Những năm đời sống còn khó khăn, nhiều đồng bào ở làng Plei Chan (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, Gia Lai) bị kẻ xấu xúi giục vượt biên tìm thiên đường ở vùng trời khác. Song những người ở lại với sự tiếp sức của Công ty 72, đã khẳng định không nơi đâu hạnh phúc bằng quê hương mình...
Nghèo khó chỉ còn là hoài niệm
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây gần 200 triệu đồng, già làng Siu Blik mở đầu câu chuyện: Làng mình có 281 hộ, 1.042 khẩu, hầu hết là người J’rai. Trước đây, đời sống bà con khổ cực lắm. Ruộng nước chưa có, quanh năm chỉ biết phát rẫy, đốt nương, trồng lúa, mì, bắp, sống tạm bợ qua ngày. Năm nào Yàng thương, mưa nắng thuận hòa, cây lúa, cây bắp nhiều hạt, con chim, con chuột không phá thì có cái ăn. Năm nào nắng mưa thất thường, mất mùa, công sức cả năm xem như đổ bỏ. Bệnh tật không có thuốc chữa trị, chỉ trông chờ vào cúng bái, cầu khấn. Trẻ con rất ít đứa theo học, bởi trường ở xa. Cho dù trường có gần nhà cũng chịu thôi, cái bụng chưa no mà, chúng còn phải theo cha mẹ lên núi, lên rừng kiếm cái ăn.
Già làng tiếp tục: Dân làng mình ai cũng nhớ mùa giáp hạt năm 1985, trong lúc bà con đang lên rừng, xuống suối kiếm cái ăn, thì bộ đội Công ty 72 (Binh đoàn 15 thuộc Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn Tây Nguyên) về đây, họ tổ chức phát, dọn đất hoang trồng lứa cao su đầu tiên trên vùng đất này.
Vừa vận động người dân vào làm công nhân, vừa làm đường, xây trường học và hỗ trợ lương thực, vật liệu cho dân làm nhà... Dân có được cái ăn mừng lắm nhưng khi nghe cán bộ nói trồng cao su phải sau 7 năm mới cho thu hoạch, nhiều người tỏ ra nghi ngại vì chờ đợi lâu quá. Tuy nhiên, cứ vào làm công nhân để được cấp gạo ăn chống đói trước đã. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhiều người không thích nghi đã bỏ công ty, quay về nhà làm rẫy, không ít người vào tận rừng sâu đào đãi vàng…
Rơ Mal Bơm - một trong những công nhân đầu tiên của Plei Chan tiếp lời già làng: Năm 1988, phong trào đãi vàng bên suối Ia Púch (huyện Chư Prông bây giờ) hút hết thanh niên trai tráng làng Plei Chan. Mình vừa đi học chính trị về thì một cán bộ công ty xuống bảo: “Anh Bơm, anh có học rồi phải làm sao gọi bà con trở lại làm công nhân đi. Vàng đãi nhiều rồi có lúc cũng hết, về đây làm “vàng trắng” đến đời con, đời cháu mình cũng không hết. Tôi xin giấy giới thiệu của công ty qua xã Ia Púch kêu gọi bà con trở lại. Ở đó, tôi thấy nhiều người đang sống lay lắt, bệnh tật. Do đó, dù chỉ ít lời nhưng nhiều người đã nghe theo, quay về làm công nhân, tuy khó nhọc nhưng vẫn đỡ cơ cực và đói rét hơn ở bãi vàng. Bây giờ nhiều người làm ăn khấm khá, họ vẫn còn nhớ ơn tôi”.
