(SGGP).- Ngày 18-12, Công ty CP Nhà Việt Nam (Vinahouse) đã phục dựng thành công ngôi nhà làm bằng vật liệu tranh tre cổ nhất Việt Nam tại thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam).
Ngôi nhà này trên 100 năm tuổi, trước đây thuộc quyền sở hữu của bà Phạm Thị Số (87 tuổi, trú tại xã Điện Minh, huyện Điện Bàn) bị xuống cấp nhưng gia đình không thể tu sửa nên đã chuyển giao cho Vinahouse. Sau khi tiếp nhận, từ tháng 8-2011 đến nay hàng trăm lượt thợ có tay nghề ở Quảng Nam phục dựng nguyên mẫu ngôi nhà gồm “bộ chuồng cu” với cột, kèo, xiên, trính làm bằng gỗ mùn; rui, mè, đòn tay...tất cả đều làm bằng tre ngâm, mái lợp tranh, xung quanh nhà được che chắn bằng các tấm phên tre với tổng diện tích nhà trên 70m2. Đặc biệt, các vật dụng trong nhà như giường, bàn, thúng mủng, cối xay, cối giã, bồ, ghe và bếp nấu củi còn lưu giữ gần như nguyên vẹn. Đây là ngôi nhà tre thuần Việt theo kiểu 1 gian 2 chái và là một trong hai ngôi nhà tranh tre có tuổi đời cao nhất tại Quảng Nam.
NG.KHÔI
- Tiền Giang: Nông dân thu nhập cao từ cây bàng
Nông dân ở khu vực vùng trũng đất phèn ở huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) tập trung phát triển mô hình trồng cây bàng với thu nhập trên 65 triệu đồng/ha. Cây bàng rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và ít sâu bệnh. Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 1 năm, nếu chủ động được nguồn nước thì thời gian có thể rút ngắn hơn. Thương lái đến tận ruộng thu mua bàng với giá 16.000 đồng/neo (loại bàng đạt chiều cao từ 1,3m trở lên), mỗi công cho năng suất 700 neo; mỗi hécta bàng người nông dân đạt thu nhập gần 65 triệu đồng
Thời gian gần đây, nhu cầu bàng nguyên liệu của các nơi khá cao nên nhiều hộ nông dân trong huyện có đất ở khu vực vùng trũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển diện tích bàng. Huyện Tân Phước hiện có khoảng 100ha trồng bàng, tập trung nhiều nhất ở các xã: Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ, Tân Hòa Thành…
H.C.