* Dự kiến sẽ di dời 20.000 dân tránh lũ
(SGGPO). - Từ ngày 2-10 và kéo dài đến sáng nay 3-10, do ảnh hưởng không khí lạnh, kết hợp với hoạt động của vùng áp thấp và nhiễu động gió Đông trên cao, tại Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế xảy ra mưa lớn trên diện rộng cộng với lũ đầu nguồn dồn dập đổ về khiến nhiều khu dân cư ngập sâu trong nước lũ, hệ thống giao thông bị ách tắc, tê liệt. Lốc xoáy tại Quảng Trị làm sập nhà dân và nhiều công trình dân sinh.
Tại thành phố Huế, các phường Kim Long, Phú Bình, Phú Cát, Phú Hậu và các phường nội thành ngập sâu trong nước, có nơi ngập từ 0,5- 1m, hàng ngàn nhà dân phải di chuyển đồ đạc lên cao để tránh lũ. Các tuyến đường chính trong nội thành như Hùng Vương, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi... bỗng chốc biến thành sông, làm tắc nghẽn giao thông. Mưa lũ cũng làm nhiều hoạt động sản xuất ngưng trệ, hàng ngàn khách du lịch bị mắc kẹt tại khách sạn. Trục đường Lê Lợi - Nguyễn Sinh Cung bị cắt đứt vì nước lũ tràn qua đập đá, lực lượng chức năng buộc phải dựng rào chắn nhằm bảo vệ tính mạng cho người dân và các phương tiện tham gia giao thông.
Trong khi đó tại huyện Phong Điền, các tuyến đường quốc lộ 49B Trạch Phổ - Phong Hòa, hay về Vân Trình, tỉnh lộ 17 Phò Trạch đi Phong Mỹ, Phong Sơn, tỉnh lộ 6 về Phong Chương… khá nhiều đoạn bị ngập nặng từ 0,5m đến 0,7m. Các xã Quảng An, Quảng Phú, Quảng Phước, Quảng Thành… của huyện Quảng Điền đều bị ngập sâu trong lũ. Hàng ngàn hécta rau màu và khoai sắn các loại bị ngập úng trong nước lũ.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, mưa lớn kéo dài cả ngày hôm qua và sáng nay khiến mực nước trên các triển sông đã đạt mức báo động II, riêng sông Ô Lâu đã vượt báo động III. Theo dự báo, chiều nay, lũ trên các sông tại Thừa Thiên- Huế sẽ vượt báo động III. Vì vậy khâu di dời để hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của những hộ dân có nhà gần sông, chân núi được địa phương đặt nên hàng đầu. Toàn tỉnh dự định di dời khoảng 20 ngàn người dân nằm trong vùng lũ quét, sạt lở đến nơi ở an toàn khi nước lũ đạt mức báo động III. Đồng thời, vận động các hộ dân phải di dời dự trữ lượng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phấm khác đảm bảo sử dụng cho từng gia đình từ 7 đến 8 ngày trong mưa lũ.
Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã có công điện khẩn yêu cầu các huyện, thành phố và thị xã Hương Thuỷ chủ động đối phó khi nước lũ dâng cao, đồng thời lên phương án bảo vệ dân ở những nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, ngoài phương châm “Năm tại chỗ”, “Ba sẵn sàng”, các cơ quan, địa phương cần chú ý đến việc an toàn các công trình, hồ chứa; an toàn tại các bến đò ngang; an toàn lưới điện… Riêng ngành giao thông tỉnh đã bố trí rọ sắt và hàng ngàn khối đất đá di chuyển đến những đoạn đường xung yếu thường xuyên xảy ra sạt lở thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh, QL 49A, 49B... Và huy động máy móc phương tiện cùng nhân lực tuần tra 24h/24h, sẵn sàng khắc phục khi xảy ra sự cố sạt lở.
Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa lũ trong những ngày qua đã khiến mực nước lũ trên các triền sông vượt mức báo động II. Đặc biệt, rạng sáng 2-10, trên địa bàn thôn Cang Gián, xã Trung Giang và thôn 7, xã Gio Hải, huyện Gio Linh đã xảy ra lốc xoáy kèm theo mưa lớn làm thiệt hại nhiều nhà cửa và tài sản của người dân địa phương.
Theo thống kê, có hơn 22 nhà dân, một trung tâm học tập cộng đồng và một nhà mẫu giáo bị tốc mái; trong đó, thôn Cang Gián thiệt hại nặng hơn với 13 nhà dân bị và trung tâm học tập cộng đồng, nhà mẫu giáo bị hư hỏng. Trận lốc xoáy còn làm gãy đổ hàng trăm cây lâm nghiệp và hư hỏng hệ thống điện,... Sau khi lốc xoáy đi qua, chính quyền địa phương huyện Gio Linh cùng các đoàn thể đã đến hiện trường giúp người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Văn Thắng