Quản lý thuốc: Đồng bộ và công bằng

Mục đích cuối cùng của việc quản lý thuốc là làm cho việc dùng thuốc hiệu quả an toàn. Cũng giống như các nước, quy chế nước ta chỉ quy định những điều cần phải thực hiện, không thể quy định các điều cần có để thuận lợi cho kiểm tra (quy định kê đơn nhưng không thể quy định lưu đơn, vì như thế rất phức tạp), cần phải dùng nhiều biện pháp thích hợp, huy động sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn: nhà sản xuất, đơn vị nghiên cứu, cơ sở phòng chữa bệnh, các đơn vị truyền thông...

Trong quản lý, làm tốt công tác khám chữa bệnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác dược và ngược lại. Do đó việc quản lý này phải đồng bộ, chặt chẽ, công bằng. Ngành dược đề ra tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP) với hy vọng sẽ hoàn thành ở các thành phố lớn vào năm 2010 và toàn quốc vào năm 2013. Trong khi đó, khá lâu sau mới đề ra việc thực hành khám chữa bệnh tốt.

Ở thời điểm này, hầu hết thầy thuốc tại phòng khám tư đều không kê đơn mà tự bán thuốc, thậm chí có không ít thầy thuốc còn cắt rời thuốc ra từng viên, hoặc ghi đơn không rõ ràng, thậm chí ghi ký hiệu để người bệnh chỉ có thể mua tại nhà thuốc riêng của chính mình hoặc của người quen.

Bệnh viện tự lập nhà thuốc khó tránh khỏi việc thầy thuốc - nhân viên bán thuốc (vì cùng quyền lợi) liên kết với nhau bán những loại thuốc không có trong danh mục thuốc của bệnh viện để người bệnh nội trú phải mua thêm; khó tránh được việc kê đơn quá nhiều thuốc. Chúng ta đề ra (trong quy chế kê đơn) là thầy thuốc chỉ kê đơn vì mục đích chữa bệnh, phải ghi tên thuốc theo tên gốc (hay danh pháp quốc tế) phải ghi tên thuốc rõ ràng.

Trong tiêu chuẩn nhà thuốc GPP nêu rõ phải có dược sĩ khi nhà thuốc mở cửa và dược sĩ phải có mặt để tư vấn việc dùng thuốc. Trong bối cảnh phối hợp y - dược chưa nhịp nhàng mà không có cách chấn chỉnh (bằng đạo đức nghề nghiệp, bằng kiểm tra, bằng xử lý nghiêm vi phạm) thì những quy định chặt chẽ trên thật khó đi vào cuộc sống.

DS Bùi Văn Uy

Tin cùng chuyên mục