(SGGPO).- Ngày 27-12, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án nhận - làm môi giới - đưa hối lộ để “giải cứu” xe vi phạm xảy ra tại Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh.
Theo bản án sơ thẩm, sau khi xe đầu kéo biển số 57L-5208 gây tai nạn giao thông với một xe ô tô du lịch, thì Tôn Thất Hòa (sinh năm 1955, ngụ quận 9, Giám đốc DNTN Duy Nguyên) môi giới để Trần Anh Tuấn (SN 1966, ngụ quận 2, Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV VT Tân Hải Phong) “chung chi” cho Huỳnh Minh Đức (SN 1976, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông – Trật tự - Phản ứng nhanh Công an quận Bình Thạnh) 3 triệu đồng. Do vậy chiếc xe đầu kéo này được giải quyết cho lấy ra sớm và không bị tạm giữ giấy phép lái xe. Được sự nhờ vả của em vợ là Nguyễn Đức Đông Anh (SN 1989, ngụ quận Phú Nhuận), Nguyễn Văn Khương (SN 1973, phóng viên Báo Tuổi Trẻ, bút danh Hoàng Khương) cũng đề nghị Tôn Thất Hòa móc nối đưa 15 triệu đồng cho Huỳnh Minh Đức nhằm “giải cứu” chiếc xe mô tô mang biển số 51F6-2435 của Trần Minh Hòa (SN 1991, ngụ quận Phú Nhuận) đang bị tạm giữ do hành vi đua xe mà không phải làm kiểm điểm trước tổ dân phố.
Tháng 9-2012, TAND TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử tuyên phạt Huỳnh Minh Đức 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Nguyễn Văn Khương 4 năm tù, Trần Minh Hòa 5 năm tù, Nguyễn Đức Đông Anh 4 năm tù, Trần Anh Tuấn 1 năm tù cùng về tội “Đưa hối lộ”; Tôn Thất Hòa 2 năm tù về tội “Làm môi giới hối lộ”. Sau phiên xử, trừ bị cáo Tôn Thất Hòa, các bị cáo còn lại đều làm đơn kháng cáo.
Tại phiên xử phúc thẩm, các bị cáo Đức, Tuấn, Minh Hòa, Đông Anh thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã quy kết, xin được giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Khương kháng cáo kêu oan, xin xem xét lại toàn bộ bản án, tuyên bị cáo vô tội, do vậy hội đồng xét xử tập trung thời gian thẩm vấn để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo Khương.
Trước vành móng ngựa, bị cáo Khương thừa nhận việc đưa tiền để nhờ người có chức vụ, quyền hạn giải quyết cho lấy xe vi phạm trong lúc hồ sơ chưa đủ điều kiện giải quyết là sai. Theo lời trình bày của bị cáo Khương, việc đưa 15 triệu đồng cho Đức là nhằm thu thập thông tin cho bài viết về tiêu cực của cảnh sát giao thông, thể hiện qua hai bài viết “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” đăng trên báo Tuổi Trẻ vào ngày 5-7-2011 (viết về việc Đức nhận tiền để giải quyết cho xe đầu kéo biển số 57L-5208 ra sai quy định) và bài viết “Giải cứu xe đua trái phép” (phản ánh việc Đức nhận tiền để trả xe 51F6-2435 cho người vi phạm) đăng vào ngày 10-7-2011. Tuy nhiên, lời khai của bị cáo Đức cho thấy bản chất sự việc không như vậy. Do bị cáo không giữ Giấy đăng ký xe mô tô (cà – vẹt xe) của Trần Minh Hòa nên chỉ có thể trả xe sai phạm chứ không thể trả lại cà – vẹt xe. Sau khi bài viết “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” được đăng lên, Tôn Thất Hòa gọi điện thoại cho biết người viết bài trên chính là người đã đưa 15 triệu đồng để “giải cứu” xe 51F6-2435, đe dọa nếu bị cáo Đức không trả cà – vẹt xe thì báo Tuổi trẻ sẽ đăng bài thứ hai, còn nếu trả lại thì không những không đăng bài mà tác giả sẽ nói giúp với Ban Giám đốc Công an TPHCM xử lý kỷ luật Đức với hình thức nhẹ. Cuộc nói chuyện này được bị cáo Đức ghi âm lại. Bị cáo vẫn không thể trả cà – vẹt xe nên sau đó, bài viết “Giải cứu xe đua trái phép” xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ.
Bị cáo Trần Minh Hòa khai thêm rằng sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ”, có người nhờ bị cáo năn nỉ Hoàng Khương đừng đăng bài khác nữa, bị cáo Khương tuyên bố: “Vậy kêu nó trả giấy tờ đi, trả cà – vẹt xe đây thì còn xét lại”!
Để làm rõ việc đưa tiền cho bị cáo Đức có phải nhằm mục đích tác nghiệp hay không, chủ tọa phiên tòa công bố nội dung cuộc trò chuyện giữa bị cáo Khương với các bị cáo Minh Hòa, Đông Anh được chính bị cáo Khương ghi âm lại. Trong đó, bị cáo Khương có những lời nói như: “Tao lấy CMND cho mày, nhưng còn cà – vẹt xe thì chưa, để tao bắt nó ói tiền ra lại cho mày”, “Có anh ở đây, tụi nó còn đang quỳ lạy mà”, “Chúng mày chuyển địa bàn khác đi, đừng đua ở Bình Thạnh nữa. Không đua chỗ này thì mình đua chỗ khác, có việc gì đâu”… Chủ tọa phiên tòa phân tích: theo quy định của pháp luật, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Lẽ ra bị cáo đã có thể báo cáo sự việc với Trưởng Ban Chính trị - Xã hội, với Ban Biên tập (Báo Tuổi Trẻ TPHCM) từ giai đoạn đưa tiền xong; nhưng bị cáo đã không làm như vậy cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc, Ban Biên tập yêu cầu bị cáo giải trình. Hội đồng xét xử sẽ xem xét bị cáo đưa tiền nhằm mục đích tác nghiệp hay nhằm lý do nào khác.
Lúc 16g30 ngày 27-12, Thẩm phán Quảng Đức Tuyên, Chủ tọa phiên tòa đã tuyên án đối với các bị cáo. Xét thấy bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, không có căn cứ để giảm án nên Hội đồng Xét xử tuyên y án sơ thẩm đối với năm bị cáo.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khương, Hội đồng Xét xử cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo là lợi dụng nghề nghiệp, viết bài vì động cơ cá nhân. Chủ tọa phiên tòa cũng tuyên bố bắt giam bị cáo Khương ngay tại phiên tòa.
ÁI CHÂN