
Theo số liệu thống kê của các hãng kinh doanh gas, hiện cả nước có khoảng 6 triệu bình gas đang lưu thông trên thị trường. Trong số đó, có khoảng 1,2 triệu bình gas của các công ty đang bị chiếm dụng để sang chiết gas bất hợp pháp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hơn 83 tỷ đồng.
- 1,2 triệu bình gas giả đang bị thả nổi

Bình gas đã bị cạo toàn bộ các thông số kỹ thuật, mở niêm van, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Lúc 22 giờ ngày 29-10, PV Báo SGGP đã nhận điện thoại của ông Lê Phúc Đại, Tổ trưởng tổ Thị trường và Quản lý khách hàng, thuộc Phòng Kinh doanh Saigon Petro (SP gas), mô tả hiện trường vụ sang chiết gas giả với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, đó là Trạm sang chiết Sun gas (thuộc Công ty TNHH Miền Đông, Lâm Đồng) ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Ngay sau đó, có 5 hãng kinh doanh gas khác gọi điện thoại phản ánh về vụ việc này với thái độ hết sức bức xúc. Hiện trường có 247 bình gas loại 12kg-13kg và 158 bình gas loại 45 kg đã được nạp đầy gas và đóng các màng co giả, làm giả các thương hiệu Petrolimex, V-gas, Elf gas, Uniq gas, Petro VN, Shell gas, Saigon Petro...
Ngoài ra, còn có 464 vỏ bình gas của rất nhiều hãng khác đã bị mài mòn thương hiệu, cắt tay xách hoặc giữ nguyên thương hiệu nhưng tháo hết van an toàn cùng hàng ngàn tay xách bình gas đã bị cắt rời. Đây là kết quả phát hiện của Đội QLTT số 2 Lâm Đồng và Công an huyện Đức Trọng phối hợp trinh sát trong suốt thời gian dài.
Theo ông Đại, từ trước đến nay, các vụ việc vi phạm bị phát hiện mới chỉ dừng ở mức sử dụng bình của các hãng, chiết nạp gas rồi đưa ra tiêu thụ. Nhưng vụ việc này, các cơ quan chức năng đã bắt quả tang Sun gas dùng thủ đoạn chiếm dụng bình gas của các thương hiệu có uy tín rồi mài mòn các thông số kỹ thuật trên bình gas, cắt tay xách, cắt đế bình, mở niêm van… Cách làm này cực kỳ nguy hiểm bởi vỏ bình đã bị thay đổi kết cấu do mài mòn, bị gõ đập để cắt tay xách trong khi bình gas dạng này lại không được kiểm tra, kiểm định định kỳ. Mặt khác, sang chiết gas trái phép thường làm gấp gáp nên áp lực bị nén rất cao.
Cũng theo ông Đại, cách làm của Sun gas đã làm số seri bình bị hủy hoàn toàn, không ai có thể kiểm tra được, do vậy nguy cơ dẫn đến cháy nổ là rất cao. Qua vụ việc này, hầu hết các hãng bị chiếm dụng bình đều kiến nghị, cần phải ngăn chặn kịp thời, nếu không trong thời gian tới, Lâm Đồng sẽ tràn ngập bình Sun gas; đồng thời, phải thực hiện xử lý hình sự trạm sang chiết này. Đây chỉ là một trong những vụ sang chiết gas bất hợp pháp điển hình trong hàng trăm vụ vi phạm.
Trước nạn chiếm dụng bình, sang chiết gas tràn lan, nhiều công ty đã kiểm tra tại các đại lý, cửa hàng kinh doanh gas. Kết quả, có đến gần 80% đại lý của nhiều hãng có bán gas giả, nhái xen lẫn với hàng chính hiệu!?
- Người tiêu dùng thiệt hại, nhà nước thất thu
Sang chiết gas trái phép được thực hiện dưới hai hình thức: tại các cửa hàng gas, hộ gia đình thường chiết gas từ bình 45 kg vào các bình 12 kg hoặc bình gas du lịch và tại các trạm sang chiết của các hãng kinh doanh không có hoặc có giấy phép kinh doanh. Trình độ làm màng co giả và tem giả (tem chống hàng giả của các hãng) cũng rất tinh vi, giống tem thật. Nhiều trường hợp bị phát hiện, nếu nhân viên của các công ty gas chính hiệu không “thủ” theo tem để đối phó thì sẽ rất khó phân biệt, đối chiếu với tem giả.
Chiết nạp gas trái phép thường đi kèm với việc thiếu trọng lượng ở mỗi bình từ 1-2kg, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Giá bán gas thực chất đã bao gồm VAT mà người tiêu dùng đã nộp, song khi các điểm sang chiết trái phép bán ra thì không có chứng từ, hóa đơn. Theo thống kê của các công ty gas, lượng vỏ bình của các hãng đang bị chiếm dụng khoảng từ 20%-30%. Như vậy, với số lượng vỏ bình gas cả nước vào khoảng 6 triệu bình, thì thất thu mỗi năm khoảng: 20% x 6.000.000 bình x 12kg x 11.666đ/kg x 10%VAT x 5 vòng quay/năm = 83.995.200.000 đồng.
- Ngăn chặn cách nào?
Theo bà Trần Bích Dương, Đội phó Đội QLTT 3A, nạn sang chiết gas trái phép đang diễn ra trên diện rộng, với nhiều thủ đoạn nghiêm trọng. Nhưng việc kiểm tra lại không đơn giản, bởi hầu hết trường hợp vi phạm đều có giấy phép đăng ký kinh doanh nhưng vẫn chiếm dụng bình của các hãng để sang chiết bất hợp pháp. Hoạt động chiết nạp thường diễn ra vào ban đêm, ở xa thành phố và đặc thù của nó là làm đến đâu tiêu thụ đến đó, nên rất khó bắt được quả tang. Trong khi đó, chúng ta chưa có biện pháp ngăn chặn một cách hữu hiệu, chưa có quy định cụ thể đối với các đơn vị sang chiết gas. Các văn bản xử lý chưa khả thi.
Nhiều ý kiến cho rằng để ngăn chặn và chấn chỉnh ngay những bất cập trong quản lý và kinh doanh gas, các bộ, ngành cần sớm ban hành các văn bản pháp quy về điều kiện kinh doanh cho các trạm chiết nạp gas, cần nêu rõ quy mô trạm, nạp, sức tồn chứa gas, số lượng vỏ bình gas tương ứng với quy mô đăng ký thương hiệu với cơ quan chức năng.
Nếu không có khả năng đầu tư vỏ bình thì không cấp phép hoạt động. Cần quy định xử lý rõ các mức độ vi phạm từ nhắc nhở, xử phạt hành chính, rút giấy phép, truy tố theo quy định pháp luật. Các hãng gas cũng đề nghị Bộ Tài chính cho phép các hãng gas trích thưởng trực tiếp cho các cơ quan chức năng, phát hiện xử lý các trường hợp chiếm dụng bình trái phép 50.000đ/bình trên số lượng bình đã bị tịch thu…
Với các DN cần tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu rõ về an toàn, phân biệt được các thiết bị, phụ kiện gas đảm bảo an toàn và từ chối mua các sản phẩm vi phạm trên thị trường.
THÚY HẢI