Quê nhà đẫm lệ

Quảng Bình sáng 12-10 mưa tầm tã, ai cũng nặng trĩu ngày tang. Những hàng người nối dài như bất tận kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nhà An Xá, Lệ Thủy và tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình. Bao dòng nước mắt tiếc thương, với lòng biết ơn vô hạn.
Quê nhà đẫm lệ

Quảng Bình sáng 12-10 mưa tầm tã, ai cũng nặng trĩu ngày tang. Những hàng người nối dài như bất tận kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở quê nhà An Xá, Lệ Thủy và tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình. Bao dòng nước mắt tiếc thương, với lòng biết ơn vô hạn.

 

Cựu chiến binh Trần Thạch (100 tuổi, quê ở xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.

Cựu chiến binh Trần Thạch (100 tuổi, quê ở xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Bình.

 

Lệ nhòa linh ảnh

Căn nhà nhỏ nơi lưu niệm cốt tích Đại tướng Võ nguyên Giáp bên hàng chè tàu giản dị đón hàng chục ngàn người về viếng Đại tướng. Lễ tang của Đại tướng ở quê nhà do chính quyền địa phương cử hành, còn mâm cúng giản dị lại được chính tay những người cháu chắt trong dòng họ Võ dâng lên. Làng chiêm trũng, hạt lúa củ khoai từ vùng đầm phá Hạc Hải ngàn vạn đời nay nuôi nấng bao thế hệ, bữa cơm phát tang sau lũy tre làng là con cá chép kho ớt, dĩa xôi nếp ngậm căng nước đồng, con gà trống nhỏ bé giữa thôn xóm. Chẳng mâm cao cỗ đầy, chỉ lễ nhỏ, nhưng lòng thành, có thêm trứng, thêm muối từ quê biển gửi về. Những vành khăn tang phát cho hơn 60 con cháu họ Võ trực hệ, ai nấy kính cẩn nghiêng mình trước di ảnh của Đại tướng.

Từ xã biển Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam, các nữ cựu pháo binh năm xưa đến dâng hương viếng Đại tướng. Họ khóc như mất đi người cha của mình. Bởi các nữ pháo binh năm xưa đã được gặp Đại tướng giữa triền cát trắng.

Bà Trần Thị Thản (66 tuổi), nguyên Chính trị viên Đại đội pháo binh Ngư Thủy nói trong rưng rưng nước mắt: “Là vị Đại tướng vĩ đại của dân tộc, nhưng ông rất gần gũi, hiền hòa. Chúng tôi, những chiến sĩ của Đại đội pháo binh Ngư Thủy vinh dự nhiều lần gặp ông với nhiều kỷ niệm. Nay về viếng ông, đưa tiễn ông thật buồn vô hạn”.

Nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, ngay từ chiều 11-10, bà Công Tôn Nữ Trí Huệ, là chắt của vua Minh Mạng (nay tròn 92 tuổi, quê ở Hương Cần, Hương Toàn, Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) và người cháu rể quốc tịch Tây Ban Nha đã đón xe ra An Xá. Trên tay cầm di ảnh của Đại tướng, bà Huệ không kìm được nước mắt: “Suốt cả cuộc đời ông đã hy sinh hết thảy cho Tổ quốc, cho nhân dân Việt Nam . Đại tướng sống mãi mãi trong lòng chúng ta”.

 

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ cùng cháu rể (quốc tịch Tây Ban Nha) xúc động đến viếng tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bà Công Tôn Nữ Trí Huệ cùng cháu rể (quốc tịch Tây Ban Nha) xúc động đến viếng tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Phía hội trường UBND tỉnh Quảng Bình, trời Đồng Hới buổi sáng mưa tầm tã, hàng chục ngàn người xếp hàng dài trên đường Hùng Vương, Quang Trung, cả trong sân hội trường UBND tỉnh để dâng hương viếng Đại tướng.

Trong làn mưa tuôn rơi, cụ Quế Thị Nhung (79 tuổi, Yên Thành, Nghệ An) bắt xe đò vô từ sáng sớm, cho biết: “Dù tuổi già nhưng tôi quyết vượt 300 cây số vào quê Đại tướng để được dâng nén hương. Đại tướng là người Đại Trí, Đại Dũng, Đại Nhân, luôn được dân tin yêu. Tôi còn ở lại để nhìn linh cữu Đại tướng từ sân bay ra nơi an táng, rứa mới thỏa lòng tiếc thương, rứa thì về quê nhà, tôi có nằm xuống cũng mãn nguyện”. Cụ Hoàng Văn Đình, cựu chiến sĩ Điện Biên từ Thanh Hóa vào, nói trong tiếng mưa nghẹn ngào: “Tôi là người lính cựu chiến dịch Điện Biên Phủ, nghe tin Đại tướng mất, tôi không ngủ được, thâu đêm bắt xe vào với quê hương Đại tướng để dâng nén hương viếng vọng thủ trưởng của chúng tôi”.

Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, ông Nguyễn Đình Hiệu xúc động: “Đảng bộ và nhân dân quê hương huyện nhà luôn hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 28 xã thị trấn của huyện noi theo tấm gương Đại tướng trở thành những xã kiên cường, bất khuất đã được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đó là nén tâm hương, tấm lòng thành của người dân quê nhà dâng trước anh linh Đại tướng”.

Biểu tượng Võ hóa thành Văn

Trong ngày tang lễ Đại tướng, chúng tôi được các bậc lão làng ở An Xá dẫn đến chùa An Xá, nơi ngày xưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lập Hội đọc sách kín. Ở đó có cây dừa mà ngày xưa Đại tướng và đồng chí của mình đã trồng, nay tình cờ mọc lên ngọn thứ hai cạnh ngọn thứ nhất vào năm 2004 khi Đại tướng về thăm quê. Tại cây dừa này, cụ ông Trần Xứ (73 tuổi) nói: “Giữa ngày cả nước đại tang, chúng tôi ngộ ra biểu tượng cây dừa hai ngọn này, nó là chữ V, chữ đầu tiên của họ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đất nước lâm nguy, Đại tướng theo Bác Hồ giúp dân cứu nước, cuộc đời ông cống hiến hết mình vì dân, nhiệm vụ nào cũng không nề hà. Đó là Võ, là Văn của Đại tướng nhân dân. Võ công của ông hóa thành Văn là rứa. Cây dừa hai ngọn mà dân làng tôi coi như chữ V là Võ hóa thành Văn rồi, hiển linh với quê nhà, là hồng phúc với quê nhà dưới bóng dừa An Xá”.

 

Đất Quảng Bình đến chiều tối 12-10, đoàn người kính viếng hương hồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nối dài dọc đường trước cổng UBND tỉnh. Ngả chiều, trời đã ngớt mưa, khuôn nắng lộ ra trong màn mây, lòng người như đỡ se sắt hơn. Trong khi đó, tại công trường thi công đường dẫn vào nơi sẽ an táng Đại tướng cũng đang gấp rút hoàn thành nhiệm vụ được giao. Bước sang ngày mới, cán bộ chiến sĩ bảo vệ khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến và công nhân thi công đã dành một phút mặc niệm vị Đại tướng huyền thoại.

 

Các đồn biên phòng tuyến biển và tuyến rừng cũng tổ chức lễ viếng trang trọng tại đơn vị. Từ đất Hạ Cờ giáp ranh Quảng Trị đến đất đèo Ngang giáp với Hà Tĩnh, đâu đâu người dân cũng một lòng thành kính khói hương với vị Đại tướng huyền thoại của nhân dân.

 

Từ phương xa, ông Nguyễn Cương, Chủ tịch hội đồng hương Quảng Bình tại TPHCM đã về Đồng Hới kính viếng Đại tướng. Trong xúc động ông nói: “Cụ Võ Nguyên Giáp là hào kiệt của quê hương. Võ công Đại tướng không chỉ thế giới ngả mũ kính chào mà chất Văn của ông còn soi sáng cả lòng dân”.

 

Dưới dãy núi Giăng Màn nơi huyện rẻo cao Minh Hóa, các chiến sĩ biên phòng đồn Ra Mai, Cha Lo đã băng rừng đến với những bản làng xa ngái ở Hà Vi, Cà Ai, Ra Mai, Tà Vờng nói với đồng bào Khùa, Mày, Mã Liềng, Rục, Trì, Thổ... sự ra đi của Đại tướng muôn vàn kính yêu.

 

Ông Hồ Phòm ở Dân Hóa, người ngày xưa từng tham gia mở đường với Bộ đội 559 cho biết: “Cái tin Đại tướng qua đời đến với dân bản đột ngột lắm, bộ đội biên phòng lấy ảnh ra đặt trang trọng giữa nhà sàn, trên chỗ thờ của dân bản, nói Đại tướng hôm nay đến thăm dân bản để đi xa. Dân bản thương nhớ Đại tướng vô cùng” .

 

MINH PHONG - NGUYÊN KHÔI - DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục