Ngày 19-3, Bộ Ngoại giao Nga đã cáo buộc các nước phương Tây vi phạm cam kết tôn trọng chủ quyền và độc lập chính trị của Ukraine theo thỏa thuận đảm bảo an ninh ký năm 1994. Phía Nga cho rằng phương Tây đã đứng sau, tạo điều kiện để dẫn tới đảo chính lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.
Đức ngần ngại
Theo Sydney Morning Herald, Australia ngày 19-3 tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính cùng lệnh cấm nhập cảnh đối với 12 cá nhân Nga và Ukraine, những người mà Australia cho là đóng vai trò là công cụ để Nga đe dọa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo Reuters, Ngoại trưởng Estonia Urmas Paet ngày 19-3 kêu gọi EU tăng cường trừng phạt đối với Nga, đồng thời cho rằng một trong các biện pháp trừng phạt đầu tiên phải là lệnh cấm vận vũ khí.
Còn theo Business Week, Thủ tướng Đức Merkel không “mặn mà” lắm với việc trừng phạt Nga. Trong số các quốc gia thành viên EU, Đức là đối tác thương mại tích cực nhất của Nga vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung dầu lửa và khí đốt từ Mátxcơva. Năm 2012, Nga cung cấp lượng dầu lửa và khí đốt trị giá 55,4 tỷ USD cho Đức. Giá trị mặt hàng xuất khẩu từ Đức sang Nga cũng xấp xỉ con số trên, khoảng 52,8 tỷ USD, chiếm 31% giá trị xuất khẩu từ EU qua Nga. Giao dịch song phương của hai quốc gia trong năm 2013 là 260 tỷ USD. Hiện có khoảng 6.000 công ty Đức hoạt động tại Nga. Theo tạp chí Đức Spiegel, Nga là nơi Đức đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất. Riêng số nhân công trong công ty sản xuất thiết bị, vật liệu trong ngành xây dựng mà Đức thuê ở các công xưởng Nga là 5.000 người. Tuần trước, Ngân hàng Phát triển nhà nước KfW của Đức đã phải hoãn hợp đồng chuyển 278 triệu USD cho Ngân hàng Vnesheconombank của Nga để chuyển số tiền này đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức đang hoạt động ở Nga.
Bloomberg cho biết xuất khẩu dầu lửa và khí đốt của Nga sang Mỹ và EU năm 2012 trị giá đến 160 tỷ USD. Các nước châu Âu là thành viên của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhập khẩu 32% nhu cầu dầu thô và khí đốt từ Nga năm 2012. Theo ông Jeff Sahadeo, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Carleton (Canada), việc phương Tây ngưng nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga về lý thuyết sẽ khiến Nga thâm hụt nặng nhưng thực tế, người dân phương Tây mới phải là người trả giá.
Vẫn còn cơ hội ngoại giao
Theo AFP, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Đức Merkel ngày 19-3 đã có cuộc điện đàm về sự kiện Tổng thống Nga Putin ký hiệp ước sáp nhập Crimea. Dù cả ông Obama và bà Merkel đều phản đối quyết định trên nhưng cả hai đều nói vẫn còn cách để giải quyết quan hệ ngoại giao giữa Nga với phương Tây. Berlin và Washington khẳng định sẵn sàng đàm phán với Mátxcơva để làm dịu những căng thẳng, dựa trên lợi ích của Nga và Ukraine.
Theo Press Trust of India, tối 18-3, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm cho Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh để khẳng định lập trường của Nga về tình hình Ukraine cũng như về việc ký hiệp ước sáp nhập Crimea. Ông Putin cảm ơn New Delhi đã đưa ra quan điểm khách quan đối với những vấn đề trên. Thủ tướng Manmohan Singh cho rằng ông tôn trọng vấn đề thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế và cùng nhau tích cực tìm giải pháp chính trị và ngoại giao để bảo vệ lợi ích hợp pháp của tất cả các nước trong khu vực, bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài ở châu Âu.
Theo AP, phát biểu trước truyền thông quốc gia, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã lên tiếng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU nhằm vào đồng minh Nga. Ông cho rằng cần có những cuộc đối thoại thay vì sự áp đặt. Trả lời phỏng vấn tờ Neue Zurcher Zeitung cùng ngày, Tổng thống Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết nước này không có kế hoạch tự động áp đặt theo các biện pháp trừng phạt do EU và Mỹ áp đặt chống Nga. Ông Didier Burkhalter nói rằng, Thụy Sĩ có thể đóng vai trò trung gian cho Mỹ, EU với Nga, vốn là những đối tác tốt của Thụy Sĩ.
Ukraine cho phép quân đội dùng bạo lực
Ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Putin, tại Crimea đã có dấu hiệu bùng phát bạo lực. RT cho biết một nhóm người có vũ trang, đeo mặt nạ đã tấn công vào một căn cứ quân sự ở thành phố Simferopol, trung tâm của Crimea làm hai người thiệt mạng. Bộ Quốc phòng Ukraine ngay sau đó đã ra lệnh cho quân đội được sử dụng vũ lực. Thủ tướng lâm thời Ukraine Arseniy Yatsenyuk cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng chính trị đang chuyển sang khủng hoảng quân sự và đổ lỗi cho quân đội Nga đã khiến tình hình phức tạp như hiện tại.
Trong một diễn biến khác, các thành viên đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc đã xông vào hành hung Giám đốc điều hành Đài truyền hình quốc gia Ukraine (NTU) Aleksandr Panteleymonov và yêu cầu ông này viết thư từ chức. Nhóm người này cho rằng NTU đã phát những tin tức mang nội dung chống đối Ukraine. Đoạn clip quay cảnh hành hung cũng đã được phát tán trên mạng.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Tòa án Hiến pháp Nga đã ra phán quyết khẳng định Hiệp ước tiếp nhận CH tự trị Crimea vào thành phần LB Nga với tư cách là một chủ thể phù hợp với Hiến pháp LB Nga. Theo đó, Tổng thống Putin sẽ chuyển hiệp ước trên cho Quốc hội thông qua. Trước đó, Tổng thống Nga đã chuyển cho Hạ viện Nga dự luật về thành lập hai chủ thể mới là CH Crimea và thành phố trực thuộc liên bang Sevastopol. |
NHƯ QUỲNH (tổng hợp)
>> Crimea trở thành một bộ phận không thể tách rời của Nga