Phượng yêu

Phượng yêu

1. Quán nhỏ lề đường, đối diện với một siêu thị điện máy mở nhạc ầm ĩ suốt ngày. Trên vỉa hè, xe gắn máy đậu san sát. Khách ra vô nhộn nhịp: tài xế taxi, bảo vệ cửa hàng, giới buôn bán. Có những khách nhàn rỗi, mượn chủ quán bàn cờ tướng, bày ra ngồi đánh lai rai bên tách cà phê.

Hơn một tháng nay, khoảng chín giờ sáng, giữa hai trang viết tôi thường ra đó ngồi. Nhâm nhi một tách cà phê, một tách trà nóng, trò chuyện dăm câu với cô bé phục vụ, nhìn đường nhìn phố nhìn người một hồi rồi lững thững đi bộ về nhà - như một cách thư giãn trước khi tiếp tục cặm cụi bên bàn viết.

Chỗ tôi ngồi ngay trên vỉa hè, kế một gốc cây cổ thụ, chín giờ mặt trời lên cao nên chủ quán thường che thêm cái dù phía trên bàn khách ngồi.

Sáng nay trời mát, mặt trời còn nấp sau mây, cái dù to có trụ chống đang xếp cánh dựa nấn ná vào vách. Nhờ thế mà tôi có dịp nhìn lên tàng cây xanh trên đầu. Và tôi ngạc nhiên một cách sung sướng khi bắt gặp những chùm hoa đỏ lập lòe trong bóng lá. Hoa phượng.

Minh họa: A.Dũng

Minh họa: A.Dũng

2. Hóa ra lâu nay tôi ngồi dưới tán cây phượng, loài cây mà tôi tin rằng nếu có một khu vườn tôi sẽ trồng nó đầu tiên, mặc dù nhiều người bảo rằng rễ phượng rất khỏe, lại vươn rất xa, có thể ăn sâu và làm nứt nền nhà.

Xưa nay tôi ngưỡng mộ nhiều loài hoa đẹp: hoa hồng đẹp đài các, hoa sen đẹp trang nghiêm, hoa tulíp đẹp rạng rỡ... Nhưng tôi vẫn yêu nhất hoa phượng. Bởi vì đó là loài hoa gắn với một thời học trò hoa mộng.

Hồi tôi đi học, hầu như ngôi trường nào cũng trồng phượng trước sân. Mải học, mải chơi, ve sầu dù chưa về kéo đàn trong lá nhưng thấy cành phượng trước sân trường chớm ra hoa bọn học trò đã biết mùa hè sắp về. Đó là mùa của xa rời bài vở, của chạy nhảy rong chơi, nhưng đó cũng là mùa của chia tay bạn bè, chia tay thầy cô, trường lớp. Chia tay chỉ ba tháng thôi cũng đủ buồn man mác. Nhạc sĩ Thanh Sơn gọi đó là “nỗi buồn hoa phượng” - như tên một bài hát của ông: “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn/ Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương/ Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi/ Phút gần gũi nhau mất rồi/ Tạ từ là hết người ơi”.

“Tạ từ là hết người ơi” nói cho đúng thường chỉ diễn vào năm lớp 9 hoặc lớp 12. Những cuộc chia tay năm cuối cấp bao giờ cũng để lại nhiều dư vị xót xa: Bạn bè chuyển trường, đứa ra thành phố, đứa về phương xa, đứa gia cảnh khó khăn thì nghỉ học ở nhà đỡ đần cho ba mẹ, nhường suất đến trường cho đứa em kế tiếp. Trong những cuốn “lưu bút ngày xanh” bạn bè chuyền tay nhau trước phút chia tay đã thấp thoáng những trang hoen nước mắt.

3. Những cành phượng trong sân trường còn là chứng nhân cho những mối tình học trò ngây ngô, vụng dại. Là loài hoa mà biết bao trái tim mới lớn đã hơn một lần gửi gắm tâm tình. Cậu học trò đa cảm trong tác phẩm Mắt biếc của tôi đã từng cậy nhờ hoa phượng: “Lặng lẽ chiều nay/ Lặng lẽ mùa hè/ Sân trường vắng/ Và lòng tôi cũng vắng/ Muốn tặng em một chùm phượng thắm/ Tôi nhờ mùa hè bẻ hộ tôi”.

