Tình hình chiến sự dai dẳng tại Syria đột ngột tăng nhiệt sau khi phe nổi dậy lại cáo buộc Chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học giết hại hàng trăm người. Cáo buộc được đưa ra đúng vào thời điểm hết sức nhạy cảm, khi đoàn thanh sát vũ khí hóa học của LHQ đang tiến hành các điều tra tại Syria.
Tranh cãi
Theo Hãng BBC, phe chống đối cho biết quân đội Chính phủ Syria đã sử dụng rocket chứa nguyên liệu hóa học bắn vào khu vực Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus vào rạng sáng 21-8. Một đoạn video được lực lượng nổi dậy đăng tải lên YouTube cho thấy rất nhiều người đang được cấp cứu trong các bệnh viện dã chiến, trong đó có những trường hợp khó thở. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Liên minh dân tộc Syria (SNC) đối lập cho biết 650 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công lần này.
Theo phe chống đối, vụ tấn công này là một phần trong chiến dịch oanh tạc của Chính phủ Syria vào khu vực xung quanh thủ đô Damascus nhằm đẩy lùi các tay súng nổi dậy. Nếu như thông tin của SNC là đúng sự thật, đây sẽ là vụ giết hại bằng vũ khí hóa học lớn nhất trong hơn 2 thập niên qua.
Ngay lập tức, Hãng thông tấn nhà nước Syria Sana tuyên bố những báo cáo của phe nổi dậy là hoàn toàn bịa đặt, nhằm làm chệch hướng điều tra của phái đoàn thanh sát vũ khí hóa học LHQ. Nhóm chuyên viên của LHQ sẽ thực hiện công tác điều tra tại 3 khu vực của Syria, trong đó có thị trấn Khan al-Assal, nơi 26 người bị giết hại vào tháng 3 vừa qua.
Trước đó, sau những cáo buộc của phe đối lập, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã cực lực phản đối việc sử dụng vũ khí hóa học trong các cuộc giao tranh tại Syria. Mỹ đã từng đe dọa sẽ can thiệp vào Syria nếu có bằng chứng về việc chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng loại vũ khí giết người hàng loạt trên nhằm vào phe đối lập.
Nghi ngờ
Trong bối cảnh chuyên viên của LHQ được triển khai tại Syria, không ít người bắt đầu đặt câu hỏi rằng liệu có phải đây là “cái cớ” để hợp lý hóa các hành động can thiệp quân sự vào Syria, tương tự những gì đã diễn ra khi Mỹ tấn công Iraq hồi năm 2003 với lý do phát hiện vũ khí hủy diệt hàng loạt tại nước này. Một trong những lý do để hồ nghi là việc bổ nhiệm chuyên gia người Thụy Điển Ake Sellstrom - từng là cựu thanh sát viên vũ khí của LHQ tại Iraq - làm trưởng nhóm điều tra tại Syria.
Chuyên gia về chính trị Syria Hmaidi al-Abdullah nói: “Các nước phương Tây và nhất là Mỹ, đang có ý định tái diễn kịch bản Iraq tại Syria. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ không thành công do môi trường chính trị cùng thế cân bằng quyền lực trên thế giới hiện tại đã khác so với trước đây”.
Theo ông Abdullah, vào thời điểm diễn ra chiến dịch can thiệp quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Iraq, cộng đồng quốc tế bị chi phối bởi quyền lực của phương Tây, nhất là Mỹ, song tình hình hiện đã khác. Lập trường gần đây của Nga đã chấm dứt thế độc tôn của phương Tây. Cùng với đó, điều khác biệt cơ bản giữa hồ sơ Iraq và Syria là thỏa thuận giữa các cường quốc trong HĐBA LHQ đã khiến các cuộc điều tra mang tính công bằng hơn.
Đồng quan điểm với chuyên gia Hmaidi, Maher Morhej, Chủ tịch đảng Thanh niên Syria, nhận định mặc dù các nước phương Tây có ý định tái diễn kịch bản Iraq, song kế hoạch này đã bị cản trở bởi bối cảnh thực tế hiện nay.
Theo ông Morhej, nhiệm vụ duy nhất của cuộc điều tra là xác định xem liệu có phải các loại vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria hay không chứ không phải là xác định các đối tượng phải chịu trách nhiệm về hoạt động này. Đó là một trong những điểm đã được các bên nhất trí theo thỏa thuận.
Ông Morhej cũng cho rằng các cường quốc phương Tây đã lấy vấn đề vũ khí hóa học để lôi kéo sự chú ý của dư luận đối với các loại vũ khí hóa học mà Syria sở hữu cũng như nhấn mạnh hơn quan ngại về việc các kho vũ khí này có thể rơi vào tay các phần tử xấu nếu chính quyền sụp đổ.
ĐỖ CAO (tổng hợp)