Quảng Nam: Lúa cháy hàng loạt

Theo lịch thời vụ, đến giữa tháng 7 âm lịch là thời điểm làm đòng, trổ bông trên những cánh đồng lúa vụ hè thu ở Quảng Nam nhưng oái ăm thay lúa bỗng nhiên bị khô cháy hàng loạt, gây hoang mang cho người dân. Nhiều người nghi ngờ nguyên nhân gây nên tình trạng này chính là do phân bón và thuốc trừ sâu kém chất lượng.
Quảng Nam: Lúa cháy hàng loạt

Theo lịch thời vụ, đến giữa tháng 7 âm lịch là thời điểm làm đòng, trổ bông trên những cánh đồng lúa vụ hè thu ở Quảng Nam nhưng oái ăm thay lúa bỗng nhiên bị khô cháy hàng loạt, gây hoang mang cho người dân. Nhiều người nghi ngờ nguyên nhân gây nên tình trạng này chính là do phân bón và thuốc trừ sâu kém chất lượng.

        Mất trắng

Chạy dọc theo con đường bê tông liên thôn ở xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi là cả cánh đồng lúa rộng cả trăm hécta đang vào thời kỳ làm đòng đã bị khô cháy. Cả cánh đồng không một bóng người, chỉ có những đàn bò được thả rông, thản nhiên đứng giữa những thửa ruộng ăn lúa.

Bà Nguyễn Thị Lộc (thôn Ngân Câu, xã Điện Ngọc) ngồi bó gối nhìn ra cánh đồng trước nhà, buồn hiu: “Bà con nông dân ở đây bỏ hết ruộng đồng rồi. Lúa cháy khô hết thì chăm sóc gì nữa. Thả mấy con bò ra nó ăn được bao nhiêu thì ăn chứ giữ lại làm gì”.

Bà Lộc cùng với gần 300 hộ dân ở thôn Ngân Câu, Ngân Giang của xã Điện Ngọc được HTX Nông nghiệp Điện Ngọc bố trí gần 200ha đất để làm vụ lúa hè thu năm nay. Ngay từ đầu vụ, người dân ở đây đã gặp không ít khó khăn khi nguồn nước tưới trên sông Vĩnh Điện bị nhiễm mặn, hàng trăm hécta có nguy cơ bị bỏ hoang.

Thế nhưng, với nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam, một con đập tạm ngăn mặn đã được đầu tư xây dựng tại đây. Có nước, người dân mừng như bắt được vàng, đổ hết công sức, tiền của để gieo sạ, tìm cái ăn cho gia đình. Lúc đầu lúa phát triển rất tốt, người dân mừng thầm vì hứa hẹn một mùa bội thu. “Ai ngờ chỉ vài ngày là cả cánh đồng khô cháy. Bây giờ nguồn lương thực chính cho gia đình coi như bị mất hết, không biết lấy gì sống đây nữa”, bà Lộc lo lắng.

Lúa trên cánh đồng xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) khô cháy do sâu bệnh đành để cho bò ăn. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Lúa trên cánh đồng xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam) khô cháy do sâu bệnh đành để cho bò ăn. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, tình trạng lúa bị khô cháy xảy ra chủ yếu ở những cánh đồng thuộc huyện Duy Duyên, Điện Bàn, Hội An với khoảng trên 1.000ha. Trong đó, nặng nhất là Điện Bàn với số diện tích bị khô cháy trên 600ha. Đây là số diện tích gieo sạ muộn so với lịch thời vụ của toàn tỉnh, do ở đầu vụ tại những vùng này bị khô hạn, không có nước tưới. Việc đầu tư, xây dựng con đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện với số tiền 1,7 tỷ đồng hồi tháng 5-2013 nhằm cung cấp nước tưới cho số diện tích này xem ra đã trở nên vô ích.

        Do phân bón, thuốc trừ sâu dỏm

Khi tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân cho rằng, nguyên nhân gây ra tình trạng lúa cháy khô là do họ mua phải phân bón kém chất lượng. Khi bón xong, lúa tự nhiên bị thối rễ và khô héo dần. Cũng có người cho rằng, hồi giữa tháng 7-2013 khi phát hiện sâu cuốn lá bùng phát, họ tìm đến những cửa hàng bán vật tư nông nghiệp để mua thuốc về phun. Hầu hết chọn mua thuốc trừ sâu có xuất xứ từ Trung Quốc bởi giá rẻ hơn so với nhiều loại thuốc khác. Tuy nhiên, khi phun xong, không những sâu cuốn lá không chết mà còn bùng phát và lây lan nhanh hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Điện Bàn, cho rằng: Nguyên nhân lúa bị khô cháy trên diện rộng là do sâu cuốn lá gây nên. Việc người dân thông tin do bón phân kém chất lượng là không có cơ sở. Còn việc người dân phun thuốc trừ sâu không có hiệu quả là do phun không đúng liều lượng, hơn nữa thời điểm phun thuốc gặp trời mưa nên sâu không thể chết.

Đồng quan điểm với ông Chơi, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam, nói: Nguyên nhân gây nên tình trạng này chính là do sự chủ quan của người nông dân. Hầu hết những hộ nông dân ở các xã phía Đông huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An đều có người đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp. Trong đó, có hơn 20% những hộ gia đình trồng lúa có cả vợ, chồng là công nhân.

Chính vì vậy, việc không thường xuyên thăm đồng, không phát hiện kịp thời sâu bệnh để triển khai phun thuốc đã làm cho sâu bệnh có điều kiện lây lan nhanh và phát tán ra diện rộng. Đến khi phát hiện thì trở tay không kịp.

Cũng theo ông Muộn, đây là bài học đắt giá cho ngành nông nghiệp địa phương cũng như chính người nông dân. Số diện tích bị sâu cuốn lá phá hoại đến nay không còn cách nào cứu vãn được nữa. Vấn đề bây giờ là tính đến việc phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp. Bởi từ trước đến nay, ngành nông nghiệp Quảng Nam cũng như các địa phương miền Trung đều phát triển theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, mỗi gia đình có vài ba sào ruộng Trung bộ (500m2/sào) nên không chú tâm để đầu tư, canh tác.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta phải tính đến việc tích tụ ruộng đất, để ai còn làm ruộng thì quy mô phải tương đối lớn, diện tích được giao phải vài hécta đến hàng chục hécta mỗi hộ nông dân. Từ đó, để họ tập trung đầu tư, thâm canh và làm giàu từ ruộng đất. Còn những hộ gia đình đã có công việc tại những nhà máy, xí nghiệp nên trả đất lại cho các HTX để không xảy ra tình trạng gieo sạ xong thì phó mặt cho trời, làm liên lụy những hộ nông dân khác.

Tuy nhiên, việc tập trung ruộng đất không phải là ngày một ngày hai mà cần phải có lộ trình, chính sách rõ ràng để không xảy ra những xáo trộn trong cuộc sống người dân.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục