Quản lý rừng ở Phú Quốc còn lỏng lẻo

Sau khi Báo SGGP đăng bài “
Quản lý rừng ở Phú Quốc còn lỏng lẻo

Sau khi Báo SGGP đăng bài “Bất minh trong quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc - làm khổ dân” (thứ 5 ngày 2-5-2013), PV Báo SGGP tiếp tục có cuộc trao đổi với ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về một số nội dung mà  bài báo phản ánh. Ông Lâm Hoàng Sa cho biết:

Ông Lâm Hoàng Sa

Ông Lâm Hoàng Sa

Hiện ở Phú Quốc có một số dự án thực hiện chậm tiến độ, gây nên một số khó khăn cho những hộ dân nằm trong vùng dự án. Thường sau khi có quy hoạch, người dân không trồng trọt, không sửa chữa nhà, nhưng không phải tất cả các dự án đều xảy ra tình trạng này. Lỗi ở đây thuộc về ba phía: Người dân, chính quyền cơ sở và nhà đầu tư. Người dân không thông hiểu hết chính sách pháp luật của nhà nước về đầu tư, quy hoạch, đều bù, giải tỏa, tái định cư; trong khi đó chính quyền cơ sở không tuyên truyền, hướng dẫn đến nơi đến chốn, không bảo vệ quyền lợi của dân; nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án không đúng theo tiến độ đã cam kết nhưng lo ngại công tác đền bù, giải tỏa gặp khó khăn nên cản trở các hoạt động chính đáng của người dân.

* Được biết ở Phú Quốc có một số dự án (chủ yếu là du lịch) đã được cấp phép nhưng không phù hợp với quy hoạch, một số dự án được cấp phép nhưng không tiến hành đầu tư. Vì sao có tình trạng này, phải chăng có sự nóng vội?

* Nói nóng vội là chưa đúng, cần phải hiểu chính xác thực trạng về quy hoạch, đầu tư tại Phú Quốc. Một số dự án đã được cấp phép nhưng không phù hợp quy hoạch là do quy hoạch của Phú Quốc có một số điều chỉnh. Thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”, tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc kêu gọi đầu tư vào Phú Quốc. Nhà đầu tư đến càng nhiều càng tốt, hồ sơ xin đầu tư vào Phú Quốc rất nhiều, nhưng khi xét duyệt, chỉ một phần trong số đó được cho chủ trương, được cấp phép đầu tư. Việc cấp phép cho dự án, hay thu hồi dự án là công việc rất bình thường trong quá trình đầu tư.

Ở Phú Quốc có nhiều dự án đã được cấp phép nhưng không tiến hành đầu tư. Sau khi xem xét thẩm tra những dự án nào “xí phần”, nhà đầu tư không có năng lực… tỉnh kiên quyết thu hồi. Đối với những dự án chậm tiến độ do khách quan như khó khăn về hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng sẽ được xem xét, cho gia hạn để nhà đầu tư tiếp tục triển khai.

* Theo Thanh tra Chính phủ, việc quản lý rừng phòng hộ ở Phú Quốc rất lỏng lẻo, từ đó dẫn đến một số hệ lụy như mất đất. Tỉnh sẽ giải quyết như thế nào về việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc không giao khoán rừng cho người dân đang sản xuất mà “tịch thu” giao lại cho 16 cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc, làm mất uy tín với dân?

* Tôi thừa nhận thời gian qua, công tác quản lý rừng ở Phú Quốc còn lỏng lẻo, tuy nhiên cũng cần hiểu những khó khăn mà địa phương đang gặp phải trong việc xác định đất có cây trồng và đất rừng sản xuất. Đất các xã đang quản lý cũng có cây, tuy nhiên không phải là đất rừng và các xã cũng không đủ lực lượng để quản lý, nên nơi này nơi khác thời gian qua tình trạng người dân vào bao chiếm còn xảy ra. Để công tác quản lý, bảo về rừng đi vào nề nếp, chúng tôi đang chỉ đạo tiến hành xác định tọa độ để cắm mốc.

Sau khi xác định ranh giới, nếu những hộ dân ở trong phạm vi đất rừng trước khi có quy hoạch đất rừng sẽ được xem xét giải quyết một trong hai phương án. Phương án 1, tìm đất khác để đổi. Phương án 2, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng hiện trạng, nhưng người dân phải có cam kết quản lý và sử dụng đúng theo pháp luật quy định.

Vấn đề này chúng tôi chỉ mới nghe báo chí phản ánh. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, nếu đúng tùy theo mức độ vi phạm tỉnh sẽ có biện pháp xử lý.

“Trường hợp sử dụng đất nằm ngoài ranh giới đất rừng không có giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 nhưng đã sử dụng đất ổn định sau ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004, có quyết định xử lý của cơ quan thẩm quyền nhưng thực tế nhà nước không quản lý mà người dân vẫn tiếp tục sử dụng, có đầu tư và có thành quả lao động trên đất được UBND xã xác nhận đất đó không có tranh chấp được hỗ trợ 70% giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm thu hồi theo hiện trạng sử dụng của từng loại đất. Đối với trường hợp sử dụng đất nằm trong ranh giới đất rừng cũng giống trên nhưng thời sử dụng đất sau ngày 15-10-1993 đến trước ngày 18-6-1998  được hỗ trợ 60% giá trị”.

(Quyết định 03/2010/QĐ-UBND ngày 11-2-2010 của UBND tỉnh Kiên Giang).

Trọng Nghĩa

Tin cùng chuyên mục