Đó là ý tưởng ban đầu về việc mở quán cơm xã hội do Tập đoàn Trangs Group và các nhà hảo tâm thực hiện đã được hơn 1 năm nay tại TP Huế. Không những được ăn bữa cơm ngon chỉ với 5.000 đồng, rẻ hơn cả các quán cơm bình dân, sinh viên nghèo miền Trung ở xa quê khi đến quán cơm này còn có cơ hội trau dồi tri thức với tủ sách mang tên “Trung thực”.
Nhiều sinh viên nghèo miền Trung đang học tại Huế luôn đến ăn cơm trưa tại quán cơm xã hội 72A Đào Tấn, TP Huế.
Quán cơm tình nguyện xã hội (số 72A Đào Tấn, TP Huế), rộng khoảng 200m², có rạp che sạch sẽ và thoáng mát ngay trước sân ngôi nhà xây kiên cố. Khoảng 9 giờ 30 sáng mỗi ngày, các bạn trẻ từ Câu lạc bộ Thanh niên tuyên truyền và Đội Thanh niên tình nguyện Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế đã sắp xếp ngay hàng thẳng lối bàn ghế chờ đón thực khách. Gần 11 giờ, sinh viên tấp nập vào quán.
Người quản lý quán là chị Lê Thị Ẩn cho biết, khách ăn cơm ở quán cần có thẻ sinh viên và 5.000 đồng để mua phiếu ăn rồi đưa đến nhà bếp gần đó nhận khay chén và tự lấy cơm, thức ăn mang về bàn. Tiếng là cơm giá rẻ nhưng nhìn mỗi phần ăn được phục vụ chu đáo, ngoài cơm canh, thực đơn tại quán còn có thêm ít nhất 3 món mặn thay đổi hàng ngày.
Song, có một điều đặc biệt là khi ăn xong, khách phải tự tay đem khay chén đến những bồn nước gần đó để rửa sạch rồi úp gọn gàng vào rổ nhựa. Nhìn các bạn trẻ làm công việc ấy một cách thoải mái, chị Ẩn giải thích. “Đó là dụng ý của người sáng lập ra quán cơm muốn các em sinh viên rèn luyện ý thức chung tay với người khác. Sau này, các em thành đạt sẽ tiếp tục thực hiện những việc có ích cho xã hội và giúp người nghèo”.
Quán cơm xã hội chủ yếu phục vụ sinh viên nghèo tại Huế do Tập đoàn Trangs Group và các nhà hảo tâm hỗ trợ. Anh Hồ Văn Trung, Chủ tịch Tập đoàn Trangs Group, nhà tài trợ chính cho quán cơm xã hội này thường ở nước ngoài, ít khi về nước. Nhưng mỗi lần về là anh liền đến đây và coi quán cơm như nơi trở về. Mỗi tháng, anh hỗ trợ 40 triệu đồng để lo tiền ăn, chưa kể tiền thuê mặt bằng, cơ sở vật chất của quán.
Nói về ý tưởng mở quán cơm xã hội này, anh Hồ Văn Trung chia sẻ: “Cuộc đời tôi gian truân, khó tưởng tượng được. Có lẽ tôi cũng từng là người nghèo nhất Việt Nam, vì tôi đã từng có lúc đói ngất xỉu ở Sài Gòn. Hồi trước ở Huế cũng có một quán cơm xã hội ở gần cầu Trường Tiền bây giờ. Tôi thường đến đó ăn mỗi lần đi học. Ân tình xã hội đó giờ tôi muốn trả lại ơn đời”. Từ suy nghĩ ấy, anh Trung đã cùng các nhà hảo tâm khác đóng góp chi phí để quán cơm này ra đời và duy trì hoạt động với mong muốn truyền cảm hứng và ý chí nghị lực sống tới các bạn trẻ.
Được biết, ngày càng có thêm nhiều nhà hảo tâm hưởng ứng chung góp tiền, góp sức, trong đó có các bạn trẻ ham thích hoạt động vì cộng đồng của Câu lạc bộ Thanh niên tuyên truyền và Đội Thanh niên tình nguyện Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế. Từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, quán cơm xã hội 72A Đào Tấn phục vụ khoảng 1.200 lượt khách, chủ yếu là sinh viên nghèo.
Bùi Thị Thảo, sinh viên Trường Đại học Khoa học Huế, quê ở Hà Tĩnh, tâm tình: “Từ khi có quán cơm này, sinh viên nghèo tụi em mừng lắm vì tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ và cũng tranh thủ có nơi học bài. Ba mẹ em làm nông, mỗi tháng cố gắng lắm mới gửi em 1 triệu đồng, phải tằn tiện không thì chi tiêu không đủ”. Tương tự, Trần Quang Hóa, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế, quê ở Quảng Trị thật thà: “Quán cơm đã trở thành một địa điểm thiện nguyện với tụi em. Được ăn cơm và thức ăn bảo đảm chất lượng mà tiết kiệm được cả nửa triệu đồng mỗi tháng để mua sắm thêm sách vở và dụng cụ học tập… Thật cảm ơn đời, ơn người!”.
| |
VĂN THẮNG