Quảng Ngãi: Ồ ạt nuôi tôm bất chấp rủi ro

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở các vùng nuôi tôm của Quảng Ngãi đang được các thương lái nước ngoài đến thu mua và đẩy giá lên cao khiến nhiều người dân đổ xô làm hồ nuôi tôm. Hồ tôm “mọc” lên trong vườn nhà, thậm chí có hộ dỡ nhà lấy mặt bằng làm hồ tôm khiến nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm.

Tôm sú, tôm thẻ chân trắng ở các vùng nuôi tôm của Quảng Ngãi đang được các thương lái nước ngoài đến thu mua và đẩy giá lên cao khiến nhiều người dân đổ xô làm hồ nuôi tôm. Hồ tôm “mọc” lên trong vườn nhà, thậm chí có hộ dỡ nhà lấy mặt bằng làm hồ tôm khiến nước ngầm cạn kiệt, môi trường ô nhiễm.

Vùng đất trồng cói đã làm nên thương hiệu chiếu Khê An, xã Tịnh Khê hơn 1 tháng nay được phá bỏ và thay bằng những hồ tôm ken dày. Bên những hồ tôm cũ, những hồ mới đang được mở rộng, thả nuôi. Hì hụi đắp đất làm bờ hồ tôm, ông Nguyễn Thân (46 tuổi) cho biết đây là hồ tôm thứ 5 của ông. Ông Thân được người dân xã Tịnh Khê phong là tỷ phú nuôi tôm. Ông nói: “Nuôi tôm đã 6 năm nay, chưa có năm nào lỗ. Trung bình 1 năm lãi hơn 1 tỷ đồng. Riêng năm nay đã nuôi 3 vụ, lãi khoảng 1,2 tỷ đồng”. Theo ông Thân, các năm trước giá tôm chỉ từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, năm nay vọt lên 140.000 - 165.000 đồng/kg (loại 70 con/kg, tăng bình quân 35.000 đồng/kg). “Mua bán thuận tiện lắm, thương lái (chủ yếu người Trung Quốc) đến tận hồ, không chọn lựa, phân loại, đưa lên cân bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu. Mỗi hồ tôm trung bình từ 6 - 7 tấn, tổng cộng 3 vụ vừa rồi sản lượng tôm từ 4 hồ được gần 28 tấn”, ông Thân khoe.

Để có hồ nuôi rộng 500m2, bạt phủ đáy, đóng 2 giếng loại lớn, máy sục khí, máy bơm, mua tôm giống, ông Nguyễn Nhung phải có vốn cầm tay 250 triệu đồng. Hy vọng con tôm làm đổi đời, ông cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền. Vẫn chưa đủ, ông vay nóng với lãi suất cao. “Đây là vụ nuôi đầu tiên, tôm thả được hơn 1 tháng, khoảng 1,5 tháng nữa có thể thu hoạch. Thấy họ nuôi được, giá tôm lại cao, làm một vụ lãi vài ba trăm triệu ai không ham. Hồ tôm đang nuôi là tui mua đất của họ làm, 27 triệu đồng/hồ”, ông Nhung cho hay.

Chuyện vay nóng, cầm cố nhà đất để có tiền nuôi tôm ở Tịnh Khê cũng như các địa phương nuôi tôm khác của Quảng Ngãi là bình thường. Có hộ còn dỡ nhà, tận dụng thêm diện tích sân vườn để làm hồ tôm. Như nhà ông Võ Tấn Phượng ở xã Tịnh Khê. Bên cạnh hồ tôm khoảng 700m2 là chiếc chòi làm nơi ở, sinh hoạt và ăn uống của gia đình ông.

Ba tháng nay, những hồ tôm bỏ hoang cả chục năm “sống” lại khi người người dân cải tạo, thả nuôi. Từ đầu năm đến nay có 65 hộ/70 hồ tôm được làm mới trên diện tích gần 98.000m2. Đó là chưa kể hàng trăm hồ cũ đang được gấp rút đầu tư”, ông Lư Văn Tin, Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, cho biết. Ông Lư Văn Tin nói thêm: “Người dân làm hồ tôm như vậy là sai quy hoạch, vì theo chủ trương của UBND tỉnh, Tịnh Khê sẽ không phát triển nghề này vì sẽ ảnh hưởng đến du lịch trong tương lai. Chúng tôi liên tục kiểm tra, xử lý nhưng không được. 19 hộ làm hồ lấn biển và trong vườn nhà, xã đã xử lý và yêu cầu lấp hồ, trả lại mặt bằng. Tuy nhiên, cứ lấp chỗ này dân lại đào chỗ kia. Cứ nhằm ngày lễ, chủ nhật và ban đêm để đào. Họ rất tin vào con tôm. Lo ngại nhất là nguồn nước và môi trường bị ảnh hưởng”.

Có thể thấy, việc thương lái đẩy mạnh thu mua tôm giá cao là một cơ hội cho người nuôi tôm, nhưng điều này cũng đặt ra nhiều lo lắng, đó là khi tôm sốt giá, người dân rất dễ phá vỡ quy trình nuôi an toàn. Để nhanh có sản phẩm xuất ra thị trường, người nuôi sẽ tái sử dụng chất tăng trọng, tăng trưởng. Đến lúc đó, nếu con tôm bị phát hiện dư lượng kháng sinh thì nông dân sẽ điêu đứng. Ngoài ra, nếu thương lái quỵt nợ hoặc giảm thu mua thì người nuôi tôm cũng dễ “đổ nợ”.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục