Từ một chợ làng chuyên thu gom, mua bán các loại gia cầm ở khắp nơi về, chợ Hà Vỹ đã được đầu tư thành một chợ gia cầm quy mô lớn nhất nước hiện nay. Thế nhưng sau khi khánh thành, chợ tiền tỷ lại lắt lay hoạt động, bà con tiểu thương kêu ca vì nảy sinh nhiều bất tiện.
Dấu hiệu “sang tay”
Chợ gia cầm Hà Vỹ nằm ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25km về phía Nam. Do chợ cũ quá tải, gây ô nhiễm môi trường, nên năm 2006, dự án xây chợ gia cầm mới, hiện đại đã được phê duyệt và tới năm 2009 lại được điều chỉnh quy mô để trở thành chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc và cả nước với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 35 tỷ đồng.
Từ tháng 6-2011 vừa qua, chợ mới bắt đầu đưa vào sử dụng. Các tiểu thương được chuyển từ chợ cũ sang chợ mới và mỗi người chỉ được thuê một gian hàng. Theo ông Lê Ngọc Ánh, Phó Ban quản lý chợ Hà Vỹ, giá thuê đang áp dụng là 110 triệu đồng/gian trong 10 năm. Ông Ánh khẳng định, hiện tất cả 162 gian hàng đều có chủ. Tuy nhiên, theo ông L.C.P, một chủ kinh doanh gia cầm lớn ở chợ tiết lộ, thực tế có rất nhiều gian hàng vẫn bỏ không, suốt ngày khóa cửa im ỉm. Nhiều gian hàng mặc dù đã có chủ, song chủ không hề có nhu cầu kinh doanh gia cầm hoặc là suất của con em cán bộ địa phương “xí phần”, sau đó đã “sang tay” với giá lên tới 200-230 triệu đồng/gian để hưởng chênh lệch hoặc cho thuê lại với giá 3 triệu đồng/tháng.
Ế ẩm
Tuy nhiên theo các tiểu thương, việc buôn bán ở chợ mới gặp nhiều khó khăn, bất tiện hơn trước. Khách cũng vắng hẳn. Tầm 9-10 giờ sáng, chợ khá đìu hiu, chỉ có khoảng 20-30 gian còn mở cửa.
Bà con tiểu thương giãi bày, chợ xây tiền tỷ nhưng quy hoạch bất tiện. Cụ thể, chợ được phân thành hai lô riêng cho thủy cầm và gia cầm. Ở giữa có làn dành riêng cho xe vào giao hàng và khu kiểm soát, kiểm dịch. Nhưng chủ đầu tư đã cho xây các bức tường ngăn cách, phân xé chợ thành ba mảnh không liên kết được với nhau. Đã vậy, ở cuối chợ, lẽ ra có đường để đi liên thông giữa các lô nhưng vì mục đích tăng thêm các gian hàng cho thuê, chủ đầu tư đã “phá” quy hoạch, xây thêm hai dãy ki ốt chặn mất đường đi lại. “Quy hoạch ban đầu của chợ chỉ có 120 gian hàng nhưng hiện nay đã có thêm 42 gian”- một tiểu thương khác tiết lộ.
Do vậy, chợ Hà Vỹ mới bị “xé” thành ba cổng độc lập. Chủ và khách muốn đi lại giữa các lô để thu gom hàng, trao đổi đều phải đánh xe ngược trở ra ngoài đường mới sang được. Cũng vì bất tiện nên hầu như các chủ buôn thủy cầm không đưa hàng vào chợ mà mỗi khi xe hàng về lại lùa ngan, vịt ra các lán trại của mình bên ngoài, hoặc bày bán ngay hai bên đường vào làng. Vì thế, ở khu thủy cầm gồm 81 gian xây xong gần như đóng cửa suốt ngày đêm...
Theo quy hoạch, chợ Hà Vỹ được xây dựng theo kiểu mẫu của Đài Loan, được đánh giá là chợ lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Theo đó, chợ bao gồm các khu nhà nhốt gia cầm sống, nhà xưởng giết mổ công nghiệp với hệ thống máy móc, thiết bị giết mổ và kho làm lạnh để bảo quản... Nhưng thực tế, chợ chỉ xây dựng đơn giản. Ngay cả khu vực tập kết, xử lý rác thải, nước thải cũng không có. Vì thế, vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, dịch cúm gia cầm.
Văn Phúc Hậu