Quốc hội bàn về sửa đổi Bộ Luật Tố tụng dân sự: Còn băn khoăn về vai trò của Viện Kiểm sát

Thảo luận tại nghị trường về sửa đổi Bộ Luật Tố tụng dân sự trong phiên họp sáng nay, 25-11, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng xét xử án dân sự.
Quốc hội bàn về sửa đổi Bộ Luật Tố tụng dân sự: Còn băn khoăn về vai trò của Viện Kiểm sát

(SGGPO).- Thảo luận tại nghị trường về sửa đổi Bộ Luật Tố tụng dân sự trong phiên họp sáng nay, 25-11, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng xét xử án dân sự.

Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) đề nghị đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân  tham gia 100% số vụ án dân sự (lâu nay chỉ tham gia nếu xét thấy cần thiết) để đảm bảo thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Đại biểu cũng cho rằng, kiểm sát viên cần thể hiện quan điểm của mình về nội dung bản án.

Cũng với mong muốn nâng cao chất lượng xét xử án dân sự, song đại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) lại có quan điểm khác. “Việc đại diện Viện kiểm sát  tham gia tất cả vụ án là một bước tụt lùi. Tôi cho rằng kiểm sát viên không nhất thiết phải tham gia tất cả các vụ việc dân sự. Đơn cử như khi giải quyết việc thuận tình ly hôn, sự tham gia của kiểm sát viên chẳng những không cần thiết mà còn làm phức tạp, rối rắm hơn, thời gian giải quyết lâu hơn, thậm chí vi phạm quyền riêng tư của đương sự”.

Phân tích về trình độ hiểu biết pháp luật chung của xã hội hiện nay, đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) nhận xét, quy định về nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ của đương sự như dự thảo Luật chỉ phù hợp các nước phát triển.

“Ở nước ta, khi trình độ dân trí và ý thức tuân thủ pháp luật còn thấp, thói quen mua bán trao tay nhiều tài sản có giá trị như nhà đất vẫn còn phổ biến thì ngay cả cơ quan điều tra cũng gặp khó khăn khi thu thập, xác minh chứng cứ. Nếu muốn đảm bảo chất lượng xét xử thì vẫn phải giao cho toà án tiến hành. Mặt khác, dự thảo Luật cũng không quy định thời điểm xuất trình chứng cứ, nên đương sự có thể lợi dụng, nay trình ra một số chứng cứ có lợi cho mình; chưa được thì vài ba tháng, thậm chí hàng năm sau lại trình ra một số chứng cứ khác”, đại biểu Hoa bình luận.

Tuy nhiên, với quan điểm “việc dân sự cốt ở đôi bên”, đại biểu Phạm Quốc Anh (Đồng Nai) lại tán thành quy định đương sự có nghĩa vụ chứng minh xuất trình chứng cứ và phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, khách quan của chứng cứ. Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Quốc Anh (ảnh) nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác hòa giải và cho rằng “đưa trình tự, thủ tục hòa giải vào luật này là rất tốt. Ở các nước, tỷ lệ hòa giải thành án dân sự rất cao, góp phần giảm được chi phí, tốn kém cho xã hội”.

Liên quan đến thủ tục xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị “hết sức thận trọng, có điểm dừng”. Bà Hoa cho rằng, quy định điều kiện xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm như dự thảo Luật là quá đơn giản. Việc bổ sung cơ chế xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao cũng được đại biểu đề nghị phải chặt chẽ hơn và có sự tham gia của các ủy ban của Quốc hội. Phát biểu sau đó, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) cũng đồng tình với các nhận định này.

Về định giá tài sản, nhiều ý kiến thống nhất giao cho cơ quan định giá độc lập, có chuyên môn để giảm tải cho Tòa án. Trong trường hợp không thể tìm được cơ quan này, Tòa mới phải lập Hội đồng định giá, nhưng Chủ tịch Hội đồng này phải là người am hiểu về tài chính.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục