Biểu quyết về Đề án cải cách cơ chế tài chính giáo dục là “một trong những quyết định khó khăn nhất mà các ĐBQH phải đưa ra trong kỳ họp này”, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nhận định. Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc nhiều mặt, ĐB ủng hộ việc thông qua đề án.
Đề án quan tâm tạo cơ hội học tập cho người nghèo
Theo ĐB Huỳnh Thành Lập (TPHCM), hiện tại chính là thời điểm phải có cơ chế huy động nguồn lực của các thành phần khác chung tay, góp sức với nhà nước để phát triển giáo dục – đào tạo. ĐB Huỳnh Thành Lập và ĐB Nguyễn Thị Thu Cúc (TPHCM) đều đánh giá cao đề án vì đã quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh, sinh viên ở những vùng khó khăn. Đồng thời có chính sách khuyến khích nhân tài bằng học bổng, kể cả cơ hội du học nước ngoài.
Theo phân tích của ĐB Huỳnh Thành Lập, đề án này có 3 điểm tiến bộ và khả thi. Đó là nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người học; phân tách rõ ràng công – tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo; đưa ra cách tính học phí trường công phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Việc thực hiện đề án (sau khi được hoàn thiện thêm) sẽ góp phần cải thiện chất lượng cho nền giáo dục nước nhà.
Cần đánh giá tổng thể hiệu quả sử dụng ngân sách
Mặc dù thống nhất về sự cần thiết ban hành và thực hiện cải cách cơ chế tài chính giáo dục, song nhiều ĐBQH không hài lòng do đề án chưa đưa ra được những đánh giá cụ thể và thuyết phục về hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho sự nghiệp giáo dục – đào tạo. ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) nhận định: “Trong những năm qua ngân sách nhà nước chi cho giáo dục - đào tạo tăng rất đáng kể, song hiệu quả sử dụng như thế nào chưa được làm rõ. Có một nghịch lý là các địa phương không thực hiện việc đánh giá này, trong khi địa phương là cấp chi tới 70% ngân sách cho giáo dục”.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM), khi ông tỏ ý băn khoăn về mức độ sát thực của con số thống kê: “Trên thực tế gia đình người đi học phải đóng góp rất nhiều khoản, có khi cao gấp mấy lần học phí. Phải đánh giá lại nỗ lực của toàn xã hội đã thắt lưng buộc bụng chi cho giáo dục - đào tạo, ngành đã sử dụng như thế nào”. ĐB Trần Du Lịch đề nghị sắp tới cần tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.
Bình luận về khung học phí cụ thể, ĐB Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) cho rằng: “Khung học phí vẫn chung chung, chưa có mức cụ thể của từng năm và lộ trình tới 2014, phải cụ thể thì các địa phương mới thực hiện được”. Với các hình thức đào tạo dân lập, tín chỉ, nhà nước cần khống chế mức thu trần.
ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) đề nghị: “Ban soạn thảo đề án nên tập hợp thêm ý kiến của các chuyên gia, các tầng lớp dân cư khi đưa ra những quy định cụ thể có tác động lớn đến toàn xã hội”.
Anh Thư
Sẽ đưa lên mạng cách tính cụ thể mức học phí Tham dự phiên thảo luận tổ sáng 3-6 tại đoàn ĐBQH TPHCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, đã có cuộc trao đổi nhanh với phóng viên Báo SGGP xung quanh vấn đề học phí. - PV: Thưa ông, có ý kiến còn phân vân về chi phí học tập cho con em chiếm 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình? Thứ trưởng PHẠM VŨ LUẬN: Hộ gia đình chuẩn ở đây là 4 người, gồm bố mẹ và 2 con. Chi phí 6% tổng thu nhập bình quân là tính cho 2 con. - Với những hộ có nhiều hơn 2 con thì sao? Như đã nói, cách tính trên mới chỉ là nguyên tắc. Chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể, có công thức tính cụ thể và sẽ đưa lên mạng để nhân dân góp ý trước khi hoàn thiện, ban hành. - Có ý kiến cho rằng tính học phí theo thu nhập bình quân của hộ gia đình sẽ gây khó khăn cho khoảng 60% đối tượng có mức thu nhập thấp dưới mức bình quân? Thì họ sẽ là đối tượng được miễn giảm học phí theo chính sách. - Còn những hộ gia đình gặp khó khăn thực sự nhưng chưa thuộc diện hộ nghèo? Chính sách nào cũng phải chấp nhận “vùng giáp ranh”. Nhưng mặt khác, cách tính 6% thu nhập chỉ là để xác định học phí chuẩn tại một khu vực nhất định, còn mức thu thực tế cho từng đối tượng cụ thể sẽ được địa phương và nhà trường quyết định. Hiệu trưởng các trường đại học cũng sẽ được trao quyền miễn giảm học phí, tăng học bổng… trong nhiều trường hợp. - Sau khi tăng học phí, ngành giáo dục có cam kết triệt để không thu ngoài luồng như một số ý kiến ĐBQH yêu cầu? Luật Giáo dục đã quy định rõ vấn đề này, nhưng tất nhiên, để loại bỏ được hiện tượng tiêu cực ấy trên thực tế, thì quả thực là một cuộc đấu tranh đầy khó khăn. Anh Phương thực hiện |