Quận 7, Nhà Bè lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường bằng giải pháp hài hòa lợi ích

“Quận áp dụng tất cả biện pháp để không chỉ “lấy lại” vỉa hè cho người đi bộ mà còn không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân hai bên đường. Trả lại vỉa hè cho người đi bộ, nếu hộ kinh doanh không có chỗ để xe, quận sẽ tìm giải pháp thay thế giúp các hộ dân”, ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết vào chiều 15-3.

(SGGPO).- “Quận áp dụng tất cả biện pháp để không chỉ “lấy lại” vỉa hè cho người đi bộ mà còn không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân hai bên đường. Trả lại vỉa hè cho người đi bộ, nếu hộ kinh doanh không có chỗ để xe, quận sẽ tìm giải pháp thay thế giúp các hộ dân”, ông Đào Gia Vượng, Phó Chủ tịch UBND quận 7 cho biết vào chiều 15-3.

Người dân tự tháo dỡ phần lấn chiếm

Gợi ý giải pháp thay thế

Theo ông Đào Gia Vượng, việc “lấy lại” vỉa hè cho người đi bộ đã khó, việc quản giữ để vỉa hè không bị tái chiếm còn khó hơn. Và trong việc này, quận 7 đã tính đến nhiều giải pháp để đảm bảo lợi ích của cả người đi bộ và người kinh doanh, buôn bán hai bên đường.

Từ đầu tháng 3-2017 đến nay, quận 7 tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh trên các trục đường chính khi kinh doanh, buôn bán không lấn chiếm lòng lề đường. Các phường trong quận khẩn trương kẻ lại vạch sơn trên các tuyến đường chính. Với các tuyến có vỉa hè dưới 3m thì vạch sơn được tính từ mép bó vỉa trở vào là 1,5m. Với tuyến có vỉa hè trên 3m, vạch sơn được tính từ mặt tiền nhà ra là 1,5m. Phần vỉa hè từ mặt tiền nhà đến đường kẻ, quận và phường vận động các hộ chủ yếu dùng để xe tạm cho khách, không được để hàng hóa.

Một tình trạng phổ biến trong lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường hiện nay là các bậc tam cấp, gờ dẫn xe của các hộ dân ven đường. Phó Chủ tịch UBND quận 7 Đào Gia Vượng cho biết, các gờ dẫn xe từ lòng đường lên vỉa hè, bậc tam cấp, 10 phường trong quận đã và tiếp tục vận động người dân tự tháo dỡ. Các gờ dẫn xe cố định từ vỉa hè vào nhà, quận vận động người dân thay thế bằng khung sắt di động có độ vươn dài vừa phải không ảnh hưởng đến người đi bộ và đảm bảo mỹ quan đô thị. “Chúng tôi còn đưa luôn cả mẫu gờ khung sắt di động gọn gàng, thẩm mỹ để người dân tham khảo, áp dụng”, ông Đào Gia Vượng cho hay.

Không chỉ “lấy lại” vỉa hè, thời gian này, 10 phường trong quận cũng rà soát các tuyến đường có vỉa hè bị hư hỏng, xuống cấp, có ổ gà, vật cản… để nâng cấp ngay, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi bộ, không để người đi bộ phải “né” vỉa hè.

Cùng với việc kẻ sơn, ông Đào Gia Vượng còn cho biết, quận 7 cũng tính giải pháp tìm chỗ giữ xe giúp các nhà không có mặt tiền giữ xe hoặc tuyến đường không được đậu xe ô tô.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 nhìn nhận, “nếu không có chỗ đậu xe, người ta kinh doanh, buôn bán ế ẩm, sập tiệm thì không hay”. Vì thế, quận 7 quy hoạch các điểm giữ xe. Những tuyến đường nào không có chỗ đậu xe, quận và phường sẽ tìm khu vực lân cận đó có chỗ đậu xe và giới thiệu cho người dân. Đồng thời, hướng dẫn từng nhóm từ 3 đến 5 hàng quán, cửa hàng bắt tay với nhau cùng thuê một bãi đất trống để có chỗ giữ xe.

Các hộ dân trên đường Phạm Hữu Lầu, quận 7 tự tháo dỡ phần lấn chiếm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Sắp xếp nơi buôn bán cho người dân có nhu cầu

Ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch UBND quận 7 cho hay, quận cũng đang tính toán việc mở khu vực buôn bán ở trước Khu chế xuất Tân Thuận để những người bán hàng rong có thể vô đó buôn bán theo ca sáng, tối, phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân. Đặc biệt, quận đang phối hợp với Co.op mart và Satra bàn tính việc mở cửa hàng tiện lợi ở ngay gần công viên ở các phường vào quý 2-2017. Những cửa hàng tiện lợi này vừa kết hợp làm nhà vệ sinh, trạm ATM phục vụ người dân và mỗi phường có ít nhất 1 điểm. Theo Chủ tịch UBND quận 7, với biện pháp này, cả người bán, người mua đều thuận lợi, nhờ đó sẽ hạn chế lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường.

Tại huyện Nhà Bè, TPHCM, sau khi huyện và các xã tới từng nhà tuyên truyền, thông báo chủ trương lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường, nhiều hộ dân đã tự động dời vô các bảng hiệu, mái che, vật dụng lấn chiếm vỉa hè. Anh Lê Tiến Sơn, kinh doanh quá nhậu ở địa chỉ 1448 Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè có mặt tiền kinh doanh rộng 10m. Mọi khi, anh thường đưa 4 cây dù ra tới gần lề đường, bảng hiệu, quầy nước cũng dựng gần hết vỉa hè. Chia sẻ về quyết định lùi dù và bảng hiệu vô 2 mét, anh Lê Tiến Sơn cho hay: “Tôi thấy phù hợp thì tôi làm thôi. Tôi quan tâm đến tình hình chung và thấy việc làm (lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường – PV) của TPHCM rất tuyệt. Vì thế, tôi tự lùi vô và nhận thấy, mình đã không cản trở giao thông, mặt tiền thông thoáng hơn, khách đậu xe cũng dễ dàng hơn”. Theo anh Sơn, người dân cần tự giác thêm, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, một hộ làm thì hai hộ theo nhau làm, cùng đồng thuận thì việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường nhanh lắm.

Tiệm tạp hóa nằm gần chân cầu Long Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè của anh Phạm Ngọc Dũng mọi khi bày ra đến hết vỉa hè. Sau khi xã thông báo chủ trương, ngay ngày hôm sau, anh Dũng cùng vợ gỡ luôn mái che, bảng hiệu trước đó nằm ở sát đường đi. Hàng hóa cũng co vào bên trong 1,5 mét. “Mình bày hàng hóa như trước, nhiều khi kẹt cầu hoài, cũng phiền. Giờ lùi vô, thấy thông thoáng, buôn bán rất tốt”, anh Phạm Ngọc Dũng chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Kiển cho biết, đường Lê Văn Lương chưa có vỉa hè. Từ đầu năm 2017, xã vận động người dân hai đường (đoạn băng qua xã dài 4km), cùng ủng hộ di dời các công trình phụ, vật dụng lấn chiếm vô để cùng xã làm vỉa hè rộng 2 mét. Nhờ sự ủng hộ của người dân, đến nay, xã đã làm được khoảng 700 mét chiều dài vỉa hè. Trên vỉa hè, thay vì kẻ vạch thì xã lát gạch có màu khác nhau, màu vàng bên trong, màu đỏ bên ngoài; người dân được để xe tạm ở khu vực vỉa hè có lát gạch màu vàng.

Theo UBND huyện Nhà Bè, là huyện ngoại thành nên nhiều tuyến đường ở huyện còn chưa có vỉa hè. Huyện đang thí điểm làm vỉa hè rộng khoảng 2m ở đường Lê Văn Lương, trước hết là đoạn băng qua xã Phước Kiển. Các xã khác cũng đang áp dụng cách làm của xã Phước Kiển, vận động người dân cùng với xã làm vỉa hè cho đường, giúp tuyến đường khang trang, người dân đi lại thuận lợi.

Các giải pháp hỗ trợ được huyện đặc biệt chú trọng. Lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè cho biết, huyện có 5 tuyến đường trọng điểm cần lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường trong đợt cao điểm này. Hiện nay, UBND các xã đang sắp xếp lại chợ trên 5 tuyến đường, ai có nhu cầu buôn bán thì sắp xếp vào chợ buôn bán. Tại xã Phước Kiển, trước mắt, 44 hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường đã đăng ký vô chợ tạm Phước Kiển buôn bán.

Khu phố giám sát đảng viên thực hiện cam kết không lấn chiếm vỉa hè

Trong việc quản giữ vỉa hè, ngay từ khi lập danh sách các hộ kinh doanh, cho thuê kinh doanh trên các tuyến đường chính của phường, 10 phường trong quận 7 đã phân chia thành các nhóm đối tượng để vận động, tuyên truyền và có biện pháp phù hợp.

UBND quận 7 cho biết, với các chủ hộ kinh doanh hoặc người cho thuê kinh doanh là đảng viên thì sau khi tuyên truyền, vận động, các hộ ký vào bản cam kết không được lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Bản cam kết này được chuyển về chi bộ khu phố để theo dõi, nhắc nhở. Các chủ hộ là đoàn viên, hội viên của các đoàn thể thì bản cam kết được chuyển về phường và các chi hội ở khu phố để đôn đốc, theo dõi, nhắc nhở.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Đào Gia Vượng cho biết: “Sau khi “lấy lại” vỉa hè, việc khó hơn là quản giữ vỉa hè để không bị tái lấn chiếm. Lúc này, vai trò của các đoàn, thể cần được phát huy. Ngoài theo dõi, nhắc nhở từng hộ đã ký cam kết, các tuyến đường cũng được giao cho các đoàn thể chịu trách nhiệm giữ gìn. Đây cũng là cơ sở để cuối năm, quận đánh giá đảng viên, đoàn viên, hội viên có hoàn thành nhiệm vụ hay không”.

ĐƯỜNG LOAN

>> Lập lại trật tự lòng lề đường: Nơi làm, nơi đủng đỉnh

>> Lập lại trật tự lòng lề đường: Quận 1 chuyển động thì không lý gì các quận khác đứng yên

>> Lập lại trật tự lòng lề đường trung tâm TPHCM: Xử lý hay quản lý?

Tin cùng chuyên mục