Quảng Nam hướng đến xây dựng đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường

Chiều 18-8, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường”. Hội thảo này nằm trong chuỗi sự kiện do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (21-9-1973 - 21-9-2018).
UBND tỉnh Quảng Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường”
UBND tỉnh Quảng Nam và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường”

Thế kỷ XXI được xem như là thế kỷ của đô thị. Theo Liên Hợp Quốc, hiện nay hơn một nửa dân số thế giới tập trung sống và làm việc ở các đô thị. Theo dự báo đến năm 2050 sẽ có khoảng trên 70% dân số sẽ tập trung ở các thành phố.

Mật độ dân số cao ở các thành phố gây ra sức ép ngày càng lớn cho các cơ quan quản lý nhà nước về các vấn đề: ô nhiễm môi trường; thiếu hụt nước sạch, tài nguyên đất đai; quá tải hạ tầng giao thông; thiếu hụt năng lượng…. 

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu tại hội thảo 
Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có trên 800 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh từ 23,7% năm 1999 lên 37,5% năm 2017.
Mặc dù số lượng đô thị tăng nhanh nhưng đa số đều đối mặt với các thách thức, như: chất lượng đô thị chưa bảo đảm, hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp tốc độ phát triển...dẫn đến những vấn đề cần phải giải quyết như: kẹt xe, thiếu nước sinh hoạt, ngập úng, ô nhiễm môi trường...
Các cơ quan quản lý nhà nước hướng đến việc xây dựng đô thị thông minh như là một giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề này.
Quảng Nam hướng đến xây dựng đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường ảnh 2 Đại diện các công ty Nhật Bản tham dự hội thảo 
Sự phát triển của các công nghệ mới mà đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với Internet vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo... đã đưa công nghệ thông tin và truyền thông đóng vai trò quan trọng như là một giải pháp then chốt để giải quyết các áp lực mà các đô thị gặp phải thông qua các giải pháp như: giao thông thông minh, quản lý nguồn nước thông minh, quản lý năng lượng thông minh… Từ đó, khái niệm đô thị thông minh hoặc thành phố thông minh ra đời và phát triển.
Nhiều thành phố trên thế giới đã và đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh cho riêng mình. Việc phát triển thành phố thông minh, gắn với bảo vệ môi trường đang trở thành xu thế phát triển của thời đại.
Quảng Nam hướng đến xây dựng đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường ảnh 3 Các đại biểu tham dự hội thảo 
"Hội thảo lần này là dịp để lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo TP Tam Kỳ cũng như các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh được nghe các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các cơ quan, tổ chức báo cáo, chia sẻ những mô hình, kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh, sinh thái được áp dụng thành công trên thế giới, tại Việt Nam;  những giải pháp quản lý, quy hoạch và phát triển đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ mới... Từ đó, các cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan sẽ đưa ra được các giải pháp định hướng để xây dựng và phát triển mô hình đô thị thông minh theo hướng sinh thái, môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng phù hợp nhất tại TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam” - ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết.
Có thể nói, xây dựng thành phố thông minh là một xu thế tất yếu, đã và đang được các tỉnh, thành trong nước hướng đến.  

Tại Quảng Nam, việc phát triển đô thị, đô thị thông minh theo hướng bền vững đã được quan tâm từ sớm thông qua các Nghị quyết của Hội nghị Tỉnh ủy, Chỉ thị của Ban thường vụ Tỉnh ủy với quan điểm “phát triển đô thị thông minh là xu thể tất yếu với mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác có liên quan” và “phát triển đô thị thông minh là một quá trình thực hiện từng bước từ thí điểm ở quy mô hợp lý, lĩnh vực ưu tiên, sau đó rút kinh nghiệm và nhân rộng phù hợp với thực tế ở Quảng Nam”

Tuy nhiên, theo ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Nam, việc triển khai thực tế của các địa phương vẫn còn hạn chế. Việc tiếp cận và thực hiện đô thị thông minh chủ yếu lấy “Xây dựng chính quyền điện tử các cấp” làm trọng tâm, chưa có những nghiên cứu chuyên sâu, toàn diện về xây dựng đô thị thông minh và cách thức triển khai đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh; chưa ban hành được các Đề án, các dự án để cụ thể hóa các chủ trương về xây dựng đô thị thông minh. Trước thực trạng đó, TP Tam Kỳ là địa phương được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm cho phép đề xuất nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm đô thị thông minh tại Quảng Nam. 

Tam Kỳ là một đô thị loại 2 với vai trò là thành phố tỉnh lỵ, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế và khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Nam. Những năm qua, Tam Kỳ đã không ngừng nỗ lực, phát huy các tiềm năng lợi thế để phát triển đô thị theo hướng “tăng trưởng xanh”, trong đó vừa chú trọng phát triển đô thị vừa chú trọng bảo tồn không gian sinh thái để hướng đến phát triển bền vững. Thành phố cũng đã được quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông tương đối hoàn thiện, mô hình chính quyền điện tử liên thông từng bước được hình thành. Đó là những điều kiện ban đầu cần thiết để nghiên cứu, triển khai xây dựng đô thị thông minh, gắn với bảo vệ môi trường tại đây.

