Quay lại nội tâm để tìm giá trị của chính mình

Đối diện với khủng hoảng và những áp lực vô hình trong cuộc sống hiện đại, không ít bạn trẻ chủ động tìm kiếm sự “chữa lành” dưới nhiều hình thức với mong muốn giải tỏa cảm xúc và thoát ra khỏi những tiêu cực đang dồn nén. Vì lẽ đó, nhiều phương pháp chữa lành được chia sẻ tràn lan trên các nền tảng số...

Bạn trẻ tìm cho mình niềm vui từ chăm sóc tạo hình tiểu cảnh. Ảnh: TOONG
Bạn trẻ tìm cho mình niềm vui từ chăm sóc tạo hình tiểu cảnh. Ảnh: TOONG

Muôn chuyện tổn thương

Sự đầy đủ và phong phú về mặt vật chất, điều kiện sống sung sướng, thuận lợi hơn các thế hệ trước…, nhưng thực tế không ít bạn trẻ lại đang phải chịu nhiều áp lực, “overthinking” (tạm dịch: suy nghĩ quá mức) từ câu chuyện học hành thành tài; làm việc kiếm tiền đến kiệt sức để theo đuổi, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Mỗi một áp lực, khó khăn sẽ tích tụ thành những cảm xúc nặng nề, tiêu cực. Thậm chí, tỷ lệ người trẻ trầm cảm và xu hướng tự ngược đãi bản thân hay tự tử, trở thành vấn đề báo động trên các diễn đàn trực tuyến và trực tiếp trong vài năm qua.

Một số người cho rằng, khả năng chịu đựng của người trẻ ngày nay không cao hoặc có phần quá yếu đuối. Tuy nhiên, mỗi một thế hệ đều sẽ có khó khăn và áp lực riêng… Vì thế, “chữa lành” trở thành từ khóa được tìm kiếm rộng rãi và là cách để giới trẻ cân bằng lại tâm trí. Một số cách thức “chữa lành” phổ biến như: thiền định, yoga, kết nối với thiên nhiên, sách ảnh, podcast, hoạt động cộng đồng hoặc chuyến du lịch “chữa lành”…

Là người từng trải qua giai đoạn bị áp lực lớn về học tập lẫn định hướng tương lai, Võ Liêu Mỹ Quyên (22 tuổi, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM) kể: “Vào giai đoạn đó, bản thân tôi có cảm giác bị uể oải, không muốn làm gì và không thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tôi tìm hiểu việc chữa lành song song với trò chuyện cùng một người chị để giãi bày nỗi niềm”.

Mỹ Quyên bắt đầu viết nhật ký, học thiền và dành thời gian ở một mình, đối diện với những suy nghĩ, vấn đề mà bản thân gặp phải. Cô chia sẻ: “Tôi thấy việc thiền định và ngẫm nghĩ về bản thân sau một khoảng thời gian khiến tôi có cái nhìn rõ hơn về những vấn đề và bản thân của hiện tại. Ngoài ra, việc tập thiền cũng khiến tôi bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc tốt hơn khi phải đối diện với những vấn đề khác trong cuộc sống”.

Chưa lành tâm lý đã “tổn thương” tài chính

Nhu cầu cần được chữa lành tăng, kéo theo đó là nhiều hội nhóm, dịch vụ gắn mác “chữa lành” mọc lên nhan nhản và nở rộ các “chuyên gia tâm lý”, “bậc thầy chữa lành”... Gõ từ khóa “chữa lành” lên các nền tảng mạng xã hội, hàng trăm hội nhóm với hàng ngàn thành viên tham gia. Bên cạnh các câu chuyện người thật, việc thật, “chữa lành” thật, thì không ít những khóa “chữa lành”, người tham gia nhận về kết quả tâm lý chưa lành mà còn thêm “tổn thương” tài chính.

Mang cho mình vẻ ngoài hào nhoáng, sứ mệnh phụng sự cộng đồng nhưng tính chất của một số dịch vụ, khóa học trực tuyến về “chữa lành” lại mang tính lừa đảo, “tẩy não” người tham gia.

Áp lực công việc, chuyện tình cảm đổ vỡ cùng mâu thuẫn gia đình, khiến Trọng Q. (25 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) tìm đến một khóa học chữa lành 5 ngày, với học phí 20 triệu đồng. Q. chia sẻ: “Lúc đó tâm trạng rối bời, đọc qua những lời giới thiệu về khóa học đó thấy dòng nào cũng đúng và cần thiết cho mình, nên tôi chốt đơn nhanh, vì thấy họ nói chỉ còn 3 suất. Học rồi mới biết, 5 ngày trôi qua đúng hơn chỉ là 5 buổi nói chuyện tâm tình. Không một lời khuyên hay giải pháp trị liệu về tâm lý nào được đưa ra, tôi nản nên học đến ngày thứ 3 thì bỏ, xem như mất trắng 20 triệu đồng. Sau đó, tôi dành thời gian du lịch và tĩnh lặng cho chính mình, rồi chấp nhận đối diện và giải quyết từng vấn đề một”.

Việc “chữa lành” tâm hồn sau những tổn thương là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần ưu tiên kết nối, lắng nghe và thấu hiểu điều mà bản thân mong muốn, chứ không phải vội vàng ghi danh vào những lớp học đắt đỏ với “bậc thầy chữa lành” hay “chuyên gia trị liệu tâm lý” nào đó.

TS Nguyễn Thị Thanh Tú, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM: Bên trong chúng ta là trời cao biển rộng

Trước hết cần phải quay trở lại với nội tâm của mình, trở lại để tìm thấy giá trị của mình và tôi nghĩ bên trong chúng ta là trời cao biển rộng. Bên trong chúng ta có sự lạc quan, tiềm lực, khả năng phục hồi rất lớn, cùng khả năng thích nghi, kết nối với mục tiêu sống. Quay lại nó nghĩa là cho phép mình được nối kết với bản thân, chọn lựa sự tích cực trong mình và tìm thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Bên cạnh đó, hoạt động chia sẻ cùng cộng đồng một cách tích cực sẽ giúp chúng ta tìm thấy niềm vui và ý nghĩa cuộc sống từ những điều nhỏ bé.

Tin cùng chuyên mục