Thuốc bị làm giá, thiếu minh bạch là những vấn đề bất cập lâu nay, gây tác động tới đời sống xã hội. Thực trạng này đòi hỏi cần phải sớm sửa đổi Luật Dược, cũng như có những chế tài, cơ chế mới để kiểm soát giá thuốc chặt chẽ và công khai.
Loạn giá và biến động
Tỉnh Quảng Ninh có 15 bệnh viện và 14 trung tâm y tế với trên 4.500 giường bệnh nên việc đấu thầu mua thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho người dân có vai trò rất quan trọng. Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh Vũ Tuấn Cường cho biết, sau khi thực hiện quy định mới về việc đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập năm 2013, đến nay Sở Y tế Quảng Ninh đã chọn được trên 73% số thuốc trong danh mục mời thầu. Đáng chú ý, thuốc trúng thầu được sản xuất trong nước tăng lên đáng kể (từ 46% năm 2012 tăng lên 53,4% năm 2013), còn giá trị tiền thuốc tiết kiệm giảm được gần 40 tỷ đồng mà chất lượng vẫn được đảm bảo.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 1 năm thực hiện đấu thầu mua thuốc vào bệnh viện đã có khoảng 30 tỉnh, thành phố thực hiện. Và điều đáng mừng là giá thuốc vào bệnh viện đã giảm đáng kể từ 20% - 30% so với mặt bằng chung của giá thuốc các năm trước, tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng như: Quảng Ngãi tiết kiệm được 28 tỷ đồng, Hà Tĩnh 32 tỷ đồng, Hậu Giang khoảng 57 tỷ đồng… cùng với đó giá nhiều loại thuốc đặc trị cũng giảm mạnh.
Thế nhưng, thực tế giá thuốc bán lẻ trên thị trường tới người dân vẫn “loạn giá”, mỗi nơi một kiểu và liên tục biến động. Cùng một sản phẩm thuốc, cùng một nhà phân phối nhưng ở mỗi cửa hàng lại có giá bán khác nhau. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người dân phải gánh chịu thiệt hại về kinh tế cho dù thuốc chữa bệnh là mặt hàng nằm trong danh mục được bình ổn và phải được niêm yết giá công khai. Trong khi đó, thống kê mới nhất về chỉ số CPI trong tháng 6-2013 cho thấy, giá thuốc chỉ tăng 0,09% so với tháng 5, thấp hơn so với mức tăng 1,58% hồi tháng 5 nhưng mức tăng so với đầu năm đã lên tới 13,88%.
“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”
Lý giải cho thực trạng giá thuốc biến động, loạn giá, nhiều chuyên gia cho rằng do khâu quản lý lỏng lẻo. Hơn nữa, Bộ Y tế vừa là cơ quan quản lý về chuyên môn khám chữa bệnh, lại vừa quản lý giá thuốc, chất lượng thuốc, cấp phép thuốc chẳng khác nào …”vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới đây cũng đã thẳng thắn chỉ rõ, chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện, trên thị trường và giữa các địa phương là do giá thuốc bị đẩy đi lòng vòng qua nhiều tầng nấc trung gian, các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn để chi hoa hồng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhìn nhận, việc ngành y tế vừa quản lý về chuyên môn lại vừa quản lý giá là không phù hợp.
Trong khi đó, ông Trần Đức Chính, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam cho biết, cả nước hiện có 274 doanh nghiệp sản xuất dược, gần 2.000 doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dược phẩm và hàng ngàn cơ sở bán lẻ, nhưng thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thị trường. Hơn nữa phần lớn nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước phải nhập khẩu nên thị trường dược phẩm trong nước phụ thuộc nhiều vào các hãng dược nước ngoài. ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, lo ngại việc doanh nghiệp sản xuất dược phẩm nước ngoài và doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối tại Việt Nam thỏa thuận với nhau áp đặt giá thuốc, đặc biệt là các loại biệt dược có giá trị lớn.
Lập hội đồng liên ngành
Mới đây, trong quá trình góp ý sửa đổi Luật Dược, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành về giá thuốc có chức năng tư vấn và phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng các chính sách, biện pháp quản lý về giá thuốc, chủ tịch hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia dược phẩm thì đây là phương án khả thi và phù hợp quy định của Luật Giá. Bởi lẽ, khi Bộ Tài chính được phân công thực hiện chức năng quản lý giá nói chung và là đơn vị xây dựng các chính sách, cơ chế về giá thuốc mang tính chất chỉ đạo, điều hành sẽ đảm bảo tính khách quan, rành mạch hơn trong quản lý giá thuốc.
Cục trưởng Cục Quản lý dược Trương Quốc Cường cho biết, trước mắt, ngành y tế đang tập trung thực hiện các biện pháp để nâng cao trách nhiệm trong quản lý giá thuốc như: đặt hòm thư góp ý; công khai kết quả xử lý cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực; đẩy mạnh công nghệ bào chế thuốc trong nước và công nghiệp nguyên liệu làm thuốc; tổ chức và quy hoạch lại hệ thống phân phối và cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp hóa, hạn chế khâu trung gian.
| |
MINH KHANG