Quảng Ngãi: Phá rừng phòng hộ xây thủy điện

Nguy cơ xâm hại rừng nguyên sinh
Quảng Ngãi: Phá rừng phòng hộ xây thủy điện

Đó là Thủy điện Sơn Trà 1 đang được chủ đầu tư gấp rút thuê tư vấn thiết kế quy hoạch để sớm khởi công xây dựng. Điều đáng nói, khoảng 80% diện tích của dự án nằm gọn trong rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham của 2 huyện Sơn Hà và Sơn Tây (Quảng Ngãi). Mặc dù địa phương và ban quản lý rừng kịch liệt phản đối nhưng đơn vị tham mưu… cứ cho là có hiệu quả!

Nếu dự án thủy điện triển khai, những cây cổ thụ thuộc nhóm chò, gõ sẽ bị chặt đốn.

Nếu dự án thủy điện triển khai, những cây cổ thụ thuộc nhóm chò, gõ sẽ bị chặt đốn.

Nguy cơ xâm hại rừng nguyên sinh

Trưởng ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thạch Nham Đoàn Ngọc Thạch chỉ tay vào vạt rừng toàn cây cổ thụ trước mặt ven con sông Xà Lò, bức xúc: “Rừng tự nhiên, cổ thụ như vậy nhưng khi tham mưu UBND tỉnh về việc cho phép triển khai thực hiện dự án này, Sở Công thương tỉnh lại cho rằng, “rừng phòng hộ liên quan đến dự án chủ yếu là rừng nhỏ, dây leo, độ che phủ của tán rừng rất thấp, một số khoảng trống của rừng có nhiều cây chuối; số còn lại hiện trạng đã khai hoang trồng keo, bạch đàn và… lúa nước! Số lượng cây rừng hiện có trên diện tích rừng phòng hộ bị ảnh hưởng bởi dự án là thấp, có giá trị không lớn, mật độ rừng cũng tương đối thấp, trữ lượng gỗ từ 10 - 100m³/ha thuộc loại rừng nghèo” - nói xong, ông Thạch ngao ngán lắc đầu.

Là người đã gắn bó với khu vực rừng đầu nguồn này hơn chục năm, bàn chân của ông Thạch gần như đã in dấu trên những con đường mòn hun hút trong rừng sâu để đến tận các tiểu khu của rừng. Vị trí nào có cây lớn, cây nhỏ, khu vực nào rừng nguyên sinh, rừng trồng, thực bì, tầng tán nhiều hay ít ông nắm trong lòng bàn tay. Vậy nên, ông nói chắc chắn: “Thực tế, khi xây dựng thủy điện Sơn Trà 1, rừng phòng hộ đầu nguồn không chỉ mất đi 44,53ha (như quy hoạch) mà dưới tác động của công trình này diện tích rừng phòng hộ sẽ bị xâm hại thêm không nhỏ. Số diện tích có rừng là rừng hàng trăm năm tuổi; sản lượng gỗ từ 100 - 300m³/ha chứ không đơn giản và ít như Sở Công thương tham mưu, báo cáo”.

“Từ xã Sơn Lập, kéo đường dây điện nối với trạm phân phối của Nhà máy thủy điện Đakrinh mất 30km đường dây đều đi qua rừng phòng hộ nhưng dự án không thể hiện chiếm đất. Họ cố tình chia nhỏ dự án ra để diện tích rừng phòng hộ nằm trong quy hoạch không vượt quá 50ha, vì như thế phải xin ý kiến Quốc hội. Đó là chưa tính trên 50ha rừng sản xuất của dân mất trắng” - ông Thạch cho biết.

