Tại phiên họp Chính phủ về dự án Luật Dược sửa đổi mới đây, Thủ tướng Chính phủ không khỏi bức xúc vì giá thuốc quá cao và là gánh nặng rất lớn cho người bệnh nói riêng và người dân nói chung. Thế nhưng, cũng tại phiên họp này, “quả bóng” trách nhiệm quản lý giá thuốc lại được đem ra… đá!
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngành y tế không đủ chuyên môn quản lý giá mà phải giao Bộ Tài chính mới đúng! Theo Bộ Y tế, việc quản lý giá thuốc chuyển qua Bộ Tài chính để chịu trách nhiệm đầu mối về giá trước Chính phủ nhằm tránh tình trạng để Bộ Y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi” như hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã từ chối với lý do bộ này không am hiểu chuyên môn.
Phải khẳng định rằng, giá thuốc và quản lý giá thuốc từ nhiều năm qua đã làm hao tốn không biết bao cuộc họp từ trung ương đến địa phương. Ngay cả khi có Luật Dược 2005, rồi nào nghị định, thông tư… nhưng giá thuốc vẫn như con ngựa bất kham. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng từng ghi nhận thực tế giá thuốc tăng liên tục khiến người bệnh chịu không xiết, nhưng báo cáo của cơ quan quản lý thì luôn cho rằng, xét về chỉ số giá tiêu dùng của các mặt hàng thiết yếu thì giá thuốc vẫn đứng sau các mặt hàng khác! Cục Quản lý dược cũng phân trần rằng, nguyên tắc quản lý giá thuốc là “các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, buôn bán tự định giá, cạnh tranh về giá và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật…”, còn cụ thể thì “không thể sử dụng các biện pháp hành chính để “buộc” giá thuốc đứng yên…”.
Mặc dù một số quy định gần đây có cải thiện đáng kể trong quản lý giá thuốc, nhất là Thông tư 01 và Thông tư 11 về hướng dẫn đấu thầu thuốc vào bệnh viện đã phần nào hạn chế tình trạng giá thuốc mỗi bệnh viện trúng thầu mỗi giá. Tuy nhiên, giá thuốc trên thị trường tự do, các loại thuốc mới, thuốc chuyên khoa, biệt dược độc quyền vẫn “nhảy múa”. Vì vậy, đã đến lúc cần xem xét một cách nghiêm túc hơn về việc quản lý giá thuốc. Đó là phải có những quyết sách, cơ chế, quy định một cách rõ ràng và chặt chẽ để bình ổn giá thuốc một cách hợp lý. Đối với thuốc nhập khẩu, nhất là thuốc biệt dược phải quy định thặng số bán buôn, bán lẻ toàn chặng trên cơ sở giá nhập khẩu về cảng (giá CIF). Có nghĩa cơ quan quản lý phải “trả giá” trước cho người bệnh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng “làm giá” từ nước ngoài, cơ quan quản lý phải có hội đồng xét duyệt công tâm, phải tra cứu thông tin thị trường “bảo đảm giá thuốc không cao hơn giá thuốc tại các nước trong khu vực có điều kiện y tế, thương mại tương tự như Việt Nam” mà Luật Dược đã quy định. Đối với thuốc nội, khi muốn kê khai giá hoặc kê khai lại giá, hội đồng xét duyệt phải căn cứ tình hình thực tế của thị trường để cho tăng hoặc giảm nhưng nếu tăng thì thặng số không được cao hơn mức quy định. Nghĩa là phải có bàn tay can thiệp của Nhà nước chứ không thể để mặc thị trường giá thuốc tự do. Điều đáng nói là đối với thuốc mà BHYT chi trả thì BHXH phải có trách nhiệm mua thuốc với giá hợp lý nhất, phải “trả giá” trước cho bệnh nhân để mỗi năm không phải thâm hụt quỹ. Mặt khác, với 22.000 danh mục thuốc đang bày bán trên thị trường, nhưng xét ra chỉ có khoảng 500 danh mục là thuốc thiết yếu, được người dân thường xuyên sử dụng. Do vậy, chỉ nên tập trung siết chặt danh mục thuốc thiết yếu thay vì ôm đồm một thị trường bát nháo.
Chung quy lại, liệu có nên chuyển việc quản lý giá thuốc cho Bộ Tài chính, trong khi thuốc lại gắn liền với Bộ Y tế! Hơn nữa, chính Bộ Y tế lại quản cả ngàn bệnh viện công, là nơi tiêu thụ thuốc, thì không cớ gì “đẩy” cho Bộ Tài chính. Hơn nữa, cần có những chế tài mạnh hơn đối với thị trường dược. Kiên quyết rút giấy phép, số đăng ký đối với những công ty dược vi phạm về giá thuốc. Đồng thời có cơ chế khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn cho ngành dược trong nước phát triển.
QUỲNH CHI