Qua sông phải lụy đò

Một tháng trước kỳ họp quan trọng của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á, Singapore tiếp tục đưa ra tuyên bố sẽ loại bỏ các môn cử tạ, cầu mây và đặc biệt là bóng đá nữ khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 28 diễn ra vào năm tới.

Vài tháng trước, cũng chính Singapore khiến làng thể thao khu vực nhốn nháo khi khẳng định vật và karatedo, thậm chí cả môn bóng chuyền không nằm trong kế hoạch của họ, bất chấp hai trong số đó thuộc hệ thống thi đấu chuẩn của Olympic hiện đại, chưa có nền thể thao tiên tiến nào loại chúng khỏi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Nghịch lý đó chỉ có thể xảy ra ở Đông Nam Á - vùng trũng của thể thao thế giới. Dẫu không muốn quy chụp cho nền thể thao khu vực cái danh xưng “xấu hổ” đó, nhưng cũng chẳng quốc gia nào phản đối nếu một ai đó buột miệng nói ra như vậy.

Thực tế đã chứng minh, thể thao Đông Nam Á suốt chiều dài lịch sử vẫn luôn tồn tại những điều bất hợp lý. Nhưng giới làm nghề không sốc, vì họ quen với kiểu cách làm việc xin - cho đặc trưng ở “vùng trũng” mất rồi.

Không chỉ Singapore, bất kỳ quốc gia nào ở Đông Nam Á khi nhận quyền đăng cai SEA Games đều có quyền điều khiển cuộc chơi, tùy ý thêm hoặc bớt môn thể thao phù hợp với năng lực cạnh tranh thành tích của mình.

Rất rõ ràng, đối với nhiều nước, những môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic không quan trọng bằng ý thích của mình. Đấy là lý do, nhiều ủy viên của Ủy ban Olympic thế giới vẫn lắc đầu, cười trừ mỗi khi được đề nghị đánh giá về sự tiến bộ và sức vươn của thể thao Đông Nam Á. Họ quen với khuôn mẫu: thành tích của những môn thuộc Olympic chính là để đánh giá sự phát triển thực sự của một nền thể thao, chứ không phải căn cứ vào số lượng môn thi, số lượng huy chương giành được.

Thể thao thế giới có thể không dám làm, song ở “vùng trũng”, đấy lại là điều quá đỗi bình thường. Vì hầu như giới chức thể thao Đông Nam Á thừa hiểu ngay sau tuyên bố của nước chủ nhà SEA Games, họ sẽ nháo nhào lao vào một cuộc chạy đua để vận động hành lang, tìm cách “lobby” để đưa bằng được môn thể thao sở trường hoặc có tính truyền thống dân tộc của mình vào chương trình thi đấu. Hay nói theo cách khác, thì đấy là câu chuyện “muốn qua sông phải lụy đò !”.

Đừng lấy làm ngạc nhiên nếu như trong số 36 môn thi đấu ở SEA Games 28 mà Singapore đăng cai, lại thiếu mất vài môn thuộc Olympic, như vật, cử tạ, bóng chuyền, bóng đá nữ, rowing. Thay vào đó sẽ là bóng mềm, lướt ván, bowling, silat…

Muốn niêm yết tên trong chương trình thi đấu, thì đấy, nước chủ nhà đã “bật đèn xanh” để giới chức thể thao khu vực tìm đến với họ, thỏa hiệp được (chủ yếu là vấn đề chia chác huy chương, quyền lợi tài trợ, vị trí trên bảng tổng sắp…) thì sẽ thống nhất đưa vào, bằng ngược lại thì cắt hẳn không luyến tiếc.

o0o

Tư duy quá ư nghiệp dư của thể thao Đông Nam Á - nơi mà người ta lâu nay vẫn ví von là “vùng trũng” - quả rất khó cải cách. Bằng chứng là sau tuyên bố loại bóng đá nữ, cử tạ và cầu mây khỏi SEA Games 28, dù bức xúc lắm, nhưng chắc chắn các quốc gia mạnh ở những môn này như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Myanmar đang phải đôn đáo “chạy thuốc” thuyết phục nước chủ nhà… suy nghĩ lại.

Còn 1 tháng trước thềm hội nghị Liên đoàn thể thao Đông Nam Á (tháng 4), vô tình Singapore đã tạo nên một cuộc tranh cãi lớn và cả con sóng ngầm trong làng thể thao khu vực.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục