Qua vụ “sốt” giá gạo, nhìn lại vai trò điều phối thị trường

Có thể nói, đến nay, tình hình “sốt” giá gạo đã chấm dứt khi giá gạo ở hầu hết các nơi trên thị trường đã quay về “vị trí cũ”. Cũng còn vài nơi, người bán chần chừ chưa chịu xuống giá cũ, nhưng theo dự báo thì hiện tượng này chỉ tồn tại cao lắm là 1, 2 ngày nữa do người tiêu dùng đã chọn siêu thị và các cửa hàng thuộc các doanh nghiệp nhà nước - nơi giá gạo không tăng.

Dự báo này càng có cơ sở khi mới đây trao đổi với báo giới, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam Trương Thanh Phong cho biết các hội viên thuộc hiệp hội đã cam kết sẽ không để xảy ra cơn “sốt” gạo lần 2 bằng việc khống chế giá gạo theo từng khu vực, cao nhất cũng chỉ bằng giá gạo từ đầu tháng 3.

Tuy khó có thể thống kê thiệt hại của người dân trong cơn “sốt” gạo vừa qua nhưng những ngày quay quắt với giá gạo đã lộ ra nhiều vấn đề cần được mổ xẻ tới nơi tới chốn.
 
Trước hết, vẫn là việc thiếu chủ động, thờ ơ với diễn biến thị trường của các ngành chức năng. Ở TPHCM, điều này đã được Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đề cập đến tại cuộc họp về tình hình thị trường gạo vào ngày 29-4.

Theo ông, các ngành, doanh nghiệp đã chậm chân trong xử lý tình huống “sốt” gạo, bởi nếu việc hợp sức dập tắt tin đồn, cung ứng gạo cho các siêu thị được thực hiện kịp thời hơn thì “sốt” gạo đã sớm được “hạ nhiệt” và chắc chắn không lan tỏa nhanh như vậy. Kế đến, việc để những tin đồn vô lý tồn tại (như tin đồng bằng sông Cửu Long cạn gạo) rõ ràng là trách nhiệm của chính quyền cơ sở, của hệ thống thông tin tuyên truyền, đặc biệt là của các cơ quan truyền thông.

Tiếp đó phải khẳng định là thái độ thiếu kiên quyết của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường trong thời gian qua chính là mảnh đất màu mỡ cho hành vi đầu cơ trục lợi phát triển. Ngay trong vụ “sốt” gạo lần này, nguyên nhân chính được nhiều cơ quan chức năng đưa ra là do việc đầu cơ, găm hàng nhưng đến nay, vẫn chưa thấy trường hợp nào bị xử lý.

Đại diện Bộ Công thương đã khẳng định với báo chí rằng chưa phát hiện doanh nghiệp đầu cơ, còn các cửa hàng nhỏ lẻ thì có thể “găm một chút” nhưng không đáng kể và không kiểm tra được.

Hiện nay, ngành quản lý thị trường chỉ có thể kiểm tra việc niêm yết giá và răn đe, khuyến cáo không được đầu cơ (!?).

Nhưng những vấn đề trên, có thể nói chỉ là cái ngọn của vấn đề. Cái gốc nằm ở việc điều tiết thị trường bằng các kênh phân phối của ta quá kém cỏi. Ngay chính Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương Hoàng Thọ Xuân cũng cho rằng hiện nay, thị trường rất dễ bị tổn thương khi có những biến động.

Vì sao? Theo ông, mạng lưới bán lẻ của ta đông nhưng rời rạc, tản mác, không được tổ chức, thiết kế thành những hệ thống chuyên nghiệp. Cả tổ chức và hoạt động của nó đều nằm ngoài sự kiểm soát. Tình hình này không chỉ xảy ra với kênh phân phối gạo mà với rất nhiều mặt hàng khác. Đáng sợ là do không có tổ chức đủ sức mạnh chi phối nên khi có biến động thì rất khó kiểm soát tình hình, muốn bình ổn cũng cần thời gian dài.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam Trương Thanh Phong cho rằng chính quy định các doanh nghiệp kinh doanh gạo phải chịu mức 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) khi bán nội địa đã làm cho hệ thống đại lý bán lẻ của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội teo tóp dần vì không thể cạnh tranh lại các cửa hàng tư nhân.

Trong khi đó, giá cả tại các cửa hàng gạo tư nhân hiện nay gần như bị thả nổi, giá cùng một loại gạo có khi chênh nhau đến vài ngàn đồng ở các cửa hàng. Người dân cũng không thể biết giá nào là giá đúng của thị trường vì không có nơi nào làm chuẩn để so sánh. Hệ thống kho bãi cho các kênh phân phối cũng là một vấn đề nan giải.

Trong cơn “sốt” gạo vừa qua, các doanh nghiệp mới giật mình khi không có kho để dự trữ hàng hóa lưu thông (hiện nay, hầu hết các địa phương chỉ có kho dự trữ lương thực phòng thiên tai) nên muốn “đổ” gạo về để bình ổn tình hình cũng không thể thực hiện gấp được.
 
Vì thế, việc hoàn thiện hệ thống phân phối chủ lực nhằm đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của thị trường trong nước là việc làm vô cùng cấp bách. Chúng ta tôn trọng quy luật cung cầu của thị trường nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc thả nổi thị trường, nhất là với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là gạo.
 

H.UYÊN

Tin cùng chuyên mục