Không chỉ Mắt biếc, hình ảnh hoa phượng đã trở đi trở lại nhiều lần trong các cuốn sách khác của tôi: Cô gái đến từ hôm qua, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Lá nằm trong lá..., thậm chí tôi từng dùng hình ảnh của loài hoa này để đặt tên cho một truyện dài: Hạ đỏ.

Trong nhiều tác phẩm, không có cành phượng đó tôi không biết lấy gì để treo lên chiếc áo tuổi thơ. Đó là loài hoa mỗi khi nhìn thấy, tôi luôn bắt gặp mình xốn xang khó tả. Trong một phút trong một giây, màu hoa đó đã thắp lên trong tâm trí tôi những ngọn nến lung linh, soi đường cho kỷ niệm dắt díu nhau về và bày ra trên những trang sách như một thứ bánh rán mà vị ngon của nó luôn được ký ức bảo quản nguyên vẹn qua thời gian.

4. Lúc chúng ta còn bé, hoa phượng gợi đến những cuộc chia tay bạn bè, chia tay thầy cô, chia tay những mối tình đầu. Nhưng dù sao đó vẫn là những cuộc chia tay trong không gian, cơ hội gặp lại người xưa vẫn còn, dẫu là trong hoàn cảnh khác. Nhưng khi năm tháng qua đi, chúng ta càng ngày càng dấn bước sâu vào thế giới người lớn, hoa phượng vô tình gợi đến một cuộc chia tay khác u buồn hơn: chia tay tuổi học trò, chia tay con đường ấu thơ, chia tay kỷ niệm - cuộc chia tay không bao giờ có cơ hội tái hợp. Chuyến tàu thời gian không có vé khứ hồi, sân ga tuổi nhỏ khi ta đã rời đi là vĩnh viễn không có lối quay về.

Có lẽ đó là lý do tại sao mỗi độ hè về, nhìn hoa phượng nở, lòng tôi lại dậy lên nỗi bâng khuâng tiếc nuối.

5. Đến bất cứ thành phố nào vào dịp hè: Vũng Tàu, Đà Nẵng, Hội An, Huế, Hà Nội, Nha Trang..., việc đầu tiên tôi làm khi đi ngoài phố là dáo dác tìm xem con đường nào có nhiều hoa phượng. Tìm được rồi, bằng mọi giá tôi luôn tìm cách đi qua con đường đó mỗi ngày dù vì vậy mà đường về chỗ ở xa hơn nhiều lần.

Gần đây, tờ báo nơi tôi đang công tác dời trụ sở về Chợ Lớn trong khi chờ cơ ngơi cũ xây mới. Tuyệt làm sao, tòa nhà nằm cạnh một cây phượng xum xuê. Có lẽ đó là một trong những cây phượng lâu đời nhất Sài Gòn. Cứ sang hè là hoa đỏ phủ rợp khoảng sân gạch trên tầng thượng. Ngồi họp trong phòng, bao giờ tôi cũng tìm cách lẻn ra ngoài đứng dán mắt hàng giờ lên những chùm phượng đỏ, chỉ để lắng nghe quá khứ vọng về.

Có lần tôi nhặt một cánh hoa bỏ trong túi áo. Có đồng nghiệp trông thấy, tỏ vẻ ngạc nhiên. Xưa nay người ta chỉ bỏ trong túi áo hoa dủ dẻ, hoa lài, hoa ngâu - những loài hoa ngát hương.

Tôi lặng lẽ đem cánh hoa về nhà đặt trên bàn viết. Để sung sướng ngắm. Và để bồi hồi hạ bút: “Nhụy hoa phượng có cọng dài và mảnh, đầu hình hạt gạo, màu nâu. Trẻ con bọn tôi hay chơi trò đá gà bằng nhụy hoa phượng. Hai con gà là hai cái nhụy móc đầu vào nhau, giựt mạnh, đầu gà nào đứt trước là gà đó thua”. Đoạn văn mô tả trò chơi tuổi nhỏ này trong tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trong cỏ xanh, như thế đã được tôi viết ra trong một trưa hè, với cánh hoa học trò đang phập phồng trước mặt.

Hồi bé, bọn học trò chúng tôi vẫn thích trò ép hoa vào sách để lưu giữ kỷ niệm. Bây giờ, dùng những con chữ “vẽ” cánh hoa phượng lên trang văn, đó là cách “ép hoa vào sách” theo kiểu của tôi - một người lúc nào cũng ao ước sống mãi tuổi mười lăm mà tiếc thay thời gian đã lăn bánh mất rồi! 

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục