Nhiều dự án được cấp phép đầu tư, xây dựng và đã hoàn thành đi vào sản xuất, mỗi tháng nhà đầu tư thu lời tiền tỷ. Vậy nhưng, cuộc sống của người dân trong vùng dự án lại khốn khó hơn bao giờ hết khi mà có nơi, đất tái định cư (TĐC) chưa được bố trí, còn có nơi dự án nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường.
Nhà máy đến, ô nhiễm về
Tháng 8-2008, huyện Trà Bồng di dời khẩn cấp 105 hộ đồng bào dân tộc Kor sống dọc hồ Hà Nang đến khu TĐC mới để phục vụ cho việc xây dựng đập thủy điện Hà Nang với tổng kinh phí đền bù hơn 10 tỷ đồng. Vậy nhưng, đã gần 6 năm kể từ ngày di dời về nơi ở mới, 105 hộ dân vẫn chưa được cấp đất để sản xuất. Anh Hồ Tuấn Anh ở tổ 1, xã Trà Thủy cho biết phải thuê nhà gần trung tâm xã cho con đi học chứ ở khu TĐC cũng có trường học nhưng chẳng có bàn ghế, bảng đen và cũng không có thầy cô giáo. “Nhà mình nghèo lắm, không có đất trồng lúa, làm rẫy, cái bụng đói nên phải phá rừng để trồng keo, trồng lúa kiếm cái ăn” - Hồ Anh Tuấn thật thà. Theo anh Tuấn, từ khi đến nơi ở mới, người dân khu TĐC này cứ tù mù đèn dầu chứ không có điện thắp sáng. Không những thế, mỗi khi có người đau ốm, thôn phải cử thanh niên thay phiên khiêng bộ hơn 20km mới đến điểm khám chữa bệnh, rất vất vả; nhiều trường hợp chết giữa đường lại khiêng ngược trở về chôn cất.
Theo phản ánh của người dân, nhà ở khu TĐC mới xây nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Mùa mưa nước dội xối xả tứ phía, chủ hộ phải dùng 2 - 3 lớp bạt để che chắn tạm; có hộ phải thức trắng đêm vì nước dội ngay vào giường ngủ.
Trong khi đó, xã Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) gần 2 năm trước, Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất được cấp phép xây dựng, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 40.000 tấn sản phẩm. Dù mới chạy thử, nhưng đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, làm đảo lộn cuộc sống người dân địa phương vì trong quá trình hoạt động, nhà máy 2 lần gặp sự cố do thủng ống hút bụi, tắc lọc bụi làm phát tán bụi ra môi trường. Bà Đoàn Thị Mẫn, nhà ngay sát tường rào nhà máy bảo: “Bụi lắm, ăn cơm phải đóng cửa, chúng tôi muốn dời đi nơi khác…”. Cùng chung tâm trạng, bà Lê Thị Đang cũng đề nghị hoặc là dời nhà máy, hoặc dời dân đi nơi khác… chứ sống thế này trước sau gì cũng bị bệnh.
6 năm vẫn… chưa trồng lại rừng
|
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Đông Phạm Tấn Lập, có khoảng 400 hộ dân với 1.000 nhân khẩu ở xóm Đồng Chùa, thôn Tân Hy và thôn Sơn Trà của xã bị ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường từ Nhà máy Xi măng Đại Việt - Dung Quất. “Lẽ ra các hộ dân này phải được di dời trước khi nhà máy được cấp phép xây dựng. Bây giờ chuyện đã rồi mới lo đi giải quyết hậu quả”.
Trong khi đó, theo Ban Quản lý KKT Dung Quất, sau thời gian tạm dừng sản xuất để khắc phục các sự cố môi trường, hiện Nhà máy Xi măng Đại Việt đã tiếp tục sản xuất. Dù vậy, vẫn không có cách gì xử lý tiếng ồn và bụi được, chỉ là gây ô nhiễm ít hơn thôi. Lãnh đạo ban quản lý cũng cho rằng dự án đã được đầu tư theo đúng quy hoạch. Vấn đề chỉ ở chỗ thực hiện quy hoạch không đồng bộ (chưa di dời các hộ dân ra khỏi vùng quy hoạch vì kinh phí thực hiện những năm vừa qua rất hạn hẹp). Vừa qua để khắc phục tạm thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo xây dựng các khu TĐC để di dời các hộ dân bị ảnh hưởng và bố trí kinh phí di dời đợt 1 khoảng 120 hộ với kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. “Hiện các hộ dân này đang làm các thủ tục nhận đất. Nơi ở mới của họ sẽ cách xa nhà máy khoảng 100 - 150m. Xã đang tiếp tục rà soát các hộ dân tiếp theo để kiến nghị huyện và tỉnh di dời đợt 2 khoảng 300 đến 400 hộ dân nữa” - Ông Lập cho biết.
Đối với những bất cập tại khu TĐC thủy điện Hà Nang, UBND tỉnh Quảng Ngãi lại cho rằng lỗi thuộc về UBND huyện Trà Bồng do việc khảo sát, bố trí đất tái định canh chậm nên đời sống người dân khốn khó. Qua trao đổi thì huyện Trà Bồng cũng cho biết đang khảo sát đề nghị UBND tỉnh xem xét chuyển đổi toàn bộ diện tích 119ha đất với hiện trạng rừng nghèo, đất trống và nhân dân đang sản xuất (111ha đất rừng sản xuất và 8ha đất quy hoạch rừng phòng hộ) để cấp cho các hộ dân. UBND huyện Trà Bồng đang hoàn tất hồ sơ dự án bao gồm các hạng mục: giao thông, thủy lợi và điện với tổng mức đầu tư khoảng 62,544 tỷ đồng. Riêng hạng mục cấp điện cho dân, Sở Công thương mới chỉ đăng ký vào dự án cấp điện nông thôn và miền núi tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2013 - 2020.
Tại Trà Bồng, không những các hộ dân dài cổ chờ đất tái định canh mà Nhà máy thủy điện Hà Nang còn lấy đi hơn 71ha rừng. Vậy nhưng, đã 6 năm trôi qua, việc trồng rừng tái tạo vẫn chưa được chủ đầu tư tiến hành. Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu Sở NN-PTNT, UBND huyện Trà Bồng có trách nhiệm hướng dẫn Công ty TNHH Một thành viên Thủy điện Thiên Tân (chủ đầu tư dự án thủy điện Hà Nang) trồng rừng thay thế diện tích rừng phòng hộ đã chuyển sang xây dựng công trình thủy điện Hà Nang.
HÀ MINH