Quân đội làm kinh tế - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.

Ngày 6-7, tại buổi tọa đàm “Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cùng chia sẻ nhận định, trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng, Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế bằng hình thức phù hợp, đúng định hướng của Đảng, Nhà nước. Qua đó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Hiệu quả cao và ý nghĩa lớn

Trong tham luận của mình, Trung tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân phát triển kinh tế - xã hội là một chức năng cơ bản của QĐND Việt Nam, vừa thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” vừa cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị của quân đội trong việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Đặc biệt trong nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Đến nay, quân đội đã xây dựng 26 khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vị trí trọng yếu. Tích cực hỗ trợ, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, kết hợp thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị. Các doanh nghiệp quân đội - lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, cũng như vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Chỉ tính riêng năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp quân đội đạt gần 350.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 40.000 tỷ đồng.

Minh chứng rõ hơn vai trò, ý nghĩa của việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, Đại tá Tạ Vĩnh Cát, Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế Quốc phòng 799 (huyện Bảo Lạc và Bảo Lâm, Cao Bằng), chia sẻ sự có mặt của những người lính trên mặt trận kinh tế tại vùng sâu, vùng xa không chỉ làm thay da đổi thịt nhiều vùng đất biên giới mà còn giúp bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, bám trụ giữ vững biên giới chủ quyền của Tổ quốc. Tại nơi đứng chân, Đoàn 799 đã xây dựng 9 công trình thủy lợi, hỗ trợ nhân dân khai hoang, cải tạo được hơn 580ha đất canh tác các loại, phục vụ sản xuất nông nghiệp; xây dựng 8 bản biên giới, giúp ổn định cuộc sống cho hơn 900 hộ gia đình… Trong khi đó, ông Ma Văn Dìn, Phó chủ tịch UBND xã Cô Be, huyện Bảo Lạc, bày tỏ, nhờ có các bản làng biên giới do quân đội xây dựng, người dân được sống tập trung, thay vì trước đây sống rải rác, phân tán trên lưng chừng đồi. Bà con còn được bộ đội hỗ trợ trồng rừng, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhờ thế nhiều hộ đã vươn lên làm giàu, kinh tế, xã hội của địa phương phát triển, đời sống được nâng cao.

Gia tăng sức mạnh tổng lực

Dưới góc độ một chuyên gia nghiên cứu về chính trị, GS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, trong sản xuất và phát triển kinh tế, quân đội đã để lại những dấu ấn không thể phủ nhận, kể cả trong chiến đấu, trong thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh và trong thời kỳ đổi mới. Với cơ sở hạ tầng được trang bị tương đối đồng bộ, với đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn tốt, trách nhiệm và tính kỷ luật cao, các sản phẩm của quốc phòng không chỉ đáp ứng được nhu cầu của quân đội mà phục vụ hiệu quả cho đời sống nhân dân. “Nhân dân luôn ủng hộ quân đội làm kinh tế, nhưng vấn đề là làm thế nào cho tốt và hiệu quả, đồng thời cần phải rất cảnh giác đối với những mặt trái của việc làm kinh tế...” - GS Hoàng Chí Bảo bày tỏ.

Chia sẻ những suy nghĩ của mình tại cuộc tọa đàm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nêu hình tượng phát triển kinh tế và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng như đôi cánh chim, nếu bỏ đi cánh nào, con chim cũng không thể bay được. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng phải được coi là “gen trội” và việc phát triển kinh tế là “gen bổ sung”. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng khẳng định, gắn kinh tế với quốc phòng là việc làm cần thiết vì qua đó để gia tăng sức mạnh của quân đội, đặc biệt là sức mạnh tổng lực của quốc gia. Gắn kinh tế với quốc phòng cũng góp phần tạo nên sự độc lập, tự chủ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, giảm bớt sự lệ thuộc vào việc mua sắm từ nước ngoài, qua đó từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, nguyên Phó Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ cần phải đấu tranh mạnh mẽ, xử lý nghiêm minh đối với các hiện tượng, biểu hiện tiêu cực, bởi quân đội làm kinh tế nếu để xảy ra “tai tiếng” là rất nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng tới quân đội mà còn là hình ảnh quốc gia.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan cũng nêu lên một số kiến nghị, giải pháp để quân đội thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng. Trong đó quan trọng nhất là cần có nghị quyết của Bộ Chính trị về kết hợp kinh tế với quốc phòng để quán triệt công khai trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; qua đó tạo ra nhận thức thống nhất về tính cần thiết phải kết hợp kinh tế với quốc phòng. Đồng thời, cần tuyên truyền sâu rộng để tạo nhận thức chung, đúng đắn về việc kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Tin cùng chuyên mục