Plei Chan còn một “cơn sóng” khác, gần chục năm trước, khi hạ tầng ở đây còn khó khăn, bọn xấu đã lợi dụng kích động kêu gọi, lôi kéo gần trăm người bỏ quê đi tìm thiên đường ở chân trời khác. Không ít người sau khi nhận ra thực tế phũ phàng ở các trại tị nạn, đã quay trở về. Nhìn thấy quê hương đổi mới, họ tỏ ra ân hận vô cùng. Rơ Lan Ben trước đây là công nhân Công ty 72 cũng bị xúi giục trốn đi, đến khi trở về, chỗ làm của anh không còn nữa, song vườn cây của anh được Công ty 72 thương tình giao lại cho đứa con. Bây giờ Ben ân hận vô cùng, cứ trách cái tai mình không hiểu sao lại nghe lời xằng bậy, cũng may bộ đội vẫn còn thương nhà mình…
Đua nhau làm giàu
Plei Chan chỉ cách nước bạn Campuchia một tầm mắt, đi bộ chỉ chừng “một quăng rựa” là tới. Là vùng sâu vùng xa nên điện, đường, trường, trạm… về chậm hơn nơi khác. Tuy nhiên, bây giờ về Plei Chan, chúng tôi cảm nhận một cuộc sống đang trở mình. Con đường làng tráng nhựa bằng phẳng, những hàng trụ điện thẳng tắp chẳng khác gì ở phố. Nhiều căn biệt thự trị giá năm ba trăm triệu đồng đua nhau mọc lên. Người dân ai cũng ý thức đến việc xây nhà, rào vườn, chăm chút cho sạch đẹp. Rồi những chiếc xe máy như Attila Elizabeth, Air Blade… cũng không còn lạ lùng.
Anh Ksor Găn (33 tuổi) khoe: “Mình mới đóng bộ bàn ghế 70 triệu đồng bằng tiền vượt khoán mủ cao su năm vừa rồi đấy”. Nhà Găn chỉ có 4 người mà có tới 6 chiếc xe máy. Bố Găn có 1 xe đi làm, 1 xe đi chơi, em vợ cũng 1 xe đi làm 1 xe đi chơi, vợ chồng Găn cũng thế, xe đi chơi nào cũng thuộc loại xịn mà nhiều người ở phố vẫn còn mơ ước. 5 năm liền, Găn được bầu là “Thanh niên tiêu biểu” và tuyển thủ “Bàn tay vàng” của Công ty 72. Thu nhập của anh từ tiền làm công nhân, trồng cà phê, sắn lên đến gần 400 triệu đồng trong năm 2010. Gia đình trẻ ở Plei Chan thu 200 triệu đồng/hộ trở lên ngày càng nhiều, họ đang đua nhau làm giàu.
Đại tá Phạm Văn Nguyên, Giám đốc Công ty 72 hồ hởi khoe: Plei Chan thuộc đội 711 của công ty, có 141 công nhân, 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều công nhân có mức thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Những năm qua, cán bộ công ty đã giúp dân ngoài việc trồng, chăm sóc khai thác cao su còn tăng gia cà phê, mì, lúa nước… Nhà trẻ, mẫu giáo của làng với 100% cô giáo là người dân tộc thiểu số, được công ty trả lương. Các cháu được chăm sóc miễn phí và hỗ trợ 10.000 đồng/cháu/ngày, nên công nhân yên tâm làm việc. Thu nhập trung bình của các hộ dân trong làng đạt trên 100 triệu đồng/năm, có 30% số hộ thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhiều hộ có nhà xây kiên cố với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt như ti vi, tủ lạnh, bếp gas, xe máy. Đã có những hộ đang ý tưởng mua xe hơi nữa đó.
Kinh tế phát triển, nhiều hủ tục lạc hậu được bà con loại bỏ. Với người J’rai ở Plei Chan, quá khứ nghèo đói giờ chỉ còn là hoài niệm. Từ chuyện lo cái ăn hàng ngày, rồi đến ăn no mặc ấm, giờ đây, bà con đang hướng tới ăn ngon mặc đẹp, làm giàu. Siu H’Biên (26 tuổi) có chồng làm công nhân và nhiều năm liền là “Chiến sĩ thi đua” của Công ty 72, nói: “Bây giờ thanh niên ở đây có mời họ cũng chẳng đi vượt biên, bởi không ở đâu sướng hơn quê hương mình”.
Ngọc Linh