.

  • Vinh quy bái tổ

Trong Festival Huế 2006, cùng với những lễ hội khác, lễ Truyền lô và Vinh quy bái tổ sẽ được tái hiện với sự tham gia của hơn 250 người tham gia diễn xuất và sẽ được tổ chức tại Ngọ Môn vào ngày 6/6. Lễ hội được xác định là một cuộc quảng diễn có quy mô, phô diễn vẻ đẹp ẩn chứa từ các giá trị văn hóa truyền thống, trên cả hai phương diện vật thể và phi vật thể. Lễ hội sẽ được chia làm hai phần: phần lễ Truyền lô sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ sáng, kết thúc khoảng 11 giờ.

Buổi chiều là lễ Vinh quy bái tổ. Theo nội dung kịch bản, lễ hội Truyền lô sẽ được bắt đầu từ Đại Cung Môn. Tại đây, vào lúc 8 giờ sáng, các quan và đoàn tùy tùng sẽ tháp tùng vua ra Ngọ Môn. Nhà vua ngự trên lầu Ngũ Phụng, dưới sân là bảy vị tiến sĩ quỳ bái; quan bộ Lễ sau khi xin ý chỉ của nhà vua làm lễ Truyền lô sẽ đọc sắc tứ ban học vị cho các tiến sĩ. Các vị tiến sĩ khi nghe đến tên mình thì bước ra hành lễ tạ ơn. Sau khi xướng danh xong, nhà vua trở vào trong.

Các quan, các vị tiến sĩ và binh lính chuẩn bị cho một đám rước Hoàng bảng từ Ngọ Môn đến Phu Văn Lâu. Đoàn rước đi theo lộ trình từ Ngọ Môn ra cửa Quảng Đức để đến Phu Văn Lâu. Dẫn đầu là lính cầm cờ, lọng, gươm, giáo; tiếp theo là Hoàng án (gồm lư trầm, cờ, nghi trượng của vua)...; lần lượt theo sau là Hoàng bảng, Châu bảng; các vị tân tiến sĩ, các quan lại, hoàng thân quốc thích.

Tại đây, quan bộ Lễ sau khi bái lạy trước Hoàng án sẽ rước Hoàng án vào Phu Văn Lâu rồi lui ra. Tiếp theo, quan Khảo thí rước Châu bảng vào Phu Văn Lâu, vái lạy rồi cũng lui ra để các vị tiến sĩ vào làm lễ.

Sau khi tổ chức nghi lễ ở Phu Văn Lâu, đoàn rước sẽ tiếp tục đi vào cửa Thể Nhơn, đi vào cửa Hiển Nhơn rồi vào Duyệt Thị Đường để chuẩn bị làm lễ Ân tứ vinh quy và tổ chức cho các vị tiến sĩ cưỡi ngựa thưởng hoa quanh Đại Nội, đây cũng là thời điểm kết thúc phần lễ Truyền lô. Hình ảnh vị tiến sĩ vinh quy bái tổ là một động lực thôi thúc những người theo đòi cử nghiệp phấn đấu hơn nữa trong học tập để sau này cũng sẽ được vinh quy, bái tổ, làm rạng rỡ tên đất, tên làng - nơi chôn nhau cắt rốn.

Lễ hội Vinh quy bái tổ trong Festival 2006 sẽ được tổ chức vào chiều cùng ngày. Đám rước sẽ có một vị tân tiến sĩ, quân lính sẽ mang cờ, quạt, võng lọng, biển Ân tứ vinh quy... Nơi xuất phát là cửa Hiển Nhơn đi ra bến đò Nghinh Lương Đình, xuôi dòng sông Hương về đến bến đò Chợ Dinh.

Tại đây, làng Dương Nổ (cách thành phố Huế khoảng 8km về phía đông) tổ chức một đoàn khoảng 50 người để rước vị tiến sĩ về đình làng để làm lễ bái tổ tại đình, đây là điểm cuối cùng của lễ hội Vinh quy bái tổ. Làng quê Dương Nổ vốn có các vị đỗ tiến sĩ dưới triều Nguyễn như Phan Hữu Từ (đỗ tiến sĩ năm 1842); Trần Hữu Thụy (đỗ tiến sĩ năm 1844); Nguyễn Thế Trâm (đỗ năm 1851).

Lễ hội Truyền lô và Vinh quy bái tổ được tổ chức trong Festival 2006 là một lễ hội quan trọng, không những có ý nghĩa giáo dục, đề cao việc học, tuyên dương những người tài, thi cử đỗ đạt để ra giúp nước mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha ta để lại, nhất lại là ở Huế, nơi mệnh danh là vùng đất học.

NGÔ VĂN MINH

Tin cùng chuyên mục