"Xây dựng đô thị thông minh gắn với bảo vệ môi trường là một quá trình lâu dài, cần có sự tham gia của nhiều thành phần: Chính phủ, chính quyền địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp, cộng đồng. Trong đó mỗi thành phố tùy theo nhu cầu và điều kiện cụ thể sẽ định hướng, lựa chọn mô hình xây dựng thành phố thông minh phù hợp cho riêng mình” - ông Phạm Hồng Quảng cho biết.

Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT-TT TP Đà Nẵng cho biết, ngày 25-3-2014, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Đề án “Xây dựng thành phố thông minh hơn tại Đà Nẵng giai đoạn 2014-2020” với 5 vấn đề được ưu tiên thực hiện gồm: Kết nối thành phố; hệ thống giao thông thông minh; hệ thống cấp nước thông minh; hệ thống thoát nước thông minh; hệ thống kiếm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thông minh. Qua thời gian triển khai đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, tạo tiền đề quan trọng để Đà Nẵng triển khai trong những năm tiếp theo.
Theo ông Thạch, nhờ ứng dụng CNTT vào quản lý nhà nước cũng như xây dựng thành phố thông minh, Đà Nẵng đã có một số kết quả nhất định: 9 năm liên tiếp (2009-2017) dẫn đầu bảng xếp hạng chỉ số sẵn sàng cho phát triển, ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đạt danh hiệu "Thành phố Xanh Quốc gia của Việt Nam năm 2018".
Danh hiệu này cho phép Đà Nẵng cùng 21 thành phố khác trên thế giới tiếp tục tham gia vòng bình chọn cuối cùng của cuộc thi Thành phố Xanh Quốc tế để chọn ra một thành phố xuất sắc đạt giải Thành phố Xanh Toàn cầu.
Ông Thạch chia sẻ kinh nghiệm của Đà Nẵng trong xây dựng thành phố thông minh, gồm: (1) ban hành Khu kiến trúc tổng thể xây dựng thành phố thông minh để định hướng công nghệ, mô hình, phù hợp địa lý, hiện trạng CNTT và KT-XH của Đà Nẵng. (2) chủ trương, phương pháp trong triển khai xây dựng thành phố thông minh của Đà Nẵng là “Đa đối tác - Một nền tảng - Một Hạ tầng - Một Chính sách - Đa Ứng dụng”. Do vậy, việc triển khai của Đà Nẵng mở cho nhiều đối tác, nhiều ứng dụng khác nhau; không trùng lắp nội dung hợp tác với các đối tác khác tham gia triển khai và bảo đảm các ứng dụng triển khai theo một Khung kiến trúc thống nhất, có kết nối và tương thích với nhau. (3) Triển khai thí điểm trước và nhân rộng tiếp theo. (4) Hợp tác với các tập đoàn (FPT, Viettel, VNPT, IBM,…) và các thành phố khác (Deagu-Hàn Quốc, Yokohama- Nhật,…). để có nguồn lực, kinh nghiệm. (5) Đã dạng hóa nguồn kinh phí triển khai (ODA, PPP, Ngân sách, thuê dịch vụ). (6) Chủ động nghiên cứu, sẵn sàng nhân lực để làm chủ công nghệ và vận hành hiệu quả và (7) hình thành dữ liệu, cung cấp công khai cho người dân biết; huy động người dân tham gia bảo vệ môi trường.

Ông Lê Xuân Sơn, Giám đốc VNPT IT Khu vực 3 Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cho biết, có rất nhiều cách hiểu cũng như định nghĩa về đô thị thông minh, tuy nhiên theo khía cạnh công nghệ thì "đô thị thông minh là đô thị mà ở đó công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) được ứng dụng vào mọi hoạt động, đem lại hiệu quả cao trong quản lý hành chính, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng cư dân và đảm bảo phát triển bền vững".

Đứng trước xu hướng xây dựng đô thị thông minh trên thế giới và nhu cầu của các Tỉnh/TP tại Việt Nam, VNPT đang đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, cung cấp các giải pháp đô thị thông minh, trong đó tập trung vào: xây dựng Chính quyền số; xây dựng các đô thị an toàn; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giải quyết các vấn đề nóng của xã hội như giao thông, y tế, giáo dục, an toàn thực phẩm; các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương tại Việt Nam và xây dựng các đô thị phát triển bền vững nhờ các giải pháp công nghệ hiện đại trong ngành môi trường, quản lý quy hoạch đô thị, năng lượng,...

Trên thế giới, khái niệm thành phố thông minh đã được đề cập khoảng 10 năm trở lại đây và đến nay đã xuất hiện khá nhiều thành phố thông minh như: Amsterdam (Hà Lan), New York (Hoa Kỳ), Seoul (Hàn Quốc)…. Các khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh là những khu vực tập trung nhiều thành phố thông minh nhất trên thế giới. Trong đó, các nước Châu Âu hướng tới việc xây dựng môi trường xanh, tiết kiệm năng lượng. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương tập trung nhiều hơn đến việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong các lĩnh vực để triển khai ứng dụng thông minh trong chính quyền, y tế, giáo dục, giao thông, quản lý đô thị…Hiện nay, các đô thị trên thế giới đang hướng đến phát triển bền vững. Do đó, phát triển đô thị xanh – đô thị thông minh sẽ là xu hướng chung và trở thành mối quan tâm đặc biệt của các quốc gia.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, cuối năm 2017 thành phố đã ban hành Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”, trong đó tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên: xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở ; xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội; xây dựng trung tâm điều hành thông minh; thành lập trung tâm an toàn thông tin thành phố.

Tin cùng chuyên mục