Kiên quyết phản đối

“Hồ sơ dự án đến nay vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý, chúng tôi vẫn chưa có gì trong tay. Thậm chí, đơn vị khảo sát về cũng không thông qua huyện, BQL, trong khi chúng tôi là đơn vị quản lý rừng mà dự án thủy điện nằm gọn trong đó. Khảo sát thiết kế có đi hiện trường đâu. Họ thuê đơn vị tận Hà Nội vào, dựa trên bản đồ phân bổ rừng rồi cắm mốc quy hoạch. Quan điểm của tôi trước sau như một, không đồng ý triển khai dự án” - ông Thạch thẳng thắn.

Đồng quan điểm trên, Bí thư huyện ủy huyện Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng cũng cho rằng, là quản lý cao nhất của địa phương, nhưng từ Huyện ủy, đến HĐND, UBND… đều không hay biết chủ đầu tư thuê đơn vị về khảo sát, tư vấn và lập quy hoạch. Chỉ đến khi chủ đầu tư cho nhân viên đem thiết bị lén vào rừng khảo sát bị Đội kiểm tra BQL rừng đầu nguồn Thạch Nham bắt “quả tang” đem về UBND xã rồi báo cáo lên huyện mới biết.

“Phương án tái tạo, trồng rừng chưa có; đánh giá tác động môi trường cũng chưa. Vậy mà Sở Công thương cứ ấn dự án xuống, cứ một mực dự án đem lại nhiều lợi ích. Chưa biết lợi ích thế nào, nhưng mất rừng, thay đổi môi trường sinh thái, người dân bản địa  chịu mọi hậu quả xảy ra. Vì vậy, huyện Sơn Hà cũng thống nhất kiến nghị không triển khai dự án thủy điện Sơn Trà 1 trên địa bàn” - ông Dũng tỏ rõ quan điểm rồi băn khoăn: Tôi cũng không rõ các đơn vị khảo sát, lập quy hoạch lấy cơ sở đâu mà trong tỉnh Quảng Ngãi có 26 dự án thủy điện vừa và nhỏ, riêng huyện Sơn Hà có tới 9 dự án.

Ban quản lý rừng, chính quyền địa phương - hai đơn vị sâu sát và thực tế nhất với địa bàn đã thể hiện rõ quan điểm như vậy, nhưng Sở Công thương Quảng Ngãi lại nghĩ khác khi thể hiện tại hai báo cáo số 694 ngày 21-3-2013 và 958 ngày 8-7-2013 với UBND tỉnh. Ngoài việc đánh giá về trữ lượng gỗ thấp, diện tích rừng ít, Sở này còn cho rằng dự án không ảnh hưởng đến việc di dân tái định cư, tái định canh của dân, có lưu vực chủ yếu là đá, không có dân sinh sống và sản xuất nông nghiệp; sau nhà máy trả nước lại cho chính dòng sông đó nên không ảnh hưởng đến an sinh phía hạ lưu đập.

Cũng theo sở này, dù chưa khởi công xây dựng nhưng chủ đầu tư đã “đổ” vào thủy điện này hơn 27 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư “dành” 10 tỷ đồng hỗ trợ công tác an sinh xã hội của tỉnh, nhưng hiện mới hỗ trợ 6 tỷ đồng, còn nợ 4 tỷ đồng.

Dự án thủy điện Sơn Trà 1, công suất 42 MW, tổng vốn đầu tư 1.378 tỷ đồng, do Công ty cổ phần 30-4 Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, triển khai tại địa bàn hai xã Sơn Kỳ (Sơn Hà) và Sơn Lập (Sơn Tây). Để thực hiện dự án, nhà đầu tư sử dụng 95,4ha đất, trong đó: Đất rừng phòng hộ 44,53ha, đất sông suối 28,54ha, đất rừng trồng 5ha. Theo kế hoạch tháng 6-2013 chính thức khởi công xây dựng. Tuy nhiên, do chưa đủ các thủ tục đầu tư cùng sự phản đối quyết liệt từ huyện Sơn Hà và BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Thạch Nham nên vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Đây là dự án có diện tích chiếm đất rừng phòng hộ lớn nhất trong tổng số 26 dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục