Quạt gì cho mát

Cái quạt hẳn phải là thứ có tuổi đời vào hạng cổ xưa nhất trong số những vật dụng mà loài người tạo ra. Khi khai quật những mộ thuyền vài nghìn năm tuổi, các nhà khảo cổ còn tìm được dấu vết của chiếc quạt đan bằng cói. Nhưng dấu vết ấy chưa hẳn đã là tuổi thực của nó. Cho đến tận bây giờ ở một vài vùng nông thôn Việt Nam vẫn còn dùng chiếc quạt mo cau như thời nguyên thủy.

Không chỉ để làm mát cơ thể, chiếc quạt ở nông thôn vài chục năm trước còn có thêm công dụng quạt thóc. Chiếc quạt thóc nan tre bồi giấy bản quét nước cây nâu non là dụng cụ không thể thiếu của nhà nông. Cũng hình dáng ấy người ta làm rộng hơn và có thêm thanh gỗ nặng bên dưới là thành chiếc quạt buồm treo trong nhà ngói thẳng xuống bộ sập gụ để quạt mát khi có khách khứa cỗ bàn. Những nhà khá giả còn có thêm tiểu đồng kéo quạt cho khách. Dân thường cả nông thôn và thành thị dùng quạt nan và quạt giấy. Trẻ con những năm 60 đi học còn được cô giáo dạy đan quạt nan. Chiếc quạt giấy đã từng đi vào cả thơ ca đầy tính ẩn dụ khôi hài của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương không chỉ một lần. Một lỗ xâu xâu mấy cũng vừa/ Duyên em dính dáng tự bao giờ/ Vành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa…, Hồng hồng má phấn duyên vì cậy/ Chúa dấu vua yêu một cái này…

Chiếc quạt máy có mặt ở Việt Nam vào thời kỳ Pháp thuộc. Người Pháp sản xuất quạt máy chủ yếu bán sang các xứ thuộc địa Phi châu và Đông Dương. Ở chính quốc mà tìm được cái quạt máy không hề dễ. Đơn giản vì khí hậu Pháp không cần dùng đến nó. Quạt máy Marelli, Calo dùng gần trăm năm nhiều cái vẫn còn chạy cho đến tận bây giờ ở Hà Nội. Tuy nhiên dùng nó bây giờ khá phiền bởi điện lưới đã được đổi sang 220V từ mấy chục năm rồi.

Những chiếc quạt máy Liên Xô cánh cao su lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội vào đầu những năm 60. Người Hà Nội gọi nó là quạt “tai voi”. Những năm ấy nhà nào có chiếc quạt “tai voi” được coi là một tài sản rất đáng giá. Nhiều nhà chỉ bật lên khi có khách đến chơi. Mà cũng phải là hạng khách tầm cỡ con rể tương lai đến nhà thì bố vợ tiềm năng mới bật cho tí gió. Phần thì để khoe gia cảnh sung túc nhưng phần nhiều là để nhắc nhở cho chàng rể tương lai biết rằng con gái tôi đã được nằm quạt “tai voi” từ nhỏ. Trẻ con dĩ nhiên cấm không được bén mảng nghịch ngợm. Chẳng hiểu sao trẻ con lúc ấy rất thích thò tay vào cánh quạt cao su. Hình như những tiếng đập cánh vào ngón tay làm chúng có cảm giác gần gũi với khoa học kĩ thuật hơn thì phải. Quạt “tai voi” khá bền. Có nhà bật quạt bỏ quên đi sơ tán cả tháng sau về vẫn thấy chạy. Lúc này người Hà Nội nghèo khó thường lấy chiếc dinamo xe đạp lắp cánh tự cắt bằng đế phim để làm chiếc quạt máy. Quạt dinamo không tự chạy. Cắm điện từ biến thế vào phải búng đến mỏi tay mới khởi động được. Và chỉ lơ mơ gió.

Quãng đầu những năm 70, Hà Nội mới bắt đầu sản xuất được những chiếc quạt máy bán rộng rãi cho người dân. Chiếc quạt nhỏ giá 35 đồng - già nửa tháng lương cán bộ, người ta gọi là quạt “con cóc”. Quạt “con cóc” để trên sàn nhà bao giờ cũng phải tìm nửa hòn gạch buộc vào chân cho nó khỏi nhảy. Sau này có thêm quạt máy Trung Quốc nhãn hiệu Watson nhập khẩu về trang bị cho các cơ quan lớn. Vài chiếc quạt trần cánh vuông cũng bắt đầu được Nhà máy điện cơ Thống Nhất sản xuất thử. Lúc chạy lúc dừng. Thỉnh thoảng có chiếc rơi xuống đầu vài người. Những người hơi đơ đơ tính nết thường bị gán cho danh hiệu “Quạt trần hạ cánh”.

Nhưng đợi được đến lúc vài nhà máy điện cơ ở Hà Nội sản xuất đại trà quạt máy thì hàng tiểu ngạch nhập Tàu cũng ồ ạt tràn về khắp phố. Gia đình Hà Nội nào cũng tự sắm cho mình ít nhất vài ba cái. Không còn cảnh quạt “con cóc” ưu tiên cho phụ huynh đi làm về được ngồi một mình trước quạt chờ ráo mồ hôi để tắm.

Giờ thì người Hà Nội thỏa sức dùng hàng trăm loại quạt trên đời. Từ quạt trần, quạt treo tường cho đến quạt bàn, quạt cây, quạt hút, quạt phun sương... Từ quạt chạy pin cho trẻ con mang đến trường cho đến quạt cắm qua cổng USB máy tính của các nhân viên văn phòng.  Ngay cả những nhà không khá giả cũng đã có máy lạnh bởi cái trào lưu máy lạnh đã len lỏi vào đến từng ngóc ngách phố phường. Nhà mình không gắn máy lạnh cũng bị hàng xóm nung bằng cục nóng đặt ngoài cửa sổ. Nội thành bây giờ luôn nóng hơn các vùng ngoại ô từ 1 - 20C. Kỳ lạ ở chỗ người thành phố tự làm nóng mình lên trong khi mong muốn hoàn toàn ngược lại.

Chiếc quạt nan và quạt giấy đã hoàn toàn biến mất kể cả trên các sạp hàng ở chợ. Nhớ quá chiếc quạt nan ngày nào đan pha màu xanh đỏ lũ trẻ vẫn cầm trên tay suốt cả mùa hè.

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục