Quảng Ngãi: Hơn 14 tỷ đồng bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi

Ngày 15-2, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có quyết định về việc ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó, nâng cao giá trị truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật bài chòi trước nguy cơ mai một.

Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 14 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp.

Theo đó, đối tượng thực hiện đề án này là các cơ quan, tổ chức, cá nhân, câu lạc bộ bài chòi, nghệ nhân, tư liệu, hiện vật có liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi. Phạm vi thực hiện trên địa bàn TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Lý Sơn.

Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, phấn đấu 100% di sản văn hóa nghệ thuật bài chòi được sưu tầm, kiểm kê và số hóa, lưu trữ trên phương tiện công nghệ hiện đại; xây dựng và tổ chức thí điểm trình diễn nghệ thuật bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại 1 điểm du lịch. Phục dựng thí điểm 1 điểm trò chơi dân gian hô bài chòi tại TP Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì Trung tâm bài chòi đã thành lập, 100% các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng và hải đảo thành lập câu lạc bộ bài chòi trực thuộc cấp huyện…

Định hướng đến năm 2030, nhân rộng mô hình tổ chức trình diễn nghệ thuật bài chòi phục vụ nhân dân và khách du lịch tại các điểm du lịch khu vực đồng bằng, hải đảo; phục dựng các điểm trò chơi dân gian hô bài chòi tại các huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời, phấn đấu có 50% các xã, phường, thị trấn đồng bằng và hải đảo thành lập các câu lạc bộ bài chòi cấp xã.

Trình diễn hội bài chòi của các nghệ nhân Quảng Ngãi

Trình diễn hội bài chòi của các nghệ nhân Quảng Ngãi

Trong đề án này, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng hỗ trợ đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi. Các nghệ nhân có vai trò trực tiếp phổ biến, lưu truyền, truyền dạy những người kế cận, tham gia các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng cho các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn tỉnh khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu. Mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của cấp có thẩm quyền. Đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được trợ cấp sinh hoạt hàng tháng theo quy định của Chính phủ.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 1 nghệ nhân được công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân và 9 nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi.

Từ ngày 7-12-2017, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Di sản nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với các tỉnh, thành phố có di sản gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành Trung bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.

Tỉnh Quảng Ngãi có 1 nghệ nhân được công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi là nghệ nhân Trịnh Công Sơn (ở giữa)

Tỉnh Quảng Ngãi có 1 nghệ nhân được công nhận danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi là nghệ nhân Trịnh Công Sơn (ở giữa)

Số lượng nghệ nhân, diễn viên bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 150 người, có 5 câu lạc bộ bài chòi ở các huyện, thị xã, thành phố, trung bình mỗi câu lạc bộ khoảng 15 diễn viên. Số lượng nghệ nhân truyền dạy cơ bản về hô, hát, các làn điệu dân ca nguyên gốc, sáng tác mới… còn rất ít.

Đặc biệt, diễn viên nhạc công đệm đàn cho dân ca - bài chòi rất hiếm, quá trình tìm kiếm, đào tạo những người thực sự có tố chất kế thừa nghệ thuật truyền thống này gặp nhiều khó khăn, đào tạo hàng trăm người cũng chỉ 3-4 người đáp ứng tiêu chí của bài chòi. Số lượng hiểu biết gốc gác, căn bản về dân ca - bài chòi còn khiêm tốn, dẫn đến việc vay, mượn, hô, hát những làn điệu không phải của bài chòi, mang tính đối phó trong các hội thi, liên hoan…

Tin cùng chuyên mục