Bài văn hay

Quê hương nếu ai không nhớ...

Quê hương nếu ai không nhớ...

Chiều ngoại ô quê mình đã bắt đầu se se lạnh. Trên trời, những lớp mây bàng bạc xen lẫn các lớp màu xám từ từ trôi. Ánh mặt trời vàng khẹt tỏa xuống tàu cau lá chuối làm biến màu xanh của chúng thành màu vàng nhạt... Không gian ảo não buồn!...

Quê hương nếu ai không nhớ... ảnh 1

Hà có cảm thấy rằng hai tiếng quê hương thật ngọt ngào và gần gũi biết bao không?! Quê mình cũng vậy, cũng mộc mạc và bình dị với những ngôi nhà lá yên bình bên dòng sông thơ mộng. Thỉnh thoảng, còn có tiếng trẻ con cỡ bốn năm tuổi ngồi gọn vào lòng bố mẹ mà nũng nĩu. Từ đâu vọng về tiếng “Ầu ơ... ví dầu, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...” thật êm ái và dịu dàng của người mẹ hát ru con mình vào giấc ngủ hồng...

Hà biết không, xa xa là bát ngát những ruộng là ruộng. Màu vàng trải đều khắp một vùng. Chao ôi! Không biết từ đâu mà hiện hữu cái màu vàng óng ả và đặc trưng đến thế! Cánh đồng vàng trải dài ra mênh mông nhấp nhô theo từng cơn gió. Nhưng gợn sóng lăn tăn trên biển lúa là những bông lúa mập mạp, tròn trĩnh đang ngả nghiêng đùa giỡn với các chị bướm đủ màu, đủ sắc. Đâu đó thấp thoáng những chiếc áo bà ba đã cũ sờn và bạc phếch màu thời gian.

Các cô bác nông dân lom khom gặt lúa, thu nhận những thành quả của mình đã đánh đổi được bằng những giọt mồ hôi, những giờ lao động mệt nhọc. Nhưng họ đều mang theo sự hăng hái, niềm vui bất diệt chứa trong mình...

... Mình choáng ngợp và ngây ngất giữa khung cảnh khoáng đãng, trong xanh của bầu trời. Gió nhẹ phảng phất mang theo hương của đồng cỏ trên đồi, mùi hoa đồng nội thơm ngạt ngào, mùi của lúa chín, của rơm rạ mà không thể kể sót mùi của con đường đất đỏ nữa chứ! Tất cả đều đặc biệt! Không giống cái mùi khói xe ngột ngạt ở thành phố.

Những làn gió từ bìa rừng lại thổi về buốt giá... Những tia chớp chợt lóe lên rồi dập tắt, để lại những tiếng “Ầm! Ầm!”... Mưa! Nước lênh láng cả một vùng đồng nội...

Hà thân mến! Cứ mỗi sáng, khi mà những cơn mưa đã tạnh hẳn mà vẫn còn để lại dấu vết trên con đường làng. “A! Những ổ nước, những ổ gà nước tụi bây ơi!”. Hà có nhận ra giọng điệu của ai không? Thằng cu Tèo nhà mình đấy! Nó thích thú khi gặp những ổ gà nay sau cơn mưa đã đầy lủm những giọt nước mưa và cười nắc nẻ khi tụi bạn nó lãnh trọn những giọt nước pha lẫn màu nâu đỏ của đường đất. Ôi! Không biết nó phá phách đến cỡ nào!...

Bạn biết không, những vùng đất rộng lớn ở đây thả diều là nhất rồi! Tới rủ mấy đứa bạn gần nhà ra ruộng chơi thả diều. Và tất nhiên những nơi tụ tập đông vui để chơi không thể thiếu vắng thằng cu Tèo - một ông tướng của “quỷ sứ”. Phải nói rằng nó chơi hay thật, diều của nó bay cao thế kia, cao đến độ mà bọn trẻ phải ngẩn ngơ nhìn mà thèm khát. Những con diều nông thôn mộc mạc lắm, giản đơn lắm! Chỉ cần một khung tre vót thật cẩn thận rồi dán lên đấy những tờ giấy lộn, giấy báo. Thế rồi thành một con diều. Gió nhẹ dần, trò chơi diều đối với bọn trẻ cũng chẳng còn thú vị.

Chúng rủ nhau ra con sông đầu làng mà tha hồ tắm mát. Ôi! Cái làn nước trong veo đến độ nhìn thấy được cá đáy sông. Sông uốn khúc, sông hiền hòa như người mẹ hiền, sông ngọt ngào, sông gần gũi như bạn bè trang lứa. Và những con đò đưa người sang sông lặng lẽ, âm thầm gắn bó máu thịt với làng quê, với cả những cánh cò, cánh vạc... Đến trưa, chúng mình lại lên tảng đá dưới gốc cây xoan mà nghêu ngao hát.

Mình cảm thấy nơi đây thanh bình quá! Vùng đất này, con sông này đã soi bóng và in dấu những kỷ niệm của tuổi thơ, nơi có những cánh diều không cầu kỳ như ở thành phố: nào là diều bướm với đôi cánh rộng đón gió, ôm ấp bầu trời trong xanh như đứa con hiền dịu, hay diều cá mập trông thật dữ tợn như muốn ăn tươi nuốt sống bất cứ kẻ nào dám bay cao hơn nó, mà tại vùng đất mộc mạc này chỉ có những cánh diều thơ mộng và bình dị...

Thế đấy Thu Hà ạ! Tất cả đối với mình như còn hiện ra phập phồng trước mặt. Mình được chứng kiến những cảnh vật diễn ra thật yên bình và dữ dội, hiền hòa và khắc nghiệt của thiên nhiên, đất trời ngoại ô!

Câu thơ mà mình đã thuộc lòng của nhà thơ Đỗ Trung Quân giờ đây lại tự cất lên trong tâm trí mình:

“Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người”...

(Lê Đức Bảo Ngọc, HS trường Nguyễn Du, Gò Vấp, bài đoạt giải ba cuộc thi lần 2 năm 2001)

Tin cùng chuyên mục