Quảng Nam: Dân lại vây nhà máy cồn ethanol Đại Tân đòi nợ

Liên tiếp trong hai ngày 17 và 18-3, hàng chục chủ nợ là người trồng sắn, công nhân bốc vác và tiểu thương thu mua sắn đến từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Đắk Nông, Kom Tum đã vây Nhà máy cồn ethanol Đại Tân (Công ty Cổ phần Đồng Xanh, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để đòi nợ.
Quảng Nam: Dân lại vây nhà máy cồn ethanol Đại Tân đòi nợ

(SGGPO).- Liên tiếp trong hai ngày 17 và 18-3, hàng chục chủ nợ là người trồng sắn, công nhân bốc vác và tiểu thương thu mua sắn đến từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Đắk Nông, Kom Tum đã vây Nhà máy cồn ethanol Đại Tân (Công ty Cổ phần Đồng Xanh, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) để đòi nợ.

Trước thông tin về Nhà máy cồn ethanol Đại Tân sẽ bị Ngân hàng BIDV phát mãi tài sản để thanh toán nợ, hàng chục người dân là tiểu thương, người nông dân trồng sắn và công nhân bốc vác đã vây nhà máy, đòi các khoản nợ hàng chục tỷ đồng (Công ty Đồng Xanh không thanh toán trong nhiều năm). Các chủ nợ còn treo khẩu hiệu yêu cầu nhà máy trả nợ và cầu cứu cơ quan chức năng.

Người dân bức xúc vây nhà máy để đòi nợ. Ảnh: Nguyên Khôi

Người dân bức xúc vây nhà máy để đòi nợ. Ảnh: Nguyên Khôi

Ông Lê Văn Tường (59 tuổi) người dân trồng sắn tại xã Đại Tân (Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết: “Nhà máy nợ của tôi tới 1,9 tỉ đồng tiền sắn để làm nguyên liệu, người dân chúng tôi khó nhọc và mong rằng cây sắn sẽ đổi đời trên mảnh đất này. Nhưng trái với điều chúng tôi nghĩ, nhà máy nợ nần chồng chất khiến người dân điêu đứng. Trong khi Công ty Đồng Xanh chưa trả nợ cho chúng tôi thì nay ngân hàng phát mãi tài sản, đồng nghĩa với việc chúng tôi mất trắng. Vì thế, chúng tôi tập hợp lại đây để đòi và giữ lại nhà máy đến khi nào chúng tôi đòi được nợ”.

Trao đổi với PV SGGP, ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết: Vấn đề giải quyết nợ cho người nông dân đã được UBND tỉnh Quảng Nam nhiều lần làm việc với các bên liên quan và cả có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài Chính để có phương án trả nợ cho dân. Tuy nhiên, hiện nay do các khoản nợ của người dân đều không có chứng từ, trong khi Ngân hàng BIDV có chứng từ hợp pháp và đã kiện ra tòa xử lý. Hiện Công ty Mua bán nợ (Bộ Tài Chính) đã đồng ý mua lại nhà máy cồn để sau đó có phương án trả nợ cho dân. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ có văn bản gửi Bộ Công thương về lộ trình sử dụng xăng E5, E10 nhưng đến nay vẫn chưa có lộ trình cụ thể nên Công ty Mua bán nợ không dám mua lại nhà máy. Vì thế, các khoản nợ đến nay vẫn chưa xử lý được.

Hàng chục hộ dân vây nhà máy để đòi nợ. Ảnh: Nghiêm An

Hàng chục hộ dân vây nhà máy để đòi nợ. Ảnh: Nghiêm An 

Ông Nam cho biết thêm, tuần tới UBND tỉnh Quảng Nam sẽ có buổi làm việc với Bộ Công thương, Bộ Tài Chính để tìm biện pháp tháo gỡ.

Như Báo SGGP đã có nhiều bài phản ánh, nhà máy cồn Ethanol Đại Tân đã ngừng sản xuất từ tháng 10-2012 với các khoản nợ hàng trăm tỷ đồng, trong đó có hơn 20 tỷ đồng nợ người nông dân và lao động.

Công an huyện Đại Lộc đã cho người đến giữ hiện trường.

NGHIÊM AN